Văn hóa
Lý Dương nỗ lực phấn đấu trở lại danh hiệu Làng văn hóa

Trong thời kỳ đầu triển khai phong trào xây dựng Làng văn hóa (LVH), có một thực tế nhiều huyện có số làng phát triển khá đồng đều, chỉ việc “áp” tiêu chuẩn để công nhận LVH. Song ở một số huyện trong tỉnh, tỷ lệ xã “trắng” về LVH vẫn khá cao do còn nhiều hạn chế. Để khích lệ, phát triển phong trào, vì mục tiêu xây dựng một môi trường văn hóa lành mạnh, Ban chỉ đạo “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) tỉnh vẫn kiểm tra và công nhận không ít làng còn có những hạn chế (không thuộc tiêu chí cứng) để có cơ sở cho cán bộ và nhân dân khắc phục hạn chế xây dựng quê hương phù hợp định hướng nông thôn mới (NTM) phát triển bền vững. Làng Lý Dương, xã Vĩnh Hồng, huyện Bình Giang là một làng trong số đó.

Làng Lý Dương xã Vĩnh Hồng, là một trong những làng được UBND tỉnh công nhận là LVH từ rất sớm, năm 1996. Sau khi được nhận Bằng danh hiệu LVH, thôn đã không có kế hoạch duy trì danh hiệu, do đó cán bộ và nhân dân chưa chú trọng khắc phục những hạn chế tồn tại trước đó như: công tác vệ sinh môi trường ở một số điểm không đảm bảo; không ít hộ gia đình trong thôn vẫn sử dụng hố xí chưa hợp vệ sinh, thải trực tiếp ra ao, hồ… làm ảnh hưởng đến môi trường sống của nhân dân; đường giao thông nội thôn vẫn chất liệu đá cộn chưa được cứng hóa theo quy định. Nghiêm trọng hơn, trong thôn để xảy ra tình trạng người dân khiếu kiện kéo dài, vượt cấp làm mất an ninh trật tự địa phương… Năm 2002, sau khi Đoàn kiểm tra LVH của tỉnh về kiểm tra và kết luận về những vi phạm, khuyết điểm trên, UBND tỉnh đã ra quyết định xóa danh hiệu, thu hồi Bằng LVH Lý Dương.

Về Lý Dương hôm nay, chúng tôi cảm nhận được một làng quê yên bình, đang trên đường đổi mới, nhà cao tầng mọc lên san sát; sải bước trên con đường chuẩn NTM, rộng thoáng có hệ thống thoát nước hoàn chỉnh, xa xa những thửa ruộng lớn với màu xanh mướt của lúa đang “thì con gái”. Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Ngô Đức Tuấn vừa đưa chúng tôi đi thăm làng, vừa kể về những nỗ lực của thôn khi phấn đấu trở lại danh hiệu LVH: Lý Dương hiện có hơn 430 hộ với trên 1.300 nhân khẩu, là 01 trong 09 thôn của xã Vĩnh Hồng. Những năm qua, phong trào TDĐKXDĐSVH trong đó phong trào “xây dựng làng, KDC văn hóa” phát triển cả bề rộng và chiều sâu. Qua phong trào đã tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh, giúp mỗi người dân trong xã có điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc (đến năm 2015 cả 9 thôn của xã Vĩnh Hồng đều được công nhận LVH). Để có được kết quả đó, có sự đóng góp tích cực của Ban vận động xây dựng LVH các thôn, trong đó nổi bật là thôn Lý Dương đã nỗ lực phấn đấu, tích cực phát triển các phong trào và khắc phục những tồn tại, yếu kém trước đây, từng bước hoàn thành các tiêu chí LVH.

 

 

Cổng Làng văn hóa Lý Dương.

 

Việc đầu tiên là giải quyết vấn đề khiếu kiện đông người, bảo đảm an ninh trật tự làng, xóm: Sau giải trình của chính quyền xã, thôn, cấp trên đã cử đoàn thanh tra vụ việc và sớm có kết luận đảm bảo sự nghiêm minh của luật pháp và hợp lòng dân. Người dân trong thôn đã yên ổn làm ăn không tụ tập, a dua theo các phần tử xấu kích động, khiếu kiện đông người. Đồng thời tạo điều kiện cho nhân dân được tham gia giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ ở thôn với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, lắng nghe, tiếp thu và giải quyết kịp thời, hiệu quả những ý kiến, kiến nghị, góp ý của nhân dân; phối hợp với công an xã vận động từng hộ ký cam kết thực hiện các biện pháp xây dựng “Làng an toàn”. Vì vậy nhiều năm liền thôn được công nhận là làng, KDC an toàn về an ninh trật tự, nhiều năm không để xảy ra các vụ việc nghiêm trọng hoặc gây mất an ninh trật tự như: khiếu kiện đông người, trộm cắp, đánh cãi nhau; không có người mắc các tệ nạn xã hội: ma túy, mại dâm, văn hóa phẩm độc hại, phong tục tập quán ổn định, không có biểu hiện mê tín dị đoan.

Cùng với việc ổn định đời sống chính trị, đảm bảo về an ninh trật tự, đời sống kinh tế có những bước phát triển đột phá qua việc mở rộng ngành nghề. Bên cạnh các nghề truyền thống như: mộc, cơ khi, thợ nề, nay mở mang các dịch vụ dân sinh, người trẻ làm công ty và đi xuất khẩu lao động, do đó thu nhập hằng năm đều tăng, năm 2015 là 33,8 triệu đồng/người/năm đến nay đã đạt trên 40 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ người trong độ tuổi lao động có việc làm luôn đạt trên 97%. Tỷ lệ hộ nghèo dưới 2%, thôn không còn nhà tạm, nhà tranh tre, thay vào đó là nhà kiên cố, cao tầng. Hưởng ứng phong trào xây dựng NTM, 100% các hộ gia đình đăng ký tham gia, hiến đất, đóng góp sức người, sức của cùng với hỗ trợ 20% kinh phí của Nhà nước để xây dựng công trình hạ tầng nông thôn đã góp phần làm cho thôn hoàn thành sớm việc dồn điền, đổi thửa, 100% đường làng, ngõ xóm được đổ bê-tông và đường nội đồng cũng được cứng hóa từ số tiền đóng góp 250 nghìn đồng/sào của người dân.

Đời sống ổn định, người dân tích cực tham gia phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao, thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa: thôn có Nhà văn hóa rộng 220 m2 nằm trong khuôn viên hơn 1.300 m2, được trang bị đầy đủ thiết bị như: âm thanh, loa máy, quạt, bàn ghế, tủ sách… đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt thường xuyên của 02 đội văn nghệ với gần 50 thành viên, 3 CLB: dưỡng sinh, thơ, dân vũ với hàng trăm hội viên sinh hoạt đều đặn hàng tuần; tủ sách với hàng trăm cuốn được mở cửa đón độc giả đến đọc đều đặn 02 buổi/ tuần; sân vận động được xây dựng từ nguồn đất công điền dôi dư sau dồn ô đổi thửa, thôn huy động các nguồn lực trong dân để đổ đất, cát san lấp mặt bằng, sau khi hoàn thành sân có diện tích trên 2.500 m2 đáp ứng được nhu cầu tập luyện và thi đấu bóng đá các lứa tuổi, do đó số người tham gia hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao luôn đạt trên 50%. Việc cưới, việc tang được tổ chức theo nếp sống văn minh trang trọng và tiết kiệm nhưng vẫn giữ được phong tục tập quán địa phương; số vụ tảo hôn không còn, các hủ tục cũng được bãi bỏ. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa được duy trì tốt, đã có trên 90% gia đình đạt gia đình văn hóa trong đó có trên 60% đạt gia đình văn hóa 3 năm liên tục. 100% bà mẹ mang thai và trẻ em dưới 6 tuổi được chăm sóc y tế định kỳ, các ca sinh mới đều có tỷ lệ cân bằng giới tính.

Khắc phục triệt để công tác vệ sinh môi trường: thôn có 01 tổ thu gom rác thải sinh hoạt, thực hiện 02 lần/tuần, người dân nghiêm túc chấp hành để rác đúng nơi quy định. Cũng như mọi khi, Nhà nước tiếp tục hỗ trợ 20% kinh phí giao cho các xóm cùng với nguồn đóng góp của người dân xây dựng rãnh thoát nước, cải tạo ao tù, trồng cây xanh… sau khi hoàn thành thôn giao cho các hội, đoàn thể tự quản các tuyến đường nội thôn, đoàn thanh niên tổ chức thu gom vỏ chai, lọ thuốc bảo vệ thực vật ngoài đồng tạo môi trường xanh – sạch – đẹp từ trong làng ra đến đồng. 100% hộ dân được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; nhà tắm, nhà vệ sinh đảm bảo tiêu chuẩn.

Cùng với việc đẩy mạnh công tác XHH để xây dựng cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa, thể thao và vận động người dân xây dựng các công trình dân sinh phù hợp với nếp sống văn minh. Công tác quan tâm chăm sóc gia đình chính sách, người có công với cách mạng và khuyến học, khuyến tài được cán bộ và nhân dân trong thôn đặc biệt quan tâm. Hằng năm, nhân dân đóng góp qũy văn hóa – xã hội được hàng chục triệu đồng, đáp ứng nhu cầu thăm hỏi các gia đình chính sách vào các dịp lễ, Tết. Hiện thôn không còn gia đình có công có mức sống dưới mức bình quân chung của huyện. Bên cạnh đó cán bộ và nhân dân trong thôn tích cực tham gia hưởng ứng các phong trào như: giúp đỡ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt; nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật… Thôn có chi hội khuyến học, các dòng họ có ban khuyến học, quỹ khuyến học của thôn hiện có trên 30 triệu đồng dành thưởng cho các cháu có thành tích xuất sắc trong học tập và thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng.

Với những thành tựu đạt được, năm 2014 Lý Dương đăng ký xây dựng LVH. Qua công tác kiểm tra, Đoàn kiểm tra của Ban chỉ đạo “TDĐKXDĐSVH” huyện Bình Giang đánh giá cao sự nỗ lực phấn đấu của thôn trong những năm qua, các tiêu chí để được công nhận danh hiệu LVH đều đạt, có nhiều tiêu chí vượt. Đầu năm 2015, Lý Dương chính thức được UBND huyện Bình Giang công nhận là LVH.

Qua trường hợp của LVH Lý Dương cũng như một số LVH khác trong tỉnh bị xóa danh hiệu, thu hồi bằng cho ta một bài học kinh nghiệm. Sau khi thôn được công nhận LVH, xã phải chỉ đạo thôn xây dựng kế hoạch duy trì, phát huy danh hiệu LVH và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc. Cùng với đó BCĐ xã cũng phải thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân trong thôn về ý nghĩa của việc xây dựng và được công nhận danh hiệu LVH. Qua đó xây dựng niềm tự hào và ý thức duy trì phát huy danh hiệu. Việc làng Lý Dương phấn đấu trở lại và được công nhận danh hiệu LVH là hoàn toàn xứng đáng, vì chính quyền và nhân dân nơi đây sớm nhận thức được lợi ích và tác dụng của LVH đối với việc nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho người dân và xây dựng NTM.

Xây dựng và duy trì danh hiệu LVH là phong trào mang tính toàn dân, toàn diện và lâu dài, do vậy chính quyền cơ sở cũng cần biết tập hợp, khơi dậy và phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn dân. Ở địa phương nào lãnh đạo có tầm nhìn về công tác VH-XH và có kế hoạch triển khai hiệu quả, luôn đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động, đồng thời quan tâm đến nhu cầu, nguyện vọng, đời sống của nhân dân thì nơi đó phong trào được giữ vững và phát triển mạnh mẽ. Còn LVH Lý Dương qua việc phấn đấu khắc phục hạn chế để được “tái” công nhận LVH sẽ có thêm kinh nghiệm về việc duy trì phát huy danh hiệu, qua đó tiếp tục phấn đấu vươn lên xây dựng quê hương thành điểm sáng trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa, phù hợp định hướng xây dựng NTM phát triển bền vững của xã Vĩnh Hồng nói riêng và huyện Bình Giang nói chung.

           Bá Giang

Các tin mới hơn
Một số hình ảnh Lễ rước nước tại Lễ hội chùa Nhẫm Dương năm 2024(13/04/2024)
Hội hưu trí ngành Văn hóa - Thông tin tổ chức gặp mặt đầu Xuân(22/02/2024)
Linh thiêng hội Xuân Côn Sơn(21/02/2024)
Kinh Môn: Khai hội Xuân Giáp Thìn 2024 (18/02/2024)
Bình Giang: Lần đầu tổ chức Hội chợ hoa Xuân chào năm mới 2024(30/01/2024)
Các tin cũ hơn
Thành phố Hải Dương tổ chức chương trình văn nghệ chào mừng Đại hội Đảng bộ thành công(08/06/2020)
Trung tâm Văn hoá - Thông tin - Thể thao huyện Nam Sách Nâng cao chất lượng hoạt động (08/06/2020)
Cẩm Giàng: Khai giảng lớp bồi dưỡng hát chèo, hát dân ca năm 2020(08/06/2020)
Nhiệt huyết của những nghệ sĩ trẻ(02/06/2020)
Khai mạc triển lãm ảnh tư liệu, thời sự, nghệ thuật tỉnh Hải Dương năm 2020(15/05/2020)
Điểm du lịch
Khu trải nghiệm Côn Sơn: Điểm đến mới lạ, độc đáo, hấp dẫn du khách
Hướng đến Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2023, Khu trải nghiệm Côn Sơn (Côn Sơn Camping) chính thức khai trương đón chào du khách đến tham quan, trải nghiệm và tận hưởng không gian xanh mát tại Côn Sơn Camping.
Tìm kiếm
Liên kết website
na
na
na
na
na
http://dochoi.haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín