Di sản
Văn bia ghi về dựng ngôi nhà khuyến học của Hội Tư văn làng Nghĩa Phú

Viện Nghiên cứu Hán Nôm đang lưu giữ thác bản văn bia Tiên hiền thọ cơ (Văn bia về gây dựng nền móng tôn vinh bậc tiên hiền làng Nghĩa Phú). Niên đại Chính Hòa 17. Niên đại thác bản khoảng năm 1938. Bia một mặt, không ghi tên tác giả. Qua nội dung ta biết do Tiến sĩ Bồi tụng Nguyễn Danh Nho soạn.

Nội dung văn bia đề cập việc Nguyễn Danh Nho cúng cho Hội Tư văn làng/xã quê nhà là thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng 240 m2 đất thổ cư, thuộc khu vườn đình làng, cùng một tòa thạch sàng (còn gọi là chiếu đá) để dựng ngôi từ vũ, biểu dương người thi đỗ các khoa thi Nho học, làm rạng danh quê hương, gây dựng phong tục của làng.

Thác bản bia kí hiệu 06129, in rập khoảng năm 1938, tại đình thôn Nghĩa Phú. Chữ Hán 1 mặt,  khổ 1,20x0,95 cm, gồm 15 dòng. Chữ Khai thảo, nét chạm tinh sảo, đẹp như bức thư họa. Có bốn chữ viết lối dị thể (chữ sách, chữ tòng , chữ tuế , chữ thời ). Chúng tôi đã thực hiện công việc thẩm định văn bản học thác bản văn bia, chép chữ Hán, phiên âm, dịch nghĩa. Do khuôn khổ bài viết, xin được đăng tải phần dịch nghĩa, nêu giá trị của văn bia.

 

Bia Tiên hiền thọ cơ.

 

Dịch nghĩa:

Bia dựng nền thọ, tôn vinh bậc tiên hiền

Văn bia chép việc gây dựng ngôi từ vũ (đền thờ) để tồn tại lâu dài, dùng thể văn thực lục, văn chép sử.

Tôi, người sinh sau các bậc tiên hiền của làng, họ Nguyễn, ban đầu tên là Chân Nho, sau đổi là Danh Nho, hiệu Sằn Hiên, người thôn/ xã Nghĩa Phú, huyện Cẩm Giàng. Sinh giờ Dần, ngày 16 tháng Bảy, năm Mậu Dần, niên hiệu Dương Hòa  (1638). Lên bảy tuổi đi học, năm 13 tuổi đã thuộc làu văn chương, năm 20 tuổi thi Hương trúng trường Ba (đỗ học vị Tú tài), năm 26 tuổi, khoa thi Hương năm Quý Mão (1663), trúng tuyển hàng thứ 2 sau người đỗ Hương giải. Năm 27 tuổi, năm Giáp Thìn (1664), thi Hội, trúng trường 3. Năm 30 tuổi là năm Canh Tuất, niên hiệu Cảnh Trị 8 (1670), trúng khoa Sĩ vọng. Được vua khen, bổ nhiệm chức Huấn đạo(1). Cũng năm này, thi Hội trúng học vị Tiến sĩ, hàng đệ (đệ tam giáp), đường mây bốn ngả thanh thản bộ hành, vua chúa tin yêu, thăng chức Cai đạo Hiến sứ(2) Phủ doãn(3), Tự khanh(4), Thị lang(5). Được vào cung tham gia bàn bạc việc chính sự, Phụng mệnh đi sứ, làm hết sức mình, nhiều lần được ban thưởng chức cao tước cao. Nhận mệnh vào cung dạy học cho Thái tử, bàn việc cơ mật. Sự nghiệp vẻ vang, công danh rạng rỡ.

Có được công danh trên, đều do bậc tiên hiền phù trợ giúp đỡ, như được chiêm bái thắng cảnh sao Bắc đẩu, núi Thái sơn. Bèn chọn đất thiện địa (đất lành), diện tích 10 thước (24 x 10 = 240 m2), tại vườn đình làng, cùng một tòa thạch sàng (chiếu đá). Hứa với Hội văn của thôn/xã nhà dựng ngôi từ vũ (đền/nhà thờ) thờ cúng, để kính tế như quy định nghi lễ hai kì Xuân, Thu, để trân trọng đạo thánh hiền, làm rạng rỡ công lao, để gây dựng danh tiếng quê hương, gìn giữ mãi mãi phong tục, biểu dương khoa cử,  gìn giữ mãi mãi nghi thức tế lễ trọng thể, vậy khắc chữ vào đá để truyền mãi về sau

Ngày tốt tháng 7, năm Chính Hòa 17 (1696)

Nhà thờ dòng họ Nguyễn Danh còn bia Thực sự kí, ghi về tiểu sử Nguyễn Danh Nho. Đã rất chi tiết, nhưng bia ghi cuộc đời, sự nghiệp quan trường của ông đến năm 1693. Những năm từ 1693 đến năm 1696 được phản ánh trong bia Tiên hiền thọ cơ.

Bia không ghi người soạn (tác giả văn bia) nhưng có thể khẳng định là của Ts Nguyễn Danh Nho từ khảo sát nội dung, ngôn ngữ, văn phong.

Một số chi tiết về tiểu sử được bổ sung, đính chính ở giờ sinh, từ sinh giờ Tuất sang sinh giờ Dần, ở đổi tên từ Chân Nho sang Danh Nho. Bia Thực sự bi kí, dòng 1 viết: Ta họ Nguyễn Danh, tên là Nho. Sinh giờ Tuất ngày 16 tháng Bảy, năm Mậu Dần (1638). Việc đổi giờ sinh đã khắc vào bia đá trước 3 năm, tưởng chuyện nhỏ nhưng không nhỏ bởi lúc này cần đính chính vì liên quan tới đức tính trung thực của kẻ sĩ. Lá số tử vi của ông qua đối chiếu những dữ kiện về tính nết, diện mạo, sự kiện cuộc đời thể hiện sinh giờ Dần không phải giờ Tuất. Câu “Lên bảy tuổi đi học, năm 13 tuổi đã thuộc làu văn chương” chỉ có trong Tiên hiền thọ cơ chi bi. Tên hiệu Sằn Hiên cũng chỉ ghi ở bia này.

Sau khi kể đại lược về công lao, chức tước được đề bạt, ban thưởng, tác giả viết: “Có được công danh trên, đều do bậc tiên hiền phù trợ giúp đỡ”. Đây chính là lí do để tác giả thổ lộ ý định cúng đất, cúng hiện vật xây ngôi nhà khuyến học của Hội Tư văn làng. Việc mua 240 m2 đất, một tòa thạch sàng không ghi trị giá bằng số quan tiền nhưng mang ý nghĩa lớn, thể hiện đức tính khiêm cung, lặng lẽ làm việc thiện. Chữ “mãi thiện địa – mua đất thiện, đất lành”, cúng cho Hội Tư văn làng phản ánh suy nghĩ chân thành của người làm việc nghĩa, việc thiện lành.

Có lẽ đây là lần đầu tiên Nghĩa Phú bắt tay vào tạo dựng thiết chế khuyến học. Cũng là tư liệu lịch sử độc bản hiếm còn ở huyện Cẩm Giàng.

Mục đích xây ngôi nhà kiêm đền thờ cho Hội Tư văn làng được xác định từ tâm nguyện: “Hứa với Hội văn của thôn/xã nhà (đất và thạch sàng để) dựng ngôi từ vũ (đền/nhà thờ) thờ cúng, để kính tế như quy định nghi lễ hai kì Xuân, Thu; để trân trọng đạo thánh hiền; làm rạng rỡ công lao; để gây dựng danh tiếng quê hương; gìn giữ mãi mãi phong tục; biểu dương khoa cử; gìn giữ mãi mãi nghi thức tế lễ trọng thể - tư liệu văn bia Thọ cơ chi bi, từ dòng 12 đến dòng 14”.

Qua văn bia Tiên hiền thọ cơ, ta đã thấy thấp thoáng vị trí, hình hài ngôi nhà, ngôi đền thờ của Hội Tư văn, nay gọi là Hội Giáo chức (cũng hơi khiên cưỡng) có từ khá sớm ở làng quê có nhiều vị đỗ đại khoa, trung khoa, tiểu khoa (tiến sĩ, cử nhân, tú tài). Hiện vật thạch sàng (chiếu đá) đang trong quần thể đền Xưa, Di tích quốc gia đặc biệt có lẽ thuộc ngôi nhà từ vũ Hội Tư văn làng Nghĩa Phú.

Thiết nghĩ bia Tiên hiền thọ cơ nên được các cấp chính quyền, đặc biệt là cấp ủy, chính quyền huyện Cẩm Giàng, xã Cẩm Vũ và thôn Nghĩa Phú xác định là căn cứ lịch sử cho phục dựng ngôi từ vũ. Một nghĩa cử hướng vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới giai đoạn nâng cao, bằng phát huy giá trị di sản, tạo sản phẩm du lịch hấp dẫn kế thừa truyền thống hiếu học.

 

Chú thích:

(1) Huấn đạo: là hiệu quan tại phủ, đơn vị hành chính trên cấp huyện, dưới cấp trấn xứ; nhiệm vụ khảo hạch các sinh đồ, rèn tập các học sinh. Nguồn Đỗ Văn Ninh, Chức quan Việt Nam, Nhà xuất bản Thanh niên 2002.

(2) Cai đạo Hiến sứ: gồm 3 chức: Hiến sát phó sứ, Hiến sát sứ, Hiến sát sứ ty: Chức quan rất trọng, thường chọn người đỗ tiến sĩ, làm quan nhiều năm, không sợ cường hào bổ nhiệm; nhiệm vụ, nói bày, đàn hặc, khám đoán, xét hỏi, hội đồng kiểm soát, khảo khóa, tuần hành, cộng 32 điều. Nguồn, sách trên

(3) Phủ doãn: chức Tri phủ phủ Phụng thiên. Phủ Phụng Thiên thời Lê Trung Hưng tương đương thành phố Hà Nội hiện nay. Nguồn, sách trên

(4) Tự khanh: quan đứng đầu trong đại lý tự của cơ quan tư pháp, có nhiệm vụ thẩm định vụ án, cùng với Ngũ phủ Đô đốc, Ngự sử đài duyệt án dâng vua quyết định. Nguồn, sách trên.

(5) Thị lang: chức phó của quan Thượng thư, có Tả Thị lang, Hữu Thị lang. Nguồn, sách trên.

 

      Đặng Văn Lộc

Các tin mới hơn
Đền Tranh khai hội(20/03/2024)
Hải Dương có thêm 03 Bảo vật Quốc gia(18/01/2024)
Tổng kết chương trình giáo dục di sản văn hoá năm 2023(14/12/2023)
Tìm lại dòng gốm cổ Bá Thuỷ(07/12/2023)
Tu bổ, tôn tạo Di tích quốc gia đặc biệt Chùa Giám(23/11/2023)
Các tin cũ hơn
Độc đáo tòa cửu phẩm liên hoa bằng đá chùa Trung Sơn(15/03/2021)
Giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn huyện Cẩm Giàng(03/03/2021)
Chùa Trăm Gian - Độc đáo ngôi chùa ngàn năm tuổi(01/02/2021)
Chùa Trông: Độc đáo kiến trúc "Tiền Phật, hậu Thánh"(01/02/2021)
Chùa Ngũ Đài: Dấu ấn văn hóa Trần được phát hiện qua khảo cổ học(14/01/2021)
Điểm du lịch
Khu trải nghiệm Côn Sơn: Điểm đến mới lạ, độc đáo, hấp dẫn du khách
Hướng đến Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2023, Khu trải nghiệm Côn Sơn (Côn Sơn Camping) chính thức khai trương đón chào du khách đến tham quan, trải nghiệm và tận hưởng không gian xanh mát tại Côn Sơn Camping.
Tìm kiếm
Liên kết website
na
na
na
na
na
http://dochoi.haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín