Di sản
Bảo tồn di sản tuồng Thạch Lỗi: Còn đó những ưu tư, trăn trở

Hiện Tuồng Thạch Lỗi tuy đã được các cấp ngành, địa phương quan tâm hơn nhưng vẫn còn đó nỗi lo "Ai sẽ là người giữ tiếp?"

Thăng trầm

Giữa tháng 9 vừa qua, bà Vũ Thị Diên, một trong hai Nghệ nhân Ưu tú của Tuồng Thạch Lỗi mới có dịp biểu diễn trở lại trước nhiều người nhân dịp Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cùng UBND huyện Cẩm Giàng tổ chức chương trình sưu tầm, tư liệu hoá và truyền dạy nghệ thuật hát Tuồng. Tại mái đình cổ thân quen, bà vẫn cố gắng cất giọng hát đã từng rất cao và trong của mình để biểu diễn, nhưng nay cung bậc đã có phần chênh phô vì sức khoẻ đã yếu đi nhiều sau lần bạo bệnh.

Phát biểu trong nước mắt, bà Diên tỏ ra vui mừng vì môn nghệ thuật đặc trưng của quê hương tiếp tục được các cấp ngành, địa phương quan tâm, giữ gìn, đồng thời không quên chia sẻ về những kỷ niệm không thể nào quên trong cuộc đời gắn bó với nghệ thuật Tuồng với bao thăng trầm.

 
Bà Vũ Thị Diên, Nghệ nhân ưu tú tuồng Thạch Lỗi 

Ngày còn nhỏ, tuồng đến với bà qua hình ảnh của các bậc tiền nhân hát tuồng trong làng, thường biểu diễn vào những ngày hội làng. Khi đó, hát tuồng đến với bà như một thứ ma lực đầy hấp dẫn, theo suốt cả tuổi thơ một cách hồn nhiên, trong sáng. Mãi đến năm 1963, khi Nhà hát Tuồng Việt Nam về nghiên cứu và đưa giảng viên về truyền đạt kiến thức, nhằm giữ gìn môn nghệ thuật cổ truyền nơi đây thì bà mới trở thành một nghệ sĩ hát tuồng thực thụ. Tham gia đội tuồng ngày đó có tới 52 người cả diễn viên và nhạc công. Trong đó có bà Vũ Thị Thuyết và Vũ Thị Diên là hai diễn viên chính, hai ngôi sao sáng của đội tuồng Thạch Lỗi. Sức trẻ cùng niềm đam mê đã giúp họ có được nhiều thành công từ việc giữ gìn bản sắc quê hương tới hào quang sân khấu. Mỗi lần biểu diễn tại lễ hội của làng hay tại các hội diễn từ tỉnh tới toàn quốc, lại thu hút được đông đảo người dân đón xem.

Trải qua những năm tháng chiến tranh, đội tuồng đã có lúc phải tan rã khi mất dần các thành viên vì người đi bộ đội, người đi di cư, làm ăn kinh tế, người qua đời... Đến năm 1977 thì đội tuồng tan rã hẳn. Khi đó, người dân Thạch Lỗi đôi khi chỉ còn nghe thấy tiếng hát của bà Thuyết, bà Diên ôn lại những điệu tuồng những lúc nông nhàn, để đam mê của mình không rơi vào quên lãng.

Đến năm 1997, khi có chủ trương khôi phục lại đội tuồng của xã Thạch Lỗi, tuy không còn trẻ, nhưng với tình yêu, niềm đam mê với môn nghệ thuật này mà bà Thuyết, bà Diên cùng các thành viên khác trong đội lại tiếp tục quay trở lại, để rồi có thể lưu giữ một môn nghệ thuật độc đáo, hiếm hoi này cho đến ngày nay. Những vở tuồng cổ như: "Trưng nữ vương khởi nghĩa", "Ngọn lửa Hồng Sơn", "Trần Quốc Toản ra quân", "Tình ca nước", "An Tư công chúa"... lần lượt được biểu diễn mang tới thành công và tên tuổi của đội tuồng Thạch Lỗi trong những lần biểu diễn tại các hội diễn trong và ngoài tỉnh.

Qua nhiều năm cống hiến và thành tích trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật tuồng truyền thống, đội tuồng Thạch Lỗi vinh dự nhiều lần được nhận giấy khen, bằng khen của các cấp, ngành, địa phương. Không những vậy, bà Thuyết, bà Diên còn được trao tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước "Nghệ nhân Ưu tú" năm 2015, trở thành niềm tự hào của người dân Thạch Lỗi. Góp phần tạo động lực để tiếp tục theo đuổi đam mê và cống hiến cho môn nghệ thuật này.

Vừa mừng, vừa lo

Theo kế hoạch, chương trình sưu tầm, tư liệu hoá và truyền dạy nghệ thuật hát Tuồng do Sở VHTTDL cùng UBND huyện Cẩm Giàng tổ chức sẽ sưu tầm, tư liệu hoá các tài liệu liên quan đến di sản văn hoá nghệ thuật hát Tuồng tại xã Thạch Lỗi, đồng thời phối hợp với các nghệ nhân cùng cộng đồng xây dựng chương trình và tổ chức lớp truyền dạy những kỹ năng thực hành trong nghệ thuật hát Tuồng cho người dân xã Thạch Lỗi, đặc biệt hướng đến lớp trẻ kế cận. Sau khi chương trình hoàn thành, Ban chủ nhiệm chương trình sẽ xây dựng báo cáo khoa học để nghiên cứu, định hướng lâu dài trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của môn nghệ thuật này. Đây là một tín hiệu đáng mừng của đội tuồng Thạch Lỗi khi tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành, địa phương. Bởi thời điểm hiện tại đội tuồng Thạch Lỗi có hơn 20 thành viên nhưng đều đã ở ngưỡng tuổi ngoài 50, có người đã trên 80 tuổi, nên việc tìm kiếm lớp kế cận là điều hết sức cần thiết.

 

Các thành viên của đội tuồng Thạch Lỗi truyền dạy kỹ năng biểu diễn cho thành viên mới 

Tuy nhiên, sau khi chương trình được triển khai, xã cùng các thành viên của đội tuồng cũng chỉ mời được thêm 5 người tham gia đội để truyền dạy, nhưng các thành viên này cũng đều là những người đã ngoài 50 tuổi. Trước đó, từ năm 2018 đội tuồng cũng có mời thêm một số thành viên tham gia, tuy nhiên hầu như chỉ tham gia tập một thời gian ngắn rồi bỏ, phần vì không sắp xếp được thời gian, phần vì không theo học được môn nghệ thuật kén người này.

Giai đoạn năm 2010-2013, các trường Tiểu học, THCS Thạch Lỗi mời thành viên của đội dạy hát tuồng cho học sinh. Chỉ sau hơn 1 tháng, các em đã học được các trích đoạn trong vở "Trưng Nữ Vương" và "Trần Quốc Toản", đồng thời biểu diễn tại trường và đình làng trong ngày hội, được đông đảo quần chúng nhân dân ủng hộ, cổ vũ. Tuy nhiên, sau giai đoạn đó, các trường không còn tổ chức thêm lớp dạy hát tuồng nữa. Những le lói về hi vọng lớp trẻ tiếp nối nghệ thuật tuồng cũng cứ thế nhạt dần.

Sau nhiều năm thành lập và hoạt động, nhiều nghệ sĩ của đội tuồng lần lượt rời bỏ do tuổi cao, sức yếu. Đau buồn hơn, chỉ không lâu sau khi đội tuồng Thạch Lỗi vinh dự có hai nghệ nhân đón nhận danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú", thì 2 năm sau đó bà Thuyết cũng qua đời. Người còn lại là bà Diên hiện nay tuổi đã cao, sức đã yếu, không còn khả năng tham gia biểu diễn cùng đội tuồng được nữa. Hai "truyền nhân" trẻ nhất của đội tuồng và cũng là học trò "cưng" của bà Thuyết, bà Diên là bà Vũ Thị Lý và Vũ Thị Luy thì nay cũng đã gần 60 tuổi. Dù đã có nhiều năm gắn bó với tuồng nhưng bà Vũ Thị Luy, đội trưởng đội tuồng Thạch Lỗi cũng khẳng định: "Tôi rất mừng khi nghệ thuật Tuồng của quê hương được quan tâm. Nhưng cũng lo bởi bà Diên là người nắm được nhiều kiến thức về tuồng, đồng thời cũng là người đạo diễn, viết kịch bản để đội tuồng hoạt động suốt hơn 20 năm nay. Tuy nhiên đến nay chúng tôi mới chỉ ghi chép và tập thuần thục được trọn vẹn ba vở gồm "Trưng nữ vương", "Ngọn lửa hồng sơn", "Tình ca nước", còn các vở khác thì chỉ nắm được trích đoạn ngắn. Hiện bà Diên tuổi đã cao, không còn minh mẫn nên khó có thể ghi chép lại được trọn vẹn khoảng tám vở tuồng cổ mà đội tuồng trước kia từng biểu diễn. Nếu chỉ diễn đi diễn lại các vở còn lưu giữ được thì tôi sợ sẽ gây nhàm chán cho cả diễn viên lẫn khán giả".

Bà Luy cũng cho rằng, học tuồng rất khó, phải bỏ nhiều thời gian, công sức thì mới có thể theo được. Đằng này, tìm người học lại càng khó hơn. Thậm chí ngay cả lớp con cháu của bà hay những thành viên trong đội tuồng cũng chẳng có ai muốn gắn bó với nghệ thuật tuồng. Bởi trong khi xã hội phát triển như bây giờ, đa số người trẻ đặt mục tiêu kiếm tiền để chăm lo cuộc sống hơn tất cả.

Theo nhà sử học Tăng Bá Hoành, thì tuồng cổ Thạch Lỗi đã từng có thời gian phát triển rực rỡ cũng giống như một số loại hình nghệ thuật truyền thống như chèo, cải lương, dân ca... Tuy nhiên ngày nay cũng phải nhìn nhận rằng giới trẻ được tiếp cận nhiều loại hình văn hoá giải trí phong phú, hấp dẫn ở trong và ngoài nước thông qua các kênh truyền hình, mạng internet, nên việc họ không mặn mà với các loại hình nghệ thuật truyền thống là điều khó tránh khỏi. Để giữ gìn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống nói chung, tuồng Thạch Lỗi nói riêng thì cần liên tục phải phối hợp với truyền hình để giúp mọi người, đặc biệt là giới trẻ được tiếp cận nhiều hơn. Đồng thời khi thường xuyên được biểu diễn trên sân khấu, trên truyền hình cũng là sự tác động tích cực để động viên các nghệ sĩ, giúp phong trào phát triển. Bên cạnh đó, các cấp, ngành, địa phương cũng cần quan tâm hơn đến việc hỗ trợ kinh phí hoạt động, đầu tư trang thiết bị, trang phục, thường xuyên tuyên truyền, kêu gọi để người dân cùng tham gia, góp phần giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc.

Nguyễn Trường 
Các tin mới hơn
Đền Tranh khai hội(20/03/2024)
Hải Dương có thêm 03 Bảo vật Quốc gia(18/01/2024)
Tổng kết chương trình giáo dục di sản văn hoá năm 2023(14/12/2023)
Tìm lại dòng gốm cổ Bá Thuỷ(07/12/2023)
Tu bổ, tôn tạo Di tích quốc gia đặc biệt Chùa Giám(23/11/2023)
Các tin cũ hơn
Lan toả tình yêu ca trù(29/09/2020)
Bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật hát Tuồng ở Thạch Lỗi (18/09/2020)
Ngôi đình thờ ba vị Thành hoàng có công giúp Hai Bà Trưng đánh giặc(02/06/2020)
Hội thảo khoa học “Công thần khai quốc Bùi Quốc Hưng với Hải Dương”(24/01/2019)
Tọa đàm khoa học "Giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học chùa Ngũ Đài" (20/01/2019)
Điểm du lịch
Khu trải nghiệm Côn Sơn: Điểm đến mới lạ, độc đáo, hấp dẫn du khách
Hướng đến Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2023, Khu trải nghiệm Côn Sơn (Côn Sơn Camping) chính thức khai trương đón chào du khách đến tham quan, trải nghiệm và tận hưởng không gian xanh mát tại Côn Sơn Camping.
Tìm kiếm
Liên kết website
na
na
na
na
na
http://dochoi.haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín