Văn hóa
Ninh Giang bảo tồn và phát huy giá trị di tích

Ninh Giang là huyện có truyền thống văn hóa lâu đời. Trên địa bàn huyện hiện có trên 300 di tích lịch sử-văn hóa, trong đó có 10 di tích cấp quốc gia và 19 di tích cấp tỉnh. Những năm qua, chính quyền các cấp và nhân dân địa phương đã nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích này.

Sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội hoá trong tu bổ di tích

Trong những năm qua, huyện Ninh Giang đã thực hiện nhiều giải pháp tích cực nhằm bảo tồn và phát huy giá trị các di tích, góp phần đáp ứng nhu cầu về văn hóa, tâm linh tín ngưỡng của nhân dân. Theo phòng Văn hoá-Thông tin huyện Ninh Giang, trong giai đoạn 2015-2020, toàn huyện đã tu bổ trên 20 lượt di tích với kinh phí hàng chục tỷ đồng, trong đó chủ yếu là từ nguồn xã hội hoá. Việc trùng tu, tôn tạo di tích đảm bảo đúng quy định của Luật Di sản Văn hóa, qua đó góp phần gìn giữ nét kiến trúc lâu đời của di tích, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của người dân.

Di tích Đền Tranh (xã Đồng Tâm) thờ Quan lớn Tuần Tranh được công nhận là di tích cấp quốc gia từ năm 2009. Đây là một trong những di tích lớn của huyện, thu hút lượng lớn du khách đến tham quan, chiêm bái, nhất là vào dịp lễ, Tết. Nhờ quản lý tốt nguồn công đức đã giúp chính quyền, địa phương có kinh phí tổ chức lễ hội, đồng thời chủ động kinh phí để tu bổ, tôn tạo các hạng mục xuống cấp trong di tích. Từ năm 2015 đến nay, từ nguồn vốn Trung ương, nguồn quỹ công đức, xã hội hoá, địa phương đã tu bổ, tôn tạo các hạng mục, công trình như nhà trung từ, giả sơn, hồ nước, cổng đền, nhà khách, nhà hoá sớ... với kinh phí trên 30 tỷ đồng. Trong đó nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương là 5 tỷ đồng, còn lại là nguồn công đức, xã hội hoá.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm cho biết: Để việc quản lý tiền công đức được thực hiện minh bạch, quy củ từ nhiều năm nay, UBND xã đã thành lập Ban quản lý di tích với 15 thành viên, giao cho Phó Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban và 9 người thường trực giúp việc ở di tích. Đồng thời lắp đặt hệ thống camera giám sát, truyền trực tiếp tới Trưởng BQL để giám sát thường xuyên. Việc mở hòm công đức được thực hiện với sự chứng kiến của đại diện các ban, ngành trong xã, có biên bản đóng – mở và số tiền thu được, sau đó giao cho thủ quỹ xã nộp vào Kho bạc Nhà nước. Hàng năm, dựa vào tình hình thực tế của di tích, việc tu bổ, tôn tạo sẽ được xây dựng kế hoạch cụ thể để trình các cấp có thẩm quyền cấp phép và thực hiện đúng theo các văn bản chỉ đạo của tỉnh và của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Nhờ vậy, người dân và du khách tích cực cung tiến, công đức, đóng góp tu bổ, tôn tạo di tích ngày càng khang trang. 

 
 
Lễ hội Đền Tranh 

Chùa Hưng Long (xã Vĩnh Hoà) được công nhận di tích cấp tỉnh năm 2010, trải qua thời gian dài, một số hạng mục tại di tích đã xuống cấp. Đặc biệt trong thời gian gần đây, công trình nhà Mẫu với 13 gian, đã bị sập mái một gian rồi lan ra nhiều gian, người dân và chính quyền xã đã hỗ trợ cố định khu vực mối mọt để tránh hư hại thêm. Với tình hình cấp bách, chính quyền xã đã nhanh chóng xây dựng hồ sơ, kế hoạch trình các cấp có thẩm quyền cho phép tu bổ, tôn tạo di tích, đồng thời cùng sư trụ trì phối hợp vận động nhân dân đóng góp kinh phí tu bổ, tôn tạo. Đến nay, nhân dân địa phương đã đóng góp trên 1,5 tỷ đồng để khởi công công trình, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm nay.

Nhiều di tích khác trên địa bàn huyện cũng nhận được sự quan tâm, đầu tư tu bổ, tôn tạo và sự hưởng ứng tích cực từ nhân dân trong công tác xã hội hoá như: Đình Đỗ Xá (xã Ứng Hoè), chùa Sùng Ân (xã Đông Xuyên), Đền thờ Khúc Thừa Dụ (xã Kiến Quốc), chùa Trông (xã Hưng Long), đình Trịnh Xuyên (xã Nghĩa An), Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (xã Hồng Thái)...

Ông Nguyễn Duy Dương, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ninh Giang cho biết: Huyện Ninh Giang có trên 300 di tích, trong đó có 29 di tích được xếp hạng, với 10 di tích cấp Quốc gia và 19 di tích cấp tỉnh; các di tích còn lại đã được kiểm kê. Hầu hết các di tích trên địa bàn huyện đều có niên đại lâu năm nên mang  giá trị lớn về văn hóa, lịch sử. Do vậy, việc bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa các di tich trên địa bàn huyện được đặc biệt quan tâm.

Những năm qua, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện đã tham mưu cho UBND huyện ban hành các văn bản quản lý Nhà nước đối với các di tích, có sự chỉ đạo chặt chẽ trong công tác quản lý Nhà nước, an ninh trật tự đối các di tích lịch sử - văn hóa.

Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân về ý nghĩa của di tích, di sản, về việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích được chú trọng. Ban Quản lý di tích, các cấp chính quyền và đoàn thể từ huyện đến cơ sở thường xuyên phối hợp triển khai với nhiều hình thức.

Đối với các di tích, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện đã hướng dẫn xây dựng nội quy, quy chế di tích; về thực hiện nếp sống văn minh tại các di tích lịch sử - văn hóa, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường. Hiện tất cả các di tích đều đã thành lập Ban quản lý, xây dựng được Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban quản lý di tích phù hợp với điều kiện thực tế ở từng địa phương.

Công tác bảo tồn các hiện vật cổ còn lưu giữ trong di tích cũng được tăng cường. Được sự quan tâm của các cấp, các ngành cùng với nguồn vốn xã hội hóa, nhiều di tích đã được tu bổ tôn tạo. Với di tích xuống cấp, khi có nguyện vọng trùng tu, tôn tạo, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện đã hướng dẫn về các quy trình hồ sơ trình cấp thẩm quyền theo đúng quy định.

Tại các công trình tu bổ di tích, Chủ tịch UBND xã được giao làm chủ đầu tư để gắn trách nhiệm với cá nhân cụ thể. Phòng Văn hóa – Thông tin huyện cũng luôn phối hợp chặt chẽ với các đơn vị khác cùng ngành văn hóa để kịp thời trong việc phát hiện, đưa ra phương án xử lý kịp thời với các di tích trên địa bàn.

Phát huy giá trị di tích gắn với du lịch và tổ chức lễ hội

Cùng với những hoạt động bảo vệ, trùng tu, tôn tạo di tích, những năm qua, việc phát huy giá trị của di tích lịch sử, văn hóa cũng được huyện Ninh Giang quan tâm. Trong đó, phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch và lễ hội là giải pháp được địa phương ưu tiên thực hiện.

Hiện trên địa bàn huyện có trên 200 lễ hội truyền thống được tổ chức theo định kỳ hàng năm. Một số lễ hội lớn gắn với các di tích đã được xếp hạng thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia như: Lễ hội đền Tranh - xã Đồng Tâm, Lễ hội đình Trịnh Xuyên - xã Nghĩa An và Lễ hội chùa Trông - xã Hưng Long... Trong đó lễ hội đình Trịnh Xuyên đã được Bộ VHTTDL ký Quyết định ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2015. Các trò chơi dân gian cũng được đưa vào lễ hội nhằm bảo tồn các giá trị di sản văn hoá cũng như góp phần làm tăng sức hấp dẫn cho lễ hội như: pháo đất, vật dân tộc, kéo co, cờ người...

Để tổ chức tốt các lễ hội, phòng VHTT có văn bản chỉ đạo, phối hợp với các ngành chức năng trong công tác tổ chức. Các địa phương khi tổ chức lễ hội phải xây dựng kịch bản, kế hoạch tổ chức cụ thể gửi phòng VHTT huyện phê duyệt. Đồng thời phòng VHTT cũng phối hợp với địa phương chấn chỉnh, kịp thời dẹp bỏ các hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc, chèo kéo... tại các lễ hội.

UBND huyện cũng giao cho phòng VHTT, phòng GDĐT huyện phối hợp với Sở VHTTDL tổ chức thực hiện chương trình "Giáo dục di sản văn hoá trong nhà trường". Theo định kỳ, giáo viên tại các trường đưa học sinh đến quét dọn, vệ sinh kết hợp với dã ngoại, sinh hoạt tìm hiểu về di tích lịch sử địa phương để làm phong phú thêm bài học trên lớp và giáo dục truyền thống cách mạng của quê hương. Qua đó, giúp học sinh nhận thức được giá trị của các di tích lịch sử, văn hóa để cùng chung tay bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống.

 
Học sinh trườngTrường Tiểu học xã Nghĩa An tìm hiểu về di tích đình Trịnh Xuyên thông qua chương trình "Giáo dục di sản văn hoá trong nhà trường" năm 2019 

Theo ông Nguyễn Thành Vạn, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Giang, loại hình du lịch tìm hiểu danh nhân, tham quan di tích lịch sử đang là lợi thế của huyện, hiện đã và đang được khai thác tốt. Những năm gần đây, huyện đã phối hợp với Sở VHTTDL, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành tổ chức nhiều tour du lịch trải nghiệm hấp dẫn và mang ý nghĩa giáo dục lịch sử, thu hút hàng vạn lượt khách tham quan ở các di tích như: Đền Tranh, Đền thờ Khúc Thừa Dụ, Khu tượng đài Bác Hồ xã Hiệp Lực, chùa Trông, phường múa rối nước xã Hồng Phong... Cùng với đó, huyện cũng tích cực phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí, Sở VHTTDL in ấn, phát hành 15.000 tờ gấp, quảng bá về tiềm năng du lịch gắn với di tích trên địa bàn, góp phần tăng sức hấp dẫn tới du khách trong và ngoài nước.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn huyện Ninh Giang vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn. Kinh phí Nhà nước cấp cho việc tu bổ, tôn tạo di tích còn hạn chế, mỗi năm chỉ được cấp kinh phí tu bổ cho một di tích, ở mức thấp, nên chủ yếu phải dựa vào nguồn lực xã hội hoá, rất khó khăn cho các di tích nhỏ, chưa được xếp hạng. Ở một số địa phương, lãnh đạo cấp xã nhận thức pháp luật về Di sản văn hoá còn chưa đầy đủ, trách nhiệm trong việc bảo tồn giá trị di sản văn hoá chưa cao; việc rà soát sự xuống cấp của di tích, nhất là di tích Phật giáo còn phó thác cho sư trụ trì nên dẫn tới một số nơi sư trụ trì tự ý tu bổ, cơi nới di tích không có kế hoạch, không theo kiến trúc và tiếp nhận công đức bằng hiện vật chưa chọn lọc...

"Xác định bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa là nhiệm vụ của chính quyền các cấp và của mỗi người dân. Trong thời gian tới, huyện sẽ nâng cao trách nhiệm trong việc xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các nội dung liên quan đến việc bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn. Đồng thời tăng cường liên kết, phối hợp với các ngành có liên quan, các địa phương để tuyên truyền đến người dân ý thức thực hiện việc bảo tồn và phát huy giá trị các di tích" - ông Nguyễn Thành Vạn, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Giang cho biết.

Bên cạnh đó, UBND huyện giao cho phòng VHTT phối hợp với các địa phương thường xuyên khảo sát các di tích để kịp thời lập hồ sơ đề nghị xếp hạng đối với các di tích đủ điều kiện; kịp thời khảo sát, xây dựng kế hoạch để bố trí kinh phí thực hiện công tác tu bổ, tôn tạo đối với các di tích đã xếp hạng bị xuống cấp; phát hiện và có giải pháp thực hiện tu bổ, sửa chữa đối với các di tích chưa được xếp hạng đã xuống cấp; kiểm tra và xử lý các trường hợp xâm chiếm di tích. Đồng thời chú trọng tăng cường huy động các nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là kinh phí từ xã hội hóa, huy động nguồn lực từ nhân dân để thực hiện tốt công tác bảo vệ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa của địa phương.

Trường Thành 

Các tin mới hơn
Một số hình ảnh Lễ rước nước tại Lễ hội chùa Nhẫm Dương năm 2024(13/04/2024)
Hội hưu trí ngành Văn hóa - Thông tin tổ chức gặp mặt đầu Xuân(22/02/2024)
Linh thiêng hội Xuân Côn Sơn(21/02/2024)
Kinh Môn: Khai hội Xuân Giáp Thìn 2024 (18/02/2024)
Bình Giang: Lần đầu tổ chức Hội chợ hoa Xuân chào năm mới 2024(30/01/2024)
Các tin cũ hơn
Gần 300 học viên tham gia tập huấn kỹ năng quản lý nhà nước về mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm(05/11/2020)
Bầu 52 đồng chí vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025(27/10/2020)
Ra mắt Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025(27/10/2020)
Khai mạc Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025(27/10/2020)
Ngày làm việc thứ nhất Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020- 2025(26/10/2020)
Điểm du lịch
Khu trải nghiệm Côn Sơn: Điểm đến mới lạ, độc đáo, hấp dẫn du khách
Hướng đến Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2023, Khu trải nghiệm Côn Sơn (Côn Sơn Camping) chính thức khai trương đón chào du khách đến tham quan, trải nghiệm và tận hưởng không gian xanh mát tại Côn Sơn Camping.
Tìm kiếm
Liên kết website
na
na
na
na
na
http://dochoi.haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín