Văn hóa
Văn Hóa Hải Dương: Ba phần tư thế kỷ, những chặng đường

Tuyên cáo ngày 28-8-1945 của Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đã cho ra đời Bộ Thông tin - Tuyên truyền, tiền thân của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ngày nay. Qua 75 năm thăng trầm sáp nhập, chia tách… mới có tên gọi như bây giờ. Cùng với dân tộc, Văn hóa Hải Dương, ba phần tư thế kỷ đã đồng hành cùng dân tộc, lập nên biết bao kỳ tích.

Ra khỏi lũy tre làng đi thoát ly, đến ngày cầm sổ  hưu và cho đến hôm nay, dẫu từng làm nhiều công việc khác nhau, nhưng tôi tâm đắc nhất những tháng năm công tác trong ngành văn hóa. Bởi ở đây đã lắng đọng nhiều kỷ niệm cùng cuộc đời…

 

Văn hóa thời mở đầu…

Bạn đọc trẻ bây giờ được hưởng những thành quả của nền văn hóa nghệ thuật tuyệt vời, không thể biết rằng đất nước đã trải qua những khó khăn. 

Ngày đầu dựng nước (1945), phương tiện làm công tác văn hóa chỉ có chiếc loa bằng mo cau, loa tay và tuyên truyền miệng. Thời ấy trụ sở cơ quan Ty Thông tin Hải Dương phải ở nhờ nhà dân. Khi kháng chiến bùng nổ (1946), Ty rút về căn cứ, thường xuyên di chuyển tránh giặc càn quét. Ban đêm lại chia nhau về các cơ sở rải truyền đơn, gọi loa địch vận, gần sáng lại về.

Thấm nhuần khẩu hiệu của Chính phủ “Kháng chiến hóa văn hóa, văn hóa hóa kháng chiến”, Đội Tuyên truyền xung phong (TTXP) của Ty đi khắp các chợ, bến đò… để giải thích chính sách đóng thuế nông nghiệp, tòng quân, đánh giặc giữ làng. Đội TTXP có năm, sáu người, với chiếc đàn ghi ta, nhưng đến đâu cũng biểu diễn. Có lần về vùng địch hậu, thì du kích đi bảo vệ và khênh máy móc.

 Công tác tuyên truyền văn nghệ được coi là mặt trận. Còn Vũ khí  tranh ảnh, bản tin, bài ca, nhưng có sức lan tỏa, thức tỉnh lòng người vùng tạm chiếm, đồng thời cảm hóa, làm tan rã đội ngũ quân địch. Thuở ấy, ở đâu có kháng chiến, ở đó có văn hóa kháng chiến. Những “Chiến sĩ văn hóa” đã biết cách tổ chức công tác tuyên truyền thành một nghệ thuật, đồng thời đưa nghệ thuật vào tuyên truyền.

  Năm 1953 tỉnh mới có Đội văn công, với hình thức là một đơn vị nghệ thuật tổng hợp: ca, múa, nhạc, kịch, chèo. Đội đi diễn các nơi, và khơi nguồn cho phong trào văn nghệ cơ sở hình thành. Phải 10 năm sau văn công tỉnh mới được quy mô, bài bản. Được trang bị ô tô di chuyển người và trang thiết bị, thay thế cho những chiếc xe bò mỗi khi lưu diễn. Đến thời chống Mỹ cứu nước, văn công mới trưởng thành, xây dựng được các vở có nội dung và chất lượng nghệ thuật tốt, từng đi biểu diễn vùng tuyến lửa .

Đội ngũ tác giả tỉnh ta cũng hình thành dần. Các bộ môn: sân khấu, nhạc, họa, thơ, văn, ảnh… có vị trí trong công tác tuyên truyền trong đời sống nhân dân. Từ đó hình thành một đội ngũ văn nghệ sĩ khá hùng hậu, là nòng cốt cho tỉnh để thành lập Hội Văn học Nghệ thuật năm 1978 sau này.

Thế là từ những loa tay, mo cau hoặc vỏ quả bầu khô… mấy chục năm sau các xã, huyện có cơ sở truyền thanh, phát thanh, và lớn mạnh thành một ngành riêng: Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh với hệ thống ngành dọc xuống tận xã phường.

Còn nhớ, trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước, chính tiếng loa phát thanh đã tiếp sức cho các phong trào “Tiếng hát át tiếng bom”, phong trào “Ba đảm đang”, “Ba sẵn sàng”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” hướng về nhiệm vụ giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Cũng là đặc biệt, ở Hải Dương công tác bảo tàng đã hoạt động khá sớm và là dấu ấn của miền Bắc bấy giờ. Chỉ tính trong 41 năm (1962-2003), tỉnh ta đã  có 133 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng quốc gia… Các thiết chế văn hóa được củng cổ và xây dựng: Thị xã có Nhà hát Nhân dân, Thư viện, rạp chiếu phim, có phong trào bóng bàn cùng với những vận động viên tài năng, đoạt quán quân, lừng tiếng cả miền Bắc. Và hàng trăm đội văn nghệ quần chúng ở các thôn xã, các cơ sở nhà máy, xí nghiệp… đã hợp thành đội quân hùng hậu, hoạt động, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật của nhân dân. Mỗi kỳ Hội diễn văn nghệ không chuyên, không chỉ có những xã phường, mà còn thu hút rất nhiều đơn vị nhà máy, hầm mỏ, xí nghiệp, quân đội tham gia…

Văn hóa  vào đời sống. 

Ngày ấy đất nước còn nghèo, một thời gian dài sống trong thời chiến mà phong trào đọc sách từ nông thôn đến thành thị khá cao. Hầu hết các làng quê có tủ sách Hợp tác xã, có thư viện. 12 huyện thị trong tỉnh đều biên chế hiệu sách nhân dân và những tổ bán sách lưu động ăn hoa hồng. Người bán sách ra tỉnh lĩnh các loại văn hóa phẩm, tìm mọi cách đưa tận tay người đọc. Doanh thu bán sách được trừ 5%  coi như tiền lương để sinh sống. Giá văn hóa phẩm ngày ấy quá rẻ, một tờ tranh 5 xu, một cuốn truyện 1 hào 2 xu, vì thế tiền hoa hồng rất ít. Người bán sách rong phải đến từng thôn xóm, trường học, nơi tập trung đông người, các hội nghị, các sân chiếu bóng, hoặc đến công trường đắp đê bán sách. Khi dân công giải lao, thì tranh thủ giới thiệu nội dung sách, có khi viết câu thơ căng lên giây ven đê, cho vui mắt:

Khi lao động vui câu hò, tiếng hát

Lúc giải lao xem quyển sách, tờ tranh.

Những năm chiến tranh, các đội thông tin lưu động cơ sở hoạt động rất sôi nổi, tham gia tích cực sự nghiệp chống Mỹ cứu nước: Những dàn tranh lớn, nội dung hấp dẫn, kèm theo hàng vạn bản tin, tờ rơi… đi vào tận hang cùng ngõ hẻm thúc giục lòng người. Thời ấy ai cũng thuộc câu khẩu hiệu có vần vè, dễ thuộc dễ nhớ: “Ngày vui mắt, tối vui tai, nhà nhà đều biết, người người đều nghe”. Ở Hiệp Sơn, Kinh Môn, nổi lên phong trào “Vẽ tranh cổ động”. Người ta tận dụng đầu hồi nhà, bờ tường đất, tường gạch, sân kho, trường học để vẽ tranh, với nội dung hết sức phong phú. Từ sản xuất chăm sóc lúa, chăn nuôi gia súc, trồng điền thanh, thả bèo dâu đến phong trào “ba sẵn sàng” khi tổ quốc cần đến. Có những cơ sở vẽ phim đèn chiếu, tối tối đem chiếu ở sân kho cho xã viên xem… Hải Dương được Bộ Văn hóa phong tặng là “Xứ tranh”, được các tỉnh thành trong miền Bắc về thăm quan và học tập.

Có một sự kiện đáng nhớ: Trên sườn núi Ông Sư ở xã Cổ Thành (nay thuộc tp Chí Linh), người ta đã khoét núi, lấy đá xếp thành khẩu hiệu, quét vôi trắng lóa “QUYẾT TÂM ĐÁNH THẮNG GIẶC MỸ XÂM LƯỢC”. Người ở  xa hàng chục cây số vẫn đọc được. Các phi công bay trên cao, vẫn có thể nhận rõ dòng khẩu hiệu, sừng sững ngang trời, tỏ rõ lòng kiên cường đánh Mỹ của nhân dân quê hương.

 

Một loại vũ khí sắc bén…

Cùng với tuyên truyền cổ động bằng tranh vẽ, bằng đọc sách, tỉnh ta có phong trào xem phim và làm theo phim. 12 huyện thị đều có đội chiếu bóng lưu động, hàng tháng về tận hợp tác xã, chiếu những bộ phim có nội dung ca ngợi tinh thần chiến đấu ở tiền tuyến và  cuộc sống lao động sản xuất ở hậu phương.

Ngày ấy phim ảnh là món ăn tinh thần được quần chúng yêu thích nhất. Nhân dân đi bộ dăm bảy cây số để xem... Có điểm dễ tới vài nghìn người xem  Những năm ấy, mua được một vé xem phim hay là sướng lắm. Nhiều khi đang xem, có máy bay địch bắn phá, phải báo động, khán giả xuống hào trú ẩn.

Trong tỉnh lại có nhiều địa điểm nhạy cảm về quân sự, kinh tế được gọi là “tuyến lửa”, thành trọng điểm của giặc Mỹ bắn phá ác liệt. Vậy mà mỗi tháng đội chiếu bóng về phục vụ nhân dân một đến hai lần.

Những năm chiến tranh xem được một bộ phim cũng gian khổ. Xung quanh bãi chiếu phải có hầm hào tránh máy bay giặc bắn phá ban đêm. Đang xem, có báo động, là kịp thời tắt máy, hướng dẫn khán giả di tản xuống hầm hào ngồi chờ. Khi máy bay đã qua thì lại bật đèn, lại xem tiếp. Ngày ấy có phong trào “học và làm theo phim” được các HTX nông nghiệp hưởng ứng, và sáng tạo ứng dụng vào đời sống, vào kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, thâm canh.

Chiếu bóng, điện ảnh - nghệ thuật thứ bảy, không chỉ là món ăn tinh thần, xây dựng tâm hồn cao đẹp cho con người, mà còn là vũ khí sắc bén trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước và xây dựng hòa bình.

…Và xiếc - đặc sản của Hải Dương

Hoạt động văn hóa ở Hải Dương có nội dung phong phú với nhiều phương thức. Ngoài loại hình nghệ thuật như múa rối nước, hát chầu văn, hát chèo còn có một đặc sản: Đó là Xiếc!

Bắt nguồn từ cuộc sống,phản ánh hiện thực cuộc sống, xiếc là nghệ thuật tổng hợp sử dụng xảo thuật kết hợp âm thanh, ánh sáng, phục trang… để tạo ra hình tượng bất ngờ, đem đến cho người xem cái đẹp cao cả, thẩm mĩ nhân văn; khích lệ con người vươn lên giành chiến thắng trước khó khăn, nguy hiểm và phát huy những phẩm chất tốt đẹp của dân tộc.

Xiếc Hải Dương trải qua thăng trầm, tan hợp nhưng vẫn tồn tại không thể thất truyền. Có một thời  khi về Hải Dương, khách vẫn  trầm trồ ngợi ca và tôn vinh 3 đặc sản. Đấy là “Vải thiều, Bóng bàn và Xiếc! “

 Từ chiếc nôi trong gánh xiếc gia đình cụ Trương Văn Sản ở Cao Thắng - Thanh Miện, nghệ thuật xiếc ngày càng nảy nở sinh sôi, hấp dẫn khán  giả trong và ngoài tỉnh. Xiếc cũng thăng trầm, trôi nổi. Lúc cao trào có gần 20 đoàn, còn bây giờ là 6 đoàn xiếc tư nhân. Trong đó có đoàn xiếc Đại Dương (một thời mang tên Bông Hồng Trắng). Được biết Xiếc Đại Dương có 12 người, có trụ sở giao dịch tại phố Trần Văn Giáp (tp Hải Dương). Họ tự bươn chải, tự lập chịu sự va đập khắc nghiệt của cuộc đời. Tự  trang trải chi phí, luyện tập, xây dựng tiết mục, tìm điểm diễn để  tồn tại. Họ say mê nghề kế thừa truyền thống cha ông: cha dạy con, anh dạy em; vợ bảo chồng, truyền nghề kiểu gia đình, dòng tộc. Vé bán  từ 20 đến 40 nghìn đồng, có đêm diễn thu được 4 - 5 triệu đồng. Có khi còn ít hơn. Vợ chồng diễn viên Nguyễn Kiên - Nam Phương cùng trong đoàn kể: Chồng vừa làm diễn viên kiêm MC, vợ vừa biểu diễn đu bay, ngậm kiếm… Lưu động trong Nam ngoài Bắc, lên rừng xuống bể, đâu có điểm diễn là đến. Con  nhỏ, gửi ông bà chăm nuôi. Gian nan khó nhọc, hiểm nguy nhưng kiên quyết không bỏ nghề. Tất cả vì đam mê vì nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân, và cũng là để mưu sinh.

 

Người  hai lần làm Thủ trưởng ngành Văn hóa

Ba phần tư thế kỷ (1945-2020) vừa trọn 75 năm, nếu tính cả 29 năm Hưng Yên và Hải Dương sáp nhập, ngành VHTTDL Hải Dương hôm nay có hơn 20 vị thủ trưởng. Trong đó có  một người làm thủ trưởng 2 lần!.     

Vị thủ trưởng đáng nhớ ấy là ông Nguyễn Cấp, quê xã Quyết Thắng, Thanh Hà, nay thuộc thành phố Hải Dương.

Lần đầu vào năm 1953-1954, ông Nguyễn Cấp giữ chức Trưởng ty.

 
           Thời kỳ chuẩn bị tiếp quản thị xã Hải Dương (1954), trụ sở của Ty còn ở nhờ nhà dân thôn Trúc Lâm, xã Hoàng Diệu (Gia Lộc). Nhận được lệnh, Trưởng ty Nguyễn Cấp giữa đêm 29 - 10 chỉ đạo cho cả cơ quan cấp tốc gồng gánh máy chữ, tài liệu về thị xã. Ban đầu ông đưa nhân viên vào tiếp quản Phòng Thông tin Tuyên truyền của địch (số nhà 30 phố Trần Hưng Đạo, thị xã Hải Dương). Tối hôm đó, một chương trình biểu diễn nghệ thuật chào mừng ngày thị xã giải phóng tại sân Vọng Cung. Rồi khi chuẩn bị thành lập Bộ Văn hóa vào năm 1955, ông được điều chuyển về Hà Nội công tác. Đến những năm 1958-1960, ông lại về Hải Dương, giữ chức vụ Trưởng ty Văn hóa. Đây là lần thứ hai làm lãnh đạo ngành. Ông là người quyết tâm chỉ đạo xây dựng câu lạc bộ, lần đầu tiên cho tổ chức triển lãm đấu tranh chống mê tín dị đoan, tổ chức bán vé 5 xu cho nhân dân đến xem. Ông cũng cho mở các lớp tập huấn hát chèo, sưu tầm ca dao xuất bản thành sách để tuyên truyền tới thôn xóm.

Ông là cán bộ từng trải, làm nhiều việc: Có khi về cơ sở làm Bí thư  huyện ủy, khi lên tỉnh đội làm Chính trị viên, rồi lên Tỉnh ủy giữ chức vụ Chủ nhiệm kiểm tra và Trưởng ban Tuyên huấn.

 

     Từ những ngày đầu, vỏn vẹn có gần hai chục người, với trang thiết bị thô sơ, lạc hậu… 75 năm đồng hành cùng đất nước, đến nay Sở VHTTDL ở cấp tỉnh hiện có 08 phòng quản lý nhà nước, 10 đơn vị sự nghiệp trực thuộc, với tổng số hơn 500 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; Cấp huyện: Sở VHTTDL chịu trách nhiệm vụ hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ đối với 12 phòng Văn hóa - Thông tin thực hiện chức năng quản lý nhà nước và 6 Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao, 6 Trung tâm Văn hóa - Thể thao thực hiện chức năng hoạt động sự nghiệp; Cấp xã: 235/235 xã, phường, thị trấn có cán bộ công chức văn hóa cơ bản được đào tạo nghiệp vụ chuyên môn từ cao đẳng trở lên. Công tác tổ chức, bộ máy của ngành được tinh giản, kiện toàn; cơ sở vật chất của ngành từng bước được tăng cường đầu tư. Công tác Quản lý Nhà nước được đẩy mạnh; các hoạt động sự nghiệp văn hoá, thể thao và du lịch phát triển, hướng về cơ sở, đáp ứng, nâng cao mức hưởng thụ đời sống văn hoá tinh thần cho nhân dân và góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

 
           Qua Ba phần tư thế kỷ, những chặng đường, Văn hóa Hải Dương đã vinh dự nhận được nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước như: Huân chương độc lập hạng Nhì năm 2010, Chính phủ tặng cờ thi đua xuất sắc 2009, 2011, Cờ thi đua xuất sắc của Bộ VHTTDL 2015, 2019; Bằng khen do Bộ VHTTDL 2015, 2016, 2017, 2018 và nhiều Bằng khen UBND tỉnh trao tặng. Đón nhận những cơ hội và thách thức đang hiện ra phía trước, ngành VHTTDL Hải Dương phấn khởi hướng về 75 năm ngày truyền thống của mình.
 
Khú Hà Linh
Các tin mới hơn
Một số hình ảnh Lễ rước nước tại Lễ hội chùa Nhẫm Dương năm 2024(13/04/2024)
Hội hưu trí ngành Văn hóa - Thông tin tổ chức gặp mặt đầu Xuân(22/02/2024)
Linh thiêng hội Xuân Côn Sơn(21/02/2024)
Kinh Môn: Khai hội Xuân Giáp Thìn 2024 (18/02/2024)
Bình Giang: Lần đầu tổ chức Hội chợ hoa Xuân chào năm mới 2024(30/01/2024)
Các tin cũ hơn
Ngành VHTTDL tăng cường công tác chống dịch(18/08/2020)
Thành phố Hải Dương: 50 em thiếu nhi tham gia hội thi vẽ tranh(29/07/2020)
Khai giảng nhiều lớp năng khiếu hè 2020(29/07/2020)
Thăm hỏi và tặng quà cho thân nhân 02 gia đình liệt sỹ(27/07/2020)
Làm rõ thân thế, sự nghiệp nhằm tôn vinh 3 vị Tiến sĩ nho học trong cùng gia đình ở huyện Ninh Giang(24/07/2020)
Điểm du lịch
Khu trải nghiệm Côn Sơn: Điểm đến mới lạ, độc đáo, hấp dẫn du khách
Hướng đến Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2023, Khu trải nghiệm Côn Sơn (Côn Sơn Camping) chính thức khai trương đón chào du khách đến tham quan, trải nghiệm và tận hưởng không gian xanh mát tại Côn Sơn Camping.
Tìm kiếm
Liên kết website
na
na
na
na
na
http://dochoi.haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín