Văn hóa
Nhiệt huyết của những nghệ sĩ trẻ

Bước trên con đường nghệ thuật đầy khó khăn, nhưng những nghệ sĩ trẻ của Đoàn Nghệ thuật thuộc Trung tâm Văn hoá Nghệ thuật tỉnh vẫn luôn tràn đầy nhiệt huyết, khao khát được sáng tạo, cống hiến cho nghệ thuật sân khấu để giành được tình yêu mến của khán giả.

 

            Sau ánh hào quang sân khấu

Đoàn Nghệ thuật được thành lập sau hợp nhất Trung tâm Văn hoá, Trung tâm Nghệ thuật và Tổ chức biểu diễn, Tạp chí Văn hoá, Thể thao và Du lịch thành Trung tâm Văn hoá Nghệ thuật tỉnh. Hiện nay, đoàn có 28 nghệ sĩ gồm: 08 ca sỹ, 8 diễn viên múa, 05 nhạc công và 07 diễn viên kịch. Các nghệ sĩ hầu hết đang ở độ tuổi trẻ. Sau hợp nhất đơn vị, do thiếu cơ sở vật chất nên đoàn vẫn giữ nguyên nơi làm việc tại Nhà hát Nhân dân Hải Dương.

Dịp này, trên sân khấu cũ của Nhà hát được xây dựng từ năm 1972, các nghệ sĩ của Đoàn Nghệ thuật đang miệt mài tập luyện cho chương trình phục vụ Đại hội Đảng các cấp. Đã từ nhiều năm nay, bất kể trời mưa rét hay nắng nóng, đây vẫn là nơi tập luyện thường xuyên của họ. Để đảm bảo an toàn sức khoẻ cho các nghệ sĩ trong đợt phòng chống dịch bệnh Covid-19, lãnh đạo Trung tâm yêu cầu các nghệ sĩ phải đeo khẩu trang và giữ khoảng cách với nhau khi tập luyện.

Theo ông Phạm Minh Đức, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hoá Nghệ thuật - phụ trách Đoàn Nghệ thuật, thì phòng tập luyện cho các nghệ sĩ đủ tiêu chuẩn cần tách riêng giữa các phòng chuyên môn ca-múa-nhạc. Phòng thu cho ca sĩ và nhạc công phải đảm bảo đủ trang thiết bị âm thanh, phòng múa phải đủ diện tích, có điều hoà, gương lớn để các diễn viên có thể tự điều chỉnh động tác..., sau đó mới khớp lại trên sân khấu thì việc tập luyện các tiết mục sẽ đỡ mất thời gian và đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên hiện nay các nghệ sĩ đều phải tập luyện cùng một nơi, là sân khấu của Nhà hát cũ, vừa xuống cấp, vừa bị chi phối bởi thời tiết, lại thiếu thốn trang thiết bị nên cũng bị ảnh hưởng khá nhiều tới chất lượng của chương trình. Cùng với đó thời gian tập luyện cũng kéo dài hơn, để hoàn thành một chương trình biểu diễn họ phải tập luyện liên tục cả tháng, có khi kéo dài tới hai, ba tháng cho những chương trình lớn. Vậy nên việc ăn, nghỉ tạm bợ ngay tại nơi tập luyện bất kể thời gian nào đã trở thành thói quen của các nghệ sĩ.

Không chỉ vất vả trong tập luyện, sau khi các tiết mục được hoàn thành, họ sẽ có những chuyến lưu diễn ở các địa phương trong tỉnh, ngoài tỉnh theo kế hoạch. Có những chuyến đi vài ngày, nhưng cũng có những chuyến dài đến cả tháng, nên các nghệ sĩ cũng thường xuyên phải làm quen với việc xa nhà, xa gia đình.

Chia sẻ về sự khó khăn, các nghệ sĩ trong đoàn nhắc tới kỷ niệm trong chuyến lưu diễn kéo dài từ tháng ba đến tháng tư tại tỉnh Phú Yên kết nghĩa và một số tỉnh miền Trung Tây Nguyên năm 2019 vừa qua. Trên chiếc xe cũ rong ruổi từ Hải Dương tới các tỉnh miền Trung, dù đã thấm mệt vì vừa phải liên tục di chuyển và biểu diễn, đã vậy chiếc xe đã gắn bó với họ nhiều năm lại hỏng ngang đường, giữa rừng núi vắng vẻ vào đêm muộn, ít xe qua lại. Vừa mệt mỏi, vừa lo sợ, họ phải chờ tới vài tiếng đồng hồ mới nhờ được người gọi xe cứu hộ, và phải thuê chiếc xe khác để đưa đoàn đi biểu diễn ở những điểm tiếp theo. Thế nhưng niềm vui của họ là mỗi khi tới điểm biểu diễn lại được đông đảo khán giả chào đón, đồng thời nhiệt tình tán thưởng sau mỗi tiết mục. Đó là động lực để họ quên đi khó khăn, tiếp tục cống hiến vì nghệ thuật.

Anh Đinh Hữu Tài, đã mười năm trong nghề ca sĩ thuộc Đoàn Nghệ thuật chia sẻ: "Đã theo nghệ thuật thì ngày lễ, ngày Tết cũng là lúc chúng tôi bận rộn nhất, phải chấp nhận hi sinh niềm vui sum họp bên gia đình để phục vụ khán giả. Ngần ấy năm theo nghề cũng là ngần ấy năm tôi không có mặt cùng gia đình trong đêm giao thừa. Quen với việc phải thường xuyên xa gia đình, nhưng khi biểu diễn, mang lời ca, tiếng hát đến khán giả, được mọi người yêu mến thì chúng tôi cũng được an ủi phần nào".

Chị Vũ Thị Thuý, Phó trưởng đoàn nghệ thuật cho biết: "Hiện nay tôi vừa làm biên đạo múa và kiêm luôn diễn viên múa khi có những chương trình lớn cần nhiều người tham gia. Với đặc trưng công việc, tôi thường xuyên phải xa nhà, xa con nhỏ và phải nhờ tới sự giúp đỡ của ông bà chăm sóc, dạy dỗ cháu mỗi dịp phải đi lưu diễn, đồng thời thường xuyên gọi điện động viên, nhắc nhở cháu. May mắn là cháu được cô giáo đánh giá nhanh nhẹn, hoạt bát và biết nghe lời nên tôi cũng yên tâm tập trung cho công việc. Ngoài đam mê thì gia đình chính là động lực để tôi tiếp tục cố gắng trên con đường nghệ thuật".

Hết mình vì nghệ thuật

Theo lời mời tham gia biểu diễn tại Lễ hội văn hóa Hwaseong Suwon lần thứ 56 của tỉnh Suwon, Hàn Quốc vào tháng 10 năm 2019 vừa qua. Đoàn nghệ thuật Hải Dương với 10 nghệ sĩ, biểu diễn các tiết mục múa dân gian mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam để tham gia trình diễn, giao lưu văn hóa trong khuôn khổ lễ hội. Được biết, lễ hội được tổ chức 2 năm một lần nhằm giao lưu văn hoá giữa thành phố Suwon với 10 tỉnh, thành phố kết nghĩa ở các quốc gia trên thế giới, trong đó có tỉnh Hải Dương.

Theo đuổi nghệ thuật đã 7 năm, diễn viên múa Tiêu Hoàng Chính thuộc Đoàn Nghệ thuật tỏ ra khá tâm đắc với chuyến lưu diễn tại thành phố Suwon, Hàn Quốc. "Là lần thứ hai được cùng đoàn tham gia lễ hội tại Suwon, Hàn Quốc, nhưng mỗi lần lại mang tới một cảm giác, một sự trải nghiệm mới. Tôi rất vinh dự và tự hào khi được cùng các nghệ sĩ đại diện cho tỉnh nhà tham gia biểu diễn ở một đất nước khác. Ngoài việc giúp quảng bá văn hoá Hải Dương nói riêng, Việt Nam nói chung qua các tiết mục thì đây còn là dịp để tôi có thể mở mang, học hỏi văn hoá của các quốc gia khác, rất bổ ích cho việc nâng cao chuyên môn của tôi sau này." – anh Chính chia sẻ. Đây cũng là cảm xúc chung của các nghệ sĩ trong đoàn biểu diễn. Được giao lưu, biểu diễn với văn hoá các vùng miền, các tỉnh thành trong nước, quốc tế, không chỉ là giới thiệu văn hoá Hải Dương và đón nhận tình cảm của khán giả mà còn là dịp để họ tiếp cận, học hỏi các nền văn hoá đa màu sắc, từ đó có thể giúp cho nghệ sĩ có thể sáng tạo hơn trong nghệ thuật.

Chuyến lưu diễn tại Suwon, Hàn Quốc là một trong hàng trăm chuyến lưu diễn của đoàn trong năm vừa qua. Trong mỗi chuyến đi dù gần hay xa, dù nhiều khó khăn vất vả nhưng các nghệ sĩ vẫn phục vụ biểu diễn theo kế hoạch đã đề ra, đồng thời luôn để lại những dấu ấn tốt đẹp, nhận được sự mến mộ của khán giả ở mỗi nơi đoàn đến. Để vượt qua khó khăn trong nghề, các nghệ sĩ của đoàn luôn nâng cao tinh thần đoàn kết, coi nhau như người thân trong gia đình, cùng giúp đỡ nhau hoàn thành tốt công việc.

"Trong những chuyến lưu diễn dài ngày, bản thân tôi phải tự cố gắng đảm bảo sức khoẻ cho mình, nhất là vấn đề về giọng hát nên đặc biệt không được sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá... Đồng thời, anh em nghệ sĩ trong đoàn cũng bao bọc, giúp đỡ, chia sẻ cho nhau từ miếng ăn, chỗ nghỉ. Việc người nằm trên giường chia sẻ đệm cho người nằm dưới đất, hay cùng ăn đồ ăn vặt cho qua bữa là những việc khá quen thuộc. Miễn sao các tiết mục biểu diễn thành công, được khán giả đón nhận."- Anh Đinh Hữu Tài, ca sĩ thuộc Đoàn nghệ thuật chia sẻ.

Hiện nay, việc tuyển chọn các nghệ trẻ vào đoàn gặp nhiều khó khăn. Vì những sinh viên tốt nghiệp Đại học chính quy thường không chọn về tỉnh do chế độ đãi ngộ thấp, chưa có cơ chế đặc thù để thu hút nhân tài. Bên cạnh đó, thu nhập của các nghệ sĩ trong đoàn còn ở mức thấp, tuổi nghề của họ lại ngắn, nên để tăng thu nhập trang trải cho cuộc sống và tích luỹ cho sau này, họ thường phải đi làm thêm vào các buổi tối trong tuần hay dịp cuối tuần khi đơn vị không có lịch biểu diễn.

Qua trao đổi với ông Phạm Minh Đức, được biết: Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ xúc tiến việc xét tuyển viên chức cho những nghệ sĩ còn đang làm việc theo hợp đồng để họ yên tâm công tác. Đồng thời sẽ tạo điều kiện để các nghệ sĩ trẻ có cơ hội học tập nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong nghệ thuật biểu diễn.

Đồng chí Phó Giám đốc Trung tâm cũng mong muốn tỉnh, Sở VHTTDL quan tâm đầu tư nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất cho đoàn, bổ sung kinh phí xây dựng các chương trình nghệ thuật lớn. Cùng với đó, cần có những cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút các nghệ sĩ trẻ tài năng và tạo động lực để các nghệ sĩ phấn đấu, vững bước trên con đường mình đã chọn, tiếp tục cống hiến cho nghệ thuật tỉnh nhà.

Nguyễn Trường 
Các tin mới hơn
Một số hình ảnh Lễ rước nước tại Lễ hội chùa Nhẫm Dương năm 2024(13/04/2024)
Hội hưu trí ngành Văn hóa - Thông tin tổ chức gặp mặt đầu Xuân(22/02/2024)
Linh thiêng hội Xuân Côn Sơn(21/02/2024)
Kinh Môn: Khai hội Xuân Giáp Thìn 2024 (18/02/2024)
Bình Giang: Lần đầu tổ chức Hội chợ hoa Xuân chào năm mới 2024(30/01/2024)
Các tin cũ hơn
Khai mạc triển lãm ảnh tư liệu, thời sự, nghệ thuật tỉnh Hải Dương năm 2020(15/05/2020)
Trường Trung cấp VHNT và Du lịch tỉnh: tiếp nhận học viên Lào sang học tập (11/01/2019)
Điểm du lịch
Khu trải nghiệm Côn Sơn: Điểm đến mới lạ, độc đáo, hấp dẫn du khách
Hướng đến Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2023, Khu trải nghiệm Côn Sơn (Côn Sơn Camping) chính thức khai trương đón chào du khách đến tham quan, trải nghiệm và tận hưởng không gian xanh mát tại Côn Sơn Camping.
Tìm kiếm
Liên kết website
na
na
na
na
na
http://dochoi.haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín