Văn hóa cơ sở
Tìm hiểu về việc Bác Hồ sử dụng người tài

Bên cạnh lời kêu gọi, bằng thực tế, Bác Hồ đã thể hiện thái độ trọng dụng nhân tài. Ví như đối với cụ Huỳnh Thúc Kháng.

Xem truyện cổ tích “Thánh Gióng”, ta gặp một chi tiết: Khi giặc Ân xâm lược nước ta, Vua sai sứ giả đi khắp nơi rao gọi ai có tài hãy ra giúp nước. Đó là truyện ngày xưa, không biết thực hư ra sao.

Ngày nay, truyện thật trờ trờ ra đó. Ấy là vào năm 1946, khi đất nước ta đang trong bộn bề khó khăn vừa chống giặc đói, giặc dốt và âm mưu thôn tính nước ta một lần nữa của thực dân Pháp. Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc ấy đã ra lời kêu gọi tìm người tài đức ra giúp nước. Nguyên văn lời kêu gọi như sau:

“Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức.

E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp đến nỗi những bực tài đức không thể xuất thân, khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận.

Nay muốn sửa đổi điều đó và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc lợi dân, thì phải báo ngay cho Chính phủ biết.

Báo cáo phải nói rõ: tên người, nghề nghiệp, tài năng, nguyện vọng và chỗ ở của người đó.

Hạn trong một tháng, các cơ quan địa phương phải báo cáo cho đủ”.

Chủ tịch Chính phủ Việt Nam/HỒ CHÍ MINH

(Lời kêu gọi được in báo Cứu quốc, số 411 ngày 20-11 năm 1946)

Toàn bộ văn bản chỉ có 131 chữ, chia làm năm đoạn ngắn gọn, cô đọng, súc tích, thể hiện được mục đích tìm người tài là vì nước nhà, khẳng định nhân tài trong đồng bào không thiếu. Họ chưa ra giúp nước là khuyết điểm ở Chính phủ mà Bác là người đứng đầu. Khuyết điểm đó không phải tự đồng bào, tự nhân tài. Muốn sửa khuyết điểm thì các nơi phải điều tra báo cáo cho Chính phủ biết. Thật là một thái độ chân thành, thực sự cầu thị và vô cùng khiêm tốn.

Một Chính phủ như thế, lẽ nào nhân tài không xuất thân? Lẽ nào ẩn dật mãi?

Bên cạnh lời kêu gọi, bằng thực tế, Bác Hồ đã thể hiện thái độ trọng dụng nhân tài. Ví như đối với cụ Huỳnh Thúc Kháng. Cụ là một người học giỏi, đỗ cao, sớm nổi tiếng là một trong “Tứ hổ” đất Quảng Nam, nhưng cụ không ra làm quan vì nước đã mất, quan lại triều đình đã một bề khuất phục ngoại xâm. Cụ sớm gây dựng phong trào yêu nước, chống thuế của Pháp ở miền Trung. Cụ bị bắt và đày ra Côn Đảo từ 1908 đến 1921. Ra tù, cụ chính thức bước vào chính trường. Cụ được bầu làm Viện trưởng Viện Dân biểu ở Trung Kỳ. Dùng viện Dân biểu để đấu tranh đòi giảm thuế cho dân, phổ cập chữ quốc ngữ…Không có kết quả, cụ tuyên bố từ chức. Cụ chuyển sang lập tờ báo “Tiếng dân” xuất bản tại Huế làm diễn đàn đấu tranh với thực dân Pháp. Sau cách mạng tháng 8-1945, cụ ra Hà Nội gặp Hồ Chí Minh với mục đích bày tỏ một số ý kiến. Tại cuộc gặp này, biết cụ Huỳnh là người có tài, đức lại nổi tiếng, Bác Hồ đã thuyết phục cụ tham gia Chính phủ với trọng trách “Bộ trưởng nội vụ Chính phủ liên hiệp kháng chiến”. Tháng 6-1946 Bác Hồ sang Pháp, Bác đã tin tưởng giao cụ Huỳnh chức vụ “Quyền Chủ tịch nước” với lời dặn “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Và thực tế cụ Huỳnh đã làm tốt nhiệm vụ cao cả của mình, không phụ lòng Bác Hồ.

 
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời cụ Huỳnh Thúc Kháng (hàng đầu, bên phải)
tham gia Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, 1946 (Ảnh: Tư Liệu)

Hồ Chủ tịch đặc biệt quý trọng những trí thức có tài, có đức. Bằng uy tín và cách ứng xử khéo léo, cuốn hút, Bác Hồ đã thu phục được rất nhiều nhân tài trong mọi lĩnh vựcđể phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân. Ví dụ: với Giáo sư Hồ Đắc Di. Ông là người sinh năm 1900, quê Thừa Thiên Huế. Ông học khoa Y, trường Đại học Tổng hợp Pa-ri. Ông là bác sĩ phẫu thuật tài ba, là người Việt Nam đầu tiên được phong học hàm Giáo sư Đại học từ thời thuộc Pháp. Thời du học ở Pháp, anh sinh viên Hồ Đắc Di được dịp gặp Nguyễn Ái Quốc tại câu lạc bộ sinh viên Việt Nam ở số nhà 15 phố Sommerard, khu Latin, Pari. Cảm phục Nguyễn Ái Quốc với 8 yêu sách Người gửi tới hòa nghị Versailles, cùng những bài viết trên báo “Người cùng khổ” mà Hồ Đắc Di đã có quyết định sau này về nước, phục vụ nhân dân. Ông được Bác Hồ và Chính phủ giao cho trọng trách làm Hiệu trưởng trường Đại học y Hà Nội, là Chủ tịch tổng hội y học Việt Nam, Tổng thanh tra y tế, Tổng Giám đốc Đại học vụ, Giám đốc Bệnh viện Đồn Thủy.

Với thiếu tướng, nhà khoa học Trần Đại Nghĩa cũng vậy. Ông là Phạm Quang Lễ, quê Vĩnh Long. Ông sang Pháp học và được gặp Bác Hồ khi người sang Pháp. Hội nghị Phongtennoblo không thành công, Bác Hồ về nước đã đem theo Phạm Quang Lễ, bác sĩ Trần Hữu Tước, kỹ sư Võ Quý Huân và kỹ sư Võ Đình Huỳnh cùng về. Rất có tài về quân khí lại được Bác Hồ dạy bảo trong quá trình làm việc, nhà khoa học Phạm Quang Lễ đã chế tạo thành công đạn pháo Ba dô ca xuyên thủng xe tăng, súng đại bác không giật SKZ, bom ba càng, nhiều đạn dược vũ khí khác góp phần cho thắng lợi của Cách mạng Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên, một nhà khoa học nhân văn lớn của nửa đầu TK XX cũng vì kính phục Bác Hồ mà đem tài năng cống hiến cho dân tộc. Ông sinh năm 1908, học tại Pháp, cùng một lúc đỗ hai bằng cử nhân. Ông được bổ nhiệm giảng dạy ở đại học tại Pari. Ông là người Việt Nam đầu tiên bảo vệ thành công xuất sắc luận án tiến sĩ văn khoa tại trường Đại học tổng hợp Sorbonne ở Pari. Về nước, ông được chính quyền thực dân săn đón mời ra làm quan với bao hứa hẹn. Song ông đã khước từ tất cả. Vào ngày đầu Cách mạng, ông được gặp Bác Hồ, được Bác Hồ rất tin yêu. Biết ông là người tài cao, đức trọng, Bác đã giao cho ông chức “Tổng giám đốc Đại học vụ” kiêm “Giám đốc trường Viễn đông bác cổ”. Đến tháng 11-1946 ông được bổ nhiệm làm “Bộ trưởng Bộ giáo dục” cho đến khi ông qua đời năm 1975. (Ông không phải là Đảng viên Cộng sản). Với ông, Bác chỉ nói vui: “chú phải chia bớt chữ cho nhân dân”. Chính Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên đã dấy lên phong trào diệt giặc dốt ngay khi cách mạng mới thành công; Xóa bỏ tinh thần thực dân phong kiến trong chương trình giảng dạy ở các cấp; Ông cũng là người dấy lên phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt” của ngành giáo dục vào đầu những năm bảy mươi TK XX.

Chuyện về Tạ Đình Đề mặc dù rất nhiều huyền thoại do người đời thêu dệt nhưng Tạ Đình Đề là tình báo tài ba của giặc được giao nhiệm vụ ám sát Bác Hồ nhưng bị Bác Hồ thu phục rồi trở thành cận vệ trung thành của Bác Hồ là có thật. Nhờ vậy mà Tạ Đình Đề trở thành lão thành cách mạng, được kết nạp vào Đảng Cộng sản, được thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba.

 
Bác Hồ trong một lần nói chuyện với các trí thức (Ảnh:TL)
 

Không thể kể hết được những người tài ba lỗi lạc được Bác Hồ trọng dụng. Chỉ biết rằng vào nửa đầu TK XX, Việt Nam ta tuy rất nghèo đói và lạc hậu nhưng đã xuất hiện rất nhiều nhân tài trên mọi lĩnh vực: Chính trị, quân sự, Khoa học, Văn học nghệ thuật…Như Trường Chinh, Phạm Văn Đồng Lê Hồng Phong, Hoàng Văn Thụ, Lê Duẩn, Trần Phú, Nguyễn Lương Bằng, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Văn Thái, tướng lưỡng quốc Nguyễn Sơn (được cả Việt Nam và Trung Quốc phong tướng), Chu Văn Tấn, Văn Tiến Dũng, Trần Nam Trung, Lê Trọng Tấn, Đinh Đức Thiện, Phùng Thế Tài, Hồ Đắc Di, Tôn Quang Phiệt, Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh, Nguyễn Khánh Toàn, Phạm Ngọc Thạch, Tôn Thất Tùng, Trần Đại Nghĩa, Phạm Huy Thông, Tú Mỡ, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Nguyễn Bính, Huy Cận, Chế Lan Viên, Tố Hữu, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn…Bao nhiêu người tên tuổi họ đã đi vào lịch sử nói trên đều đã tự nguyện đi theo Cách mạng, theo cụ Hồ từ khi cách mạng còn trong bóng tối đến khi thống nhất đất nước, xây dựng CNXH.

Tôi cứ tự hỏi và tìm tư liệu về việc Bác Hồ làm thế nào mà thu phục nổi những con người đại trí thức nói trên? Bác không có tiền để mua chuộc họ. (Họ cũng là người coi khinh tiền). Bác không có quyền hứa cho ai đất đai, ruộng vườn, biệt thự xe hơi. Bác cũng không hứa cho ai chức này, hàm nọ…Vậy mà các bậc đại tri thức, chữ nghĩa đầy mình, từng trải năm châu, thông kim bác cổ lại thành tâm đi theo Cách mạng, theo Bác mặc dù biết rất rõ là vô cùng gian khổ, hi sinh. Vậy chỉ có thể trả lời rằng: Bác thu phục người tài đức bằng uy tín của mình. Cái uy tín ấy là kết tinh ở cuộc đời trong sáng, ở đức độ, ở sự vô tư, công bằng, ở công lao với Cách mạng, ở con mắt tinh đời biết phát hiện năng lực của mọi người, biết lấy việc để tìm người…Và khi đã dùng thì gửi trọn niềm tin vào người đó. Khi đã có được uy tín như đã nêu thì tự nhiên người tài đức tìm đến mà thần phục thôi chứ đâu phải dùng đến mưu này mẹo nọ.

         Có phải chúng ta đang học Bác ở việc thu phục nhân tài?
 
Văn Duy 
Các tin mới hơn
Gần 1.000 đầu sách trưng bày khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc(16/04/2024)
Tiểu học Tân Kỳ hưởng ứng ngày sách và văn hóa đọc(16/04/2024)
Lễ hội truyền thống chùa Nhẫm Dương năm 2024(13/04/2024)
Gặp mặt tuyên dương các “Nghệ sỹ Nhân dân”, “Nghệ sỹ Ưu tú” lần thứ 10 (12/04/2024)
Gia Lộc: Hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam (05/04/2024)
Các tin cũ hơn
Điểm sáng làng văn hóa Cẩm Lý(27/08/2021)
Ứng xử văn hóa, văn minh trong tình hình dịch bệnh(27/08/2021)
Tái hiện “Không gian bếp Việt xưa” và trải nghiệm xay thóc, giã gạo tại Bảo tàng tỉnh Hải Dương(27/08/2021)
Hoài niệm miền đất cổ(26/07/2021)
Lệ “nộp cheo”, một cổ tục của thôn làng truyền thống(16/07/2021)
Điểm du lịch
Khu trải nghiệm Côn Sơn: Điểm đến mới lạ, độc đáo, hấp dẫn du khách
Hướng đến Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2023, Khu trải nghiệm Côn Sơn (Côn Sơn Camping) chính thức khai trương đón chào du khách đến tham quan, trải nghiệm và tận hưởng không gian xanh mát tại Côn Sơn Camping.
Tìm kiếm
Liên kết website
na
na
na
na
na
http://dochoi.haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín