Gia đình xã hội
Lê Văn Ưu – “Nghệ sĩ” sân khấu không chuyên

Là người yêu văn nghệ, hát hay, diễn khéo cùng với vóc dáng cân đối, nét mặt sân khấu ông luôn được đảm trách các vai diễn chính trong những vở diễn của CLB hát chèo, hát dân ca huyện Cẩm Giàng.

Đó là ông Lê Văn Ưu, sinh năm 1957 tại thôn Bằng Nghĩa, xã Ngọc Liên, huyện Cẩm Giàng. Được thừa hưởng gen di truyền từ người mẹ, quê Thuận Thành (Bắc Ninh), cụ là người tinh thông thơ, ca, hò, vè và hát trống quân rất giỏi, nên 6 người con trong đó có ông đều yêu thích văn nghệ và hát các làn điệu dân ca vùng đồng bằng Bắc Bộ. Các anh chị em của ông đều là những hạt nhân văn nghệ tích cực tham gia các phong trào của địa phương. Trong thời gian tại ngũ từ năm 1976 – 1985, ông là thành viên tích cực của đội văn nghệ xung kích, Trung đoàn 52, Sư đoàn 337, Quân đoàn 14, Quân khu 1.

Rời quân ngũ về quê hương sinh sống, năm 1998 ông tham gia sinh hoạt trong đội chèo xã Ngọc Liên, cũng từ đây ông được theo học các lớp bồi dưỡng hát chèo, hát dân ca do Trung tâm Văn hóa Thông tin (nay là Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh) và Trường trung cấp Văn hóa Nghệ thuật & Du lịch tỉnh phối hợp với Trung tâm VHTT-TT huyện Cẩm Giàng tổ chức. Qua các lớp này đã giúp ông được học hỏi, trau dồi kiến thức, nâng cao kỹ năng trong diễn và hát. Hiện ông có thể hát được các làn điệu dân ca: quan họ Bắc Ninh, xứ Nghệ, Nam Bộ, đồng bằng Bắc Bộ; hát chèo, hò Huế, lý giao duyên… và diễn chèo, diễn kịch.

 

Ông Lê Văn Ưu (thứ hai từ trái sang) nhận giải A Hội diễn sân khấu không chuyên huyện Cẩm Giàng năm 2020.

Ông Phạm Minh Tuấn – Phó trưởng Phòng Văn hóa văn nghệ quần chúng, Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh, người thường xuyên đứng lớp dạy các lớp hát chèo, hát dân ca ở cơ sở có nhận xét về ông Lê Văn Ưu như sau: ông là hạt nhân văn nghệ cơ sở có chất giọng trầm ấm “vang, rền, nền, nảy”, càng được bộc lộ rõ mỗi khi ông cất lên những câu quan họ. Khi sang chèo thì cũng cần những yếu tố đó, song kỹ thuật của chèo thì lại khác, nhưng ông rất nhanh nhạy và khéo khi hát chèo, bởi ông là người rất chịu khó học hỏi qua các lớp tập huấn hát chèo, hát dân ca từ cơ bản đến nâng cao, cứ ở đâu mở lớp là xin theo học. Như năm 2020, Trung tâm VHNT tỉnh tổ chức lớp tập huấn hát chèo tại huyện Thanh Hà, ông đã “tay xách…, khăn gói...” về tận Thanh Hà theo học ròng rã suốt một tuần. Đặc biệt là các lớp mở tại huyện Cẩm Giàng, ông là một trong những học viên luôn đến sớm, tích cực theo học, không bỏ buổi nào và trả bài rất đầy đủ. Khi các thầy truyền dạy, không bao giờ ông hát theo ngay mà cứ để thầy dạy mẫu trước, sau khi nghe chuẩn mới cất lên câu hát là khớp ngay, nghệ thuật “truyền khẩu” được ông nắm rất rõ”. Ông Lê Văn Ưu được trời phú cho cả thanh và sắc, có nét mặt rất sân khấu, dường như ông sinh ra là để đóng những vai chính diện, như: vua, quan… với lối diễn xuất mộc mạc mà sâu lắng tình người “diễn nội tâm”, vì thế mà khi tham gia các hội diễn cấp huyện, cấp tỉnh ông đều giành huy chương (hoặc giải) cao. Có thể nói ông xứng đáng mang danh hiệu “nghệ sĩ” sân khấu không chuyên.

Những năm tháng theo đuổi nghệ thuật, ông cũng trải qua nhiều khó khăn gian khổ, luôn cố gắng vượt qua chính mình, ông cho biết: trước đây huyện Cẩm Giàng chưa thành lập CLB hát chèo, hát dân ca tôi phải lên TP Hải Dương xin tham gia sinh hoạt cùng CLB Đàn hát dân ca thành phố. Từ nhà lên TP Hải Dương gần 30km nhiều khi đi từ 5 giờ sáng về đến nhà cũng đã hơn 12 giờ đêm, có nhiều hôm phải ở lại tập luyện để hoàn thành các nội dung của CLB. Nhiều năm sinh hoạt ở đây, tôi cùng CLB đi biểu diễn phục vụ cho hội nghị các phường, xã và tham gia các hội thi, hội diễn của thành phố và của tỉnh. Nhiều khi đi về trong điều kiện mưa gió rét, xe hỏng, hết xăng… nhưng tôi rất vui khi được cống hiến cho phong trào văn nghệ quần chúng. Năm 2019, huyện Cẩm Giàng thành lập CLB Hát chèo, hát dân ca tôi về sinh hoạt tại đây và luôn cống hiến hết mình vì CLB.

 

Tiết mục biểu diễn của ông Lê Văn Ưu tại lễ bế giảng lớp tập huấn nâng cao hát, nhạc chèo năm 2022 tại huyện Cẩm Giàng.

Nói về ông, ông Phạm Xuân Hách – Chủ nhiệm CLB Hát chèo, hát dân ca huyện Cẩm Giàng cho biết: tuy tuổi đã cao, nhưng anh Lê Văn Ưu luôn là thành viên tích cực của CLB. Là người hát hay, diễn tốt nên anh luôn được chọn tham gia hát và diễn các vở kịch của CLB để tham gia hội thi, hội diễn cấp huyện, cấp tỉnh. Mỗi khi giao vai diễn chúng tôi rất tin tưởng vào khả năng diễn xuất và tinh thần lao động vì nghệ thuật của anh. Bên cạnh đó, anh còn tích cực tham gia các lớp tập huấn nâng cao hát và diễn do các đơn vị của Sở VHTTDL tỉnh tổ chức để học hỏi, nâng cao kỹ năng hát và diễn của mình. Tinh thần lao động vì phong trào văn nghệ quần chúng của anh luôn được các thành viên CLB học hỏi, noi theo và gọi anh với cái tên trìu mến “Nghệ sĩ” sân khấu không chuyên.

Trong thời gian tham gia sân khấu không chuyên, ông đã có các vai diễn để lại dấu ấn trong lòng khán giả như: vị quan thanh liêm trong “Nước cờ quân tử”, người chiến sĩ quân đội nhân dân, công an nhân dân, cán bộ Nhà nước mẫu mực hay vai hài cụ Đồ trong vở chèo “Quan Âm Thị Kính”…

Để theo đuổi niềm đam mê của mình, ông luôn được gia đình kề vai sát cánh, ngoài 6 anh chị em ruột đều là hạt nhân văn nghệ, ông còn có người vợ hết mực yêu thương, chăm lo cho gia đình để ông có thời gian tham gia hoạt động văn nghệ quần chúng. Đó là bà Trần Thị Dậu, sinh năm 1957, ông bà là bạn học THPT và cùng sở thích yêu văn nghệ. Hiện bà là thành viên đội văn nghệ của thôn Bằng Nghĩa và CLB thơ ca của xã Ngọc Liên. Nói về bà, ông rất tự hào “Vợ tôi luôn là người bạn, người vợ thấu hiểu chồng, chăm lo gia đình, tạo điều kiện tốt nhất để chồng tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Tôi nhớ có những hôm đội văn nghệ tập chương trình tại gia đình để tham gia Hội thi do huyện Cẩm Giàng tổ chức, bà ấy tất bật chuẩn bị 4 mâm cơm cho đội. Dù bận cơm nước, nhưng bà vẫn dõi theo từng tiếng hát chèo, tiếng sáo, tiếng nhị, tiếng trống chèo… bữa cơm trưa hoàn tất, bà lại ra sân cùng anh chị em trong đội tập múa hát, với tôi bà ấy như bát canh ngọt ngào bên “mâm cơm nghệ thuật”. Bên cạnh đó, bà thường xuyên cùng chồng ôn luyện bài hát, tập vở, nhắc vở mỗi khi chồng xao nhãng, chuẩn bị trang phục trước khi đi diễn… đặc biệt, luôn sẵn sàng chi tiền mua sắm trang phục biểu diễn cho chồng”.

Hơn 20 năm tham gia phong trào văn nghệ quần chúng và đoạt được nhiều giải cao tại các hội thi, hội diễn sân khấu không chuyên của huyện và tỉnh. Năm 2019, ông được tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp VHTTDL của Bộ VHTTDL và được tặng nhiều giấy khen của Sở VHTTDL, giấy khen của UBND huyện Cẩm Giàng.

 

      Bá Giang
Các tin mới hơn
Gần 300 học viên tham dự lớp bồi dưỡng công tác nếp sống văn hoá và gia đình năm 2023(24/10/2023)
Hội thi Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững tỉnh Hải Dương năm 2023(04/07/2023)
Gần 250 học viên tham gia lớp tập huấn nghiệp vụ về công tác gia đình(19/08/2022)
Các tin cũ hơn
Lưu giữ phong tục Tết xưa(28/01/2022)
Chuyện về nữ Thanh niên xung phong Nguyễn Thị Trâm(06/12/2021)
Gia đình hạnh phúc từ tình yêu đẹp trong thời chiến(06/09/2021)
Cần tiếp thêm sức mạnh cho gia đình trong giai đoạn hiện nay(27/08/2021)
Hội thi CLB “Gia đình phát triển bền vững” tỉnh Hải Dương năm 2020(30/11/2020)
Điểm du lịch
Khu trải nghiệm Côn Sơn: Điểm đến mới lạ, độc đáo, hấp dẫn du khách
Hướng đến Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2023, Khu trải nghiệm Côn Sơn (Côn Sơn Camping) chính thức khai trương đón chào du khách đến tham quan, trải nghiệm và tận hưởng không gian xanh mát tại Côn Sơn Camping.
Tìm kiếm
Liên kết website
na
na
na
na
na
http://dochoi.haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín