Văn hóa cơ sở
Nhìn lại công tác Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Múa Rối nước tỉnh Hải Dương

Nhìn lại 9 năm qua, từ khi Di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Múa rối nước tỉnh Hải Dương được ghi vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, có thể nói, đã tác động, nâng cao nhận thức tới các cấp, ngành, cộng đồng và những chủ sở hữu di sản với giá trị của di sản, đồng thời đã có nhiều hành động chung tay đồng hành để hoàn thành trách nhiệm này.

Hải Dương là tỉnh đang lưu giữ nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu. Đến nay, tỉnh có  01 di sản (Ca trù) được ghi trong Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại; 08 di sản (06 lễ hội truyền thống, 02 nghệ thuật trình diễn dân gian) được ghi trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó có Nghệ thuật trình diễn dân gian Múa rối nước. Chủ thể văn hóa của Nghệ thuật trình diễn dân gian Múa rối nước tỉnh Hải Dương là nhóm nghệ nhân của 3 phường rối nước, thuộc các xã Hồng Phong, (Ninh Giang), Thanh Hải (Thanh Hà) và Lê Lợi (Gia Lộc).

Mỗi di sản văn hóa dù là vật thể hay phi vật thể được ghi danh là niềm vinh dự, tự hào lớn nhưng cũng là trách nhiệm không nhỏ cho các cấp, ngành. Nhìn lại 9 năm qua, từ khi Di sản văn hóa phi vật thể  nghệ thuật Múa rối nước tỉnh Hải Dương được ghi vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, có thể nói, đã tác động, nâng cao nhận thức tới các cấp, ngành, cộng đồng và những chủ sở hữu di sản  với giá trị của  di sản, đồng thời đã có nhiều hành động chung tay đồng hành để hoàn thành trách nhiệm này.

Trong nhiệm vụ, quyền hạn của mình, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch  tỉnh Hải Dương đã phối hợp với các ngành hữu quan tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chính sách quan tâm, tôn vinh, ghi nhận  các tập thể, cá nhân chủ sở hữu di sản - những người đang nắm giữ di sản múa rối nước bằng các hành động thiết thực hiệu quả như : trình cấp có thẩm quyền phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân ưu tú cho 8 nghệ nhân của 3 phường Múa Rối nước (Thanh Hải -Thanh Hà): 3; Hồng Phong (Ninh Giang): 3; Lê Lợi (Gia Lộc): 2. Lễ trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú được tổ chức trang trọng, động viên kịp thời tinh thần, vật chất đối với họ và đang trình cấp có thẩm quyền xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú cho 8 nghệ nhân vào năm 2021. Ngành  tạo cơ hội cho các phường biểu diễn phục vụ các sự kiện chính trị của đất nước, của tỉnh, đưa di sản vào nhà trường, tổ chức 02 cuộc liên hoan tại Lễ hội – Côn Sơn -  Kiếp Bạc (2014 và 2015); Tạo ra sự liên kết trong nhiều hoạt động đưa nghệ thuật Múa rối nước thành sản phẩm du lịch  phục vụ du khách trong và ngoài nước.

Huyện Thanh Hà hỗ trợ đầu tư cho phường Múa rối nước Thanh Hải gần 200 triệu đồng cho việc khôi phục, nâng cao chất lượng các tích trò cổ, xây dựng tiết mục mới, tân trang, tạo hình hoàn thiện con rối, nâng cấp thủy đình, truyền dạy đội ngũ kế cận…

 
 
Khách du lịch nước ngoài xem múa rồi nước tại Thanh Hải
 

Phường múa rối nước Hồng Phong (Ninh Giang) được sự quản lý hành chính của UBND xã Hồng Phong cùng với sự chỉ đạo và quan tâm của phòng Văn hóa – Thông tin huyện Ninh Giang rõ nét hơn. Phường được huyện, xã tạo điều kiện đến  biểu diễn và phục vụ các lễ hội truyền thống, các sự kiện lớn trong tỉnh và huyện. Hàng năm, lãnh đạo huyện tới tham dự tổng kết và có ý kiến chỉ đạo, động viên, khen thưởng cho tập thể và cá nhân đạt thành tích của  phường.

Nghệ nhân ưu tú – Trưởng phường Múa Rối nước Hồng Phong Phạm Văn Tòng cho biết: Từ ngày phường Múa rối nước Hồng Phong được ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, mọi người coi đó là sự quan tâm của Nhà nước và các cấp, các ngành đối với công tác bảo tồn và phát huy  môn nghệ thuật trình diễn dân gian Múa rối nước và cũng chính là quan tâm đến  anh em chúng tôi, nên mọi người rất phấn khởi, tự hào đã đi theo nghề diễn Múa rối nước này, thấy yêu nghề diễn hơn. Từ ngày đó, các thành viên của phường  được gia đình ủng hộ, công chúng mến mộ, cụ thể là được nhiều nơi trong tỉnh, ngoài tỉnh mời, lịch biểu diễn dày hơn. Vui nhất là  khán giả đã có những vần thơ khen ngợi các trò diễn của phường Múa rối nước Hồng Phong:

“Hồng Phong rối nước cổ truyền,

Đã đi biểu diễn khắp miền gần xa,

Múa hay, đàn hát nuột nà,

Từ trẻ thơ đến người già đều khen….”       

Đối với công tác bảo tồn, cả 3 phường Múa rối nước trên địa bàn tỉnh đã ưu tiên cho việc lưu giữ các tích trò truyền thống, kỹ năng tạo hình, hoàn thiện con rối bằng các hình thức như : truyền dạy, ghi hình, biểu diễn… Các tích trò truyền thống được 3 phường lưu giữ đều là những tiết mục gắn với cuộc sống của người dân nông thôn ở chính nơi họ đang sống, các đề tài lịch sử  như : Tễu giáo đầu, Lễ hội làng, Cắm cờ hội, Lê Lợi trả gươm, Vinh quy bái tổ, Múa rồng, Múa phượng, Múa tiên, Múa tứ linh Bơi bắt vịt, Câu cá, Úp nơm bắt cá, Câu ếch, Chăn vịt, Chọi trâu, Đua thuyền, Chơi đu ngày hội, Quay tơ dệt lụa, Xay thóc, giã gạo.. Công tác truyền dạy  được 2 phường Thanh Hải và Hồng Phong coi trọng, tập trung vào đào tạo kỹ năng điều khiển con trò, tạo hình, sơn thếp con rối. Về hoạt động biểu diễn, nếu như trước năm 2012, 3 phường Múa rối nước còn thụ động chờ  khi tỉnh, huyện gọi hoặc chỉ diễn trong các lễ hội làng quanh vùng thì nay Múa rối nước Hải Dương đã trở thành sản phẩm du lịch, hấp dẫn các du khách trong và ngoài nước.

Phường Thanh Hải (Thanh Hà) trung bình mỗi tháng biểu diễn phục vụ 3- 4 tua khách nước ngoài, mở rộng địa bàn biểu diễn, trong năm 2017 phường đã  hợp đồng với nhiều trường cấp mầm non và tiểu học trong và ngoài tỉnh, đưa các em đến xem múa rối nước trong chương trình giáo dục, tham quan ngoại khóa. Năm 2017, 2018, phường đã đi biểu diễn tại các tỉnh ở Tây Nguyên phục vụ các trường học, khách du lịch. Phường đưa múa rối nước xuất ngoại, đã có 9 ngày biểu diễn trên đất nước Đài Loan được khán giả nước bạn ca ngợi ngưỡng mộ. Hiện phường đang duy trì và nâng cao chất lượng biểu diễn thường xuyên 21 – 25 tiết mục, mỗi ca biểu diễn từ 16 - 18 tiết mục, có doanh thu trung bình các buổi biểu diễn tại chỗ từ 2 – 2,5 triệu VNĐ / ca, phục vụ lưu động có doanh thu 5 triệu VNĐ / ca. Đời sống của các diễn viên, nhạc công những năm 2013- 2019 được cải thiện một bước.

          Phường nghệ thuật múa rối nước Hồng Phong (Ninh Giang) từ năm 2012  đã ký được nhiều hợp đồng với các Công ty Du lịch tại thành phố Hà Nội thành phố Hồ Chí Minh. Hiện phường Múa rối nước Hồng Phong đang duy trì và nâng cao chất lượng biểu diễn thường xuyên 30 tiết mục. Theo số liệu tổng hợp của phường từ năm 2013 đến 2020 phường đã biểu diễn 1091 ca, trong đó 1056 ca phục vụ khách du lịch nước ngoài, 35 ca phục vụ khách nội địa. Số ca biểu diễn khách nước ngoài cao nhất năm 2014 đạt : 304 ca, đến năm 2020 chỉ đạt 36 ca. Với 35 ca phục vụ khách nội địa thì đi lưu diễn ở tỉnh ngoài là 20 ca; trong tổng số hơn 4000 khán giả nội địa có khoảng 3000 học sinh mẫu giáo 5 tuổi và các cháu tiểu học. Ngoài việc phục vụ biểu diễn, các nghệ nhân của phường còn tạo ra sự thân thiện với du khách, để họ trải nghiệm loại hình nghệ thuật này như hướng dẫn họ điều khiển con rối, dành thời gian trò chuyện, giới thiệu ý nghĩa của từng con rối để du khách chọn mua làm quà lưu niệm… Phường cũng đã tham mưu cho UBND xã khuyến khích xây dựng các sản phẩm du lịch thu hút du khách như : Tham quan đình Bồ Dương, thăm nhà lưu niệm trưng bày Múa rối nước do Văn phòng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ năm 2013, trải nghiệm cùng bà con trong xã trong công việc sản xuất nông nghiệp, các sản phẩm thủ công nghiệp….Đời sống của các diễn viên nhạc công những năm 2013- 2019 được cải thiện.

Đối với  công tác đào tạo, bằng hình thức truyền nghề, thực hành tại chỗ, người trước truyền nghề cho người sau, vừa học, vừa làm, các nghệ nhân lớp trước không chỉ tận tình truyền dạy kỹ năng mà còn truyền cả đam mê nhiệt huyết của mình cho thế hệ trẻ kế cận. Phường Thanh Hải 9 năm qua đã đào tạo tại chỗ cho 15 người là con em địa phương tham gia theo học, có 3 diễn viên trẻ trụ lại theo nghề diễn. Phường Hồng Phong  đào tạo 20 người, có thêm 4 diễn viên ở lại theo nghề, người trẻ tuổi nhất của làng rối hiện nay sinh năm 2003 thuộc phường rối nước Thanh Hà.

Về cơ sở vật chất : Phường Rối nước Thanh Hà đã nâng cấp nhà thủy đình hệ thống âm thanh, ánh sáng, mua thêm nhạc cụ; trang phục biểu diễn cho diễn viên nhạc công; 100 % con trò được tân trang lại nâng cao hình thức thẩm mỹ. Phường Rối nước Hồng Phong  đã  thay thế mới được một số đạo cụ, làm mái che mưa, nắng bằng tôn, thay cho căng bạt như trước đây chỗ ngồi xem của khách, làm lan can bằng typ sắt để đảm bảo an toàn, dựng thêm nhà nhạc công cố định.

Trong 3 phường, phường Rối nước Lê Lợi (Gia Lộc) có lẽ sự chuyển mình còn rất khiêm tốn, không có sự thay đổi nhiều. Tuy phường vẫn duy trì 21 tiết mục, có dựng thêm 2 tiết mục mới song về việc phát huy thì cơ bản là thụ động…  Trưởng phường - Nghệ nhân ưu tú Đinh Văn Phai chia sẻ: Phường Múa rối  nước Lê Lợi (Gia Lộc) hiện chỉ còn 16 diễn viên nhạc công, trong đó có 4 cụ đã trên 80 tuổi không còn khả năng biểu diễn tuy các cụ vẫn say nghề, người ít tuổi nhất cũng 45- 46 tuổi.  Mấy năm vừa rồi có mấy cháu học cũng đã tham gia biểu diễn nhưng do dịch bệnh nên đành đi kiếm nghề khác để trang trải cho cuộc sống. Việc gắn kết với các tua du lịch để biểu diễn tại chỗ thì lại càng khó khăn bởi thủy đình xuống cấp, vị trí thủy đình lại sát đường quốc lộ 393, lượng phương tiện giao thông rất lớn, khi biểu diễn người ngồi xem không an toàn và tiền biểu diễn có khi không đủ trang trải cho công tác bảo vệ, an ninh để đảm bảo an toàn cho buổi diễn.

          Điều thay đổi lớn, đó là sự quảng bá  và xây dựng hình ảnh cho Múa rối nước tỉnh Hải Dương đã được 2 phường Múa rối nước  Thanh Hải  và Hồng Phong chú trọng. Khi được hỏi về hình thức quảng bá  để Múa rối nước  của tỉnh trở thành sản phẩm du lịch, trưởng phường Múa rối nước Thanh Hải - Nghệ nhân ưu tú Phạm Khắc Xoa hào hứng: Mục tiêu quảng bá là đưa giá trị nghệ thuật Múa rối nước của phường lấy tiêu chí thân thiện, cởi mở, chất lượng nghệ thuật là hàng đầu, bên cạnh đó tạo điều kiện cho khán giả được giao lưu trải nghiệm cùng các nghệ nhân, Ví dụ như : Khi họ đến xem, khán giả được nghe giới thiệu về vùng đất và người của quê hương Thanh Hà, được trực tiếp thực hành đục đẽo con rối, giao lưu với các khán giả nhỏ tuổi nhận diện các con trò, áp dụng công nghệ trong quảng bá hình ảnh, tiết mục… Ở quê hương Thanh Hải  có một số bạn trẻ lập trang web riêng về múa rối nước, bản thân Nghệ nhân ưu tú  Phạm Khắc Xoa cũng thường xuyên liên hệ với lãnh đạo, diễn viên  các Nhà hát, đoàn Múa rối : Thăng Long, Trung ương, Huế, Hải Phòng – các đơn vị đầu đàn về nghệ thuật múa rối và Bảo tàng dân tộc học Việt Nam… nên họ nhiệt tình giới thiệu cho các tua du lịch khách quốc tế, trong nước, tạo ra sự liên kết trong việc phục vụ khách du lịch.

Cũng như phường Múa rối nước Thanh Hải, phường Múa Rối nước Hồng Phong cũng được quảng bá rộng rãi, thường xuyên. Những ai quan tâm, yêu thích phường Múa rối nước Hồng Phong (Ninh Giang) chỉ cần gõ vào google.com phường Múa rối nước Hồng Phong là hiện lên nhiều kết quả trên các trang mạng xã hội. Trưởng phường - NSƯT Phạm Văn Tòng cho biết: Phường có hẳn một người chuyên thực hiện công tác truyền thông, đó là ông Nguyễn Văn Chương, năm nay tuy 72 tuổi nhưng rất nhiệt tình, thân thiện, đặc biệt ông còn tự học về công nghệ thông tin, thực hiện thành thạo các công việc đánh máy đến gửi mail để liên hệ với các Công ty du lịch và đối tác, đưa hình ảnh hoạt động của Phường lên các trang truyền thông có uy tín.

          Ngoài những thay đổi đã nêu, còn sự say mê của phần lớn các nghệ nhân – những chủ sở hữu di sản. Ngoài nhiệt huyết với nghề và ý thức gìn giữ nghề của cha ông để lại, còn hiểu được trách nhiệm khi nghề của họ được nhà nước, xã hội tôn vinh, xứng đáng với sự ủng hộ, bảo trợ của Nhà nước mà trực tiếp là các cấp chính quyền của tỉnh và công chúng yêu nghệ thuật múa rối nước, giúp họ phần nào đó  để có thêm thu nhập, mưu sinh.

Nhưng bên cạnh những yếu tố tạm thời yên tâm đó, đó là sự khó khăn mà các phường Múa rối nước đang và sẽ phải nỗ lực đối mặt. Đặc biệt cả năm 2020 cho đến nay, nạn dịch Covid – 19 đã trở thành mối đe dọa, nguy cơ cho sự phát triển của ngành du lịch toàn cầu, cũng như mọi loại hình nghệ thuật biểu diễn khác, Ba phường Múa rối nước tại Hải Dương cũng nghỉ ngơi. Đối với các diễn viên Múa rối nước tại 3 phường của Hải Dương, vẫn biết rằng mỗi buổi biểu diễn thu nhập chả được là bao, nhưng không được biểu diễn họ rất buồn…Ông Nguyễn Văn Chương phụ trách tuyền thông phường Múa rối nước Hồng Phong (Ninh Giang) chia sẻ: Thủy đình không có tiếng nhạc, tiếng loa, làng buồn hẳn; các diễn viên, nhạc công thì nhớ nghề …Nghệ nhân uu tú - Phạm Khắc Xoa (trưởng phường Múa rối nước Thanh Hải – Thanh  Hà) cũng ngậm ngùi:  Những ngày thực hiện giãn cách xã hội phòng dịch COVID-19 là thời điểm khó khăn chung của xã hội, của mọi người dân song với những người diễn viên phải nghỉ thấy rất buồn không phải chỉ vì không có thu nhập mà là vì không được thể hiện sự say mê, nhiệt huyết với nghề.

 
Biểu diễn múa rồi nước nhân dịp năm mới tại quảng trường Độc lập, TP Hải Dương

Khó khăn do dịch bệnh, đó là yếu tố khách quan, mong sẽ không trở lại và bình yên, song khó khăn lớn nhất mà chúng ta cần quan tâm đó là việc đào tạo người kế thừa di sản. Nếu năm 2015, 3 phường Rối nước có trên 80 nghệ nhân thì đến nay (2021) 3 phường chỉ còn  61 nghệ nhân,  có tới 11 nghệ nhân cao tuổi, ốm yếu, hầu hết đã trên 60 tuổi, người cao nhất là 90 tuổi. 02 nghệ nhân ưu tú đã không còn nữa. Đội ngũ kế cận họ không thể an phận với công việc rất vất vả mà thu nhập quá thấp, họ đã tìm đến làm việc ở các khu công nghiệp  để đảm bảo cho cuộc sống của họ khá giả hơn.Trưởng phường Múa rối nước Thanh Hải- Phạm Đăng Xoa cho biết :  phường  Múa rối nước Thanh Hải hiện chỉ có 3 diễn viên  trẻ dưới 30 tuổi.  Phường Múa rối  nước Hồng Phong  trong tổng số 16 nghệ nhân thì chỉ còn 2 nghệ nhân có bề dày kinh nghiệm tạo tác con rối nhưng đều đã ở độ tuổi 60, 70. Đội ngũ nhạc công người ít tuổi nhất cũng đã trên 50. Lớp nghệ nhân sáng tác kịch bản, lời hát hầu như không còn, nên hạn chế trong việc sáng tác tiết mục mới, phản ánh hơi thở của thời đại. Còn nhiều điều trăn trở đối với lớp nghệ nhân cao tuổi của 3 phường Múa rối nước tỉnh Hải Dương, họ không ngại vất vả, bươn trải, thu nhập thấp… mà nỗi lo lớn nhất là loại hình Nghệ thuật này bị thất truyền, không có người kế thừa.

Trao đổi với các nghệ nhân, tôi được biết  trong những mong mỏi chính đáng và giản đơn của họ là: Các phường hiện nay cần sự quan tâm của nhà nước hơn trong việc hỗ trợ nâng cấp các phương tiện phục vụ biểu diễn, công tác truyền dạy. Cơ quan quản lý di sản văn hóa  các cấp nên kết hợp với các công ty du lịch tổ chức những buổi tọa đàm để 3 phường Múa rối nước của tỉnh nhà bày tỏ được những điều họ mong muốn. Ngoài được đi lưu diễn họ cũng mong được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như tỉnh Hải Dương nên tổ chức Liên hoan định kỳ 2 năm một lần để các nghệ nhân có điều kiện gặp gỡ, trao đổi, học tập kinh nghiệm, nhìn nhận đúng mình, có động lực thi đua nâng cao chất lượng biểu diễn cũng như các kỹ năng mà họ đang nắm giữ về loại hình nghệ thuật này.

 

Cũng như các loại hình di sản văn hóa phi vật thể khác Nghệ thuật Múa Rối nước tỉnh Hải Dương chỉ sống được và sống khỏe thì ngay từ bây giờ, 61 nghệ nhân đang nắm giữ di sản và những người kế thừa cần phải được  nhà nước, xã hội quan tâm  bảo vệ, tạo điều kiện cho họ có một môi trường sống khỏe, có cơ hội thể hiện tài năng, tâm huyết và được ghi nhận, để họ yên tâm trụ nghề, thường xuyên thực hành, truyền dạy…, lớp trước truyền lửa cho lớp người sau. Đặc biệt trong tiến trình phát triển và hội nhâp quốc tế, Múa rối nước của tỉnh Hải Dương bước đầu trở thành sản phẩm du lịch, được du khách nước ngoài biết đến nên rất cần các cơ quan quản lý luôn sát cánh bên họ, đầu tư, nghiên cứu nắm bắt nhu cầu của du khách, giúp họ nâng cao khả năng đáp ứng các buổi biểu diễn phục vụ du khách, quảng bá và xây dựng hình ảnh bài bản và hấp dẫn, chuyên nghiệp hóa các kỹ năng, xây dựng cơ sở vật chất và có chính sách phù hợp đáp ứng, đặc biệt là chính sách đào tạo nghệ nhân mới là hết sức quan trọng để góp phần duy trì sự phát triển của loại hình này.

Chỉ có như vậy Nghệ thuật Múa rối nước của tỉnh Hải Dương mới giữ được yêu cầu, tiêu chí của di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

 
Nguyễn Thị Quế 
Các tin mới hơn
Gần 1.000 đầu sách trưng bày khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc(16/04/2024)
Tiểu học Tân Kỳ hưởng ứng ngày sách và văn hóa đọc(16/04/2024)
Lễ hội truyền thống chùa Nhẫm Dương năm 2024(13/04/2024)
Gặp mặt tuyên dương các “Nghệ sỹ Nhân dân”, “Nghệ sỹ Ưu tú” lần thứ 10 (12/04/2024)
Gia Lộc: Hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam (05/04/2024)
Các tin cũ hơn
Nâng cao giá trị văn hóa đọc, sự cần thiết của thời kỳ công nghiệp 4.0(30/06/2021)
Khảo sát hệ thống các di tích bổ sung tư liệu khoa học cho việc xây dựng hồ sơ Di sản thế giới(25/06/2021)
Hiến tặng hiện vật lịch sử thời kháng chiến chống Mỹ(25/06/2021)
Văn hóa – thông tin Cẩm Giàng tích cực tuyên truyền bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp(13/05/2021)
Bế giảng lớp bồi dưỡng hát chèo, hát dân ca và lớp bồi dưỡng kiến thức phong trào “TDĐKXDNTM, ĐTVM” năm 2021(07/05/2021)
Điểm du lịch
Khu trải nghiệm Côn Sơn: Điểm đến mới lạ, độc đáo, hấp dẫn du khách
Hướng đến Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2023, Khu trải nghiệm Côn Sơn (Côn Sơn Camping) chính thức khai trương đón chào du khách đến tham quan, trải nghiệm và tận hưởng không gian xanh mát tại Côn Sơn Camping.
Tìm kiếm
Liên kết website
na
na
na
na
na
http://dochoi.haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín