Gia đình xã hội
Còn không tư tưởng Trọng nam, khinh nữ?

Không ít người là công chức, viên chức sinh con một bề (hai gái) hết tiêu chuẩn, vì “khát” con trai phải đi “cải thiện” ở bên ngoài hoặc bí mật sinh con trai rồi nhận làm con nuôi để che mắt cơ quan, tổ chức, tạo nên bao câu chuyện dở khóc dở cười.

            Nước ta, trải hàng nghìn năm Bắc thuộc, đạo Khổng (còn gọi đạo Nho) đã ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống văn hóa xã hội. Bên cạnh những mặt tích cực, đạo Khổng cũng bộc lộ những hạn chế, trong đó tư tưởng Trọng nam khinh nữ là một điển hình, thể hiện sinh động qua câu “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” (một nam kể là có, mười nữ kể là không). Người xưa quan niệm “Con gái là con người ta” vì đi lấy chồng, giỗ tết bên nhà chồng. Cũng vì quan niệm trên mà người ta quan tâm đến giới tính (trai hay gái) ngay từ khi trong bào thai. Trong đời sống dân gian, ta có nhiều tín ngưỡng về chuyện sinh trai hay gái, như bụng mẹ tròn thì sinh gái, dẹp lệch về bên trái thì sinh trai (vì trai tay trái, gái tay mặt). Hay khi người mẹ đang đi, bất thần gọi giật, hễ quay trái là con trai, quay phải là con gái. Phụ nữ khi có thai ăn mặn thì sinh con trai, ngọt thì sinh gái. Còn khi hỏi thăm người vừa sinh con, người có chữ hỏi “lộng chương” (viên ngọc – chỉ con trai), hay “lộng ngõa” (viên ngói – chỉ con gái). Còn người nông dân chân lấm tay bùn thì huỵch toẹt “Thằng cu” hay “cái đĩ”? Lớn lên, đến tuổi đi học, người con gái không được đến trường, không được đi thi bởi theo quy định của Nhà nước phong kiến về thi cử: chỉ có nam giới mới được học hành, thi cử, ra làm quan, chỉ có nam giới mới làm chủ lễ cúng bái ở đình làng, cúng lễ gia tiên. Đến tuổi trưởng thành, đời sống người phụ nữ càng bị ràng buộc chặt chẽ của lễ giáo phong kiến với những trói buộc, theo chuẩn mực “Tam tòng”, “tứ đức”. Đến khi lấy chồng, người phụ nữ bị mất tên gọi (người ta gọi người vợ theo tên của chồng), phải quán xuyến công việc nhà chồng. Nếu lấy chồng mà không sinh con hay có ác tật là hai trong bảy tội (thất xuất) bị đuổi khỏi nhà chồng. Còn đàn ông lấy vợ mà không sinh được con trai thì bị coi là “đại bất hiếu”. Những người phụ nữ không sinh được con trai đôi khi phải ngậm ngùi cho chồng “nạp thiếp” (lấy vợ lẽ) hoặc chủ động lấy vợ lẽ cho chồng để rồi âm thầm chịu cảnh “kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng”. Cảm thương cho thân phận người phụ nữ thời phong kiến, Đại thi hào Nguyễn Du đã phải thốt lên “Đau đớn thay phận đàn bà!”. Lý giải về tư tưởng trọng nam khinh nữ, có ý kiến cho rằng con trai đáp ứng được công việc nặng nhọc của nhà nông; lại có ý kiến cho rằng do phong tục thờ cúng tổ tiên nên cần sinh con trai để có người hương khói, nối dõi tông đường.

 
Ảnh minh họa 

          Thân phận người phụ nữ chỉ thật sự được thay đổi khi dân tộc ta đập tan xiềng xích của chế độ thực dân phong kiến, giành độc lập vào tháng 8 năm 1945. Tiếp đến hành trình gần 60 năm đất nước tiến hành Kế hoạch hóa gia đình (kể từ Quyết định 216/CP năm 1961 của Chính phủ về việc “sinh đẻ có hướng dẫn”), mà tinh thần chủ đạo là: sinh sản có kế hoạch, góp phần cải thiện số phận từng người, từng gia đình và cả sự phát triển bền vững của đất nước. Chỉ cần qua một con số so sánh: những năm 1965 – 1969, tính đến hết độ tuổi sinh đẻ, trung bình mỗi phụ nữ có gần 7 con thì hiện nay, mô hình “gia đình 2 con” đã trở nên khá phổ biến. Cho thấy qua các cuộc vận động, nhận thức của người dân về vấn đề phân biệt giới đã có thay đổi. Phụ nữ ngày nay đang khẳng định vai trò bình đẳng với nam giới hầu như trên tất cả các lĩnh vực. Rất nhiều người thành đạt, trở nên nổi tiếng trên những lĩnh vực xưa chỉ dành cho nam giới. Ngày nay ai còn dám nói phụ nữ “đái không qua ngọn cỏ” khi trong bộ máy chính quyền, phụ nữ được cơ cấu đạt tỉ lệ 25%. Tuy vậy quan niệm và cách nghĩ phong kiến xưa vẫn tồn tại trong xã hội hiện đại dù ngày nay vị thế người phụ nữ đã được nâng lên rất nhiều. Đời sống xã hội hôm nay có biết bao gia đình tan vỡ vì người vợ không sinh được con trai nối dõi tông đường cho gia đình nhà chồng. Không ít người là công chức, viên chức sinh con một bề (hai gái) hết tiêu chuẩn, vì “khát” con trai phải đi “cải thiện” ở bên ngoài hoặc bí mật sinh con trai rồi nhận làm con nuôi để che mắt cơ quan, tổ chức, tạo nên bao câu chuyện dở khóc dở cười. Người viết bài trong một cuộc đi kiểm tra Làng văn hóa đã từng chứng kiến một ông ở tuổi ngoại “tri thiên mệnh” nhưng đã có tới… 7 cô con gái, vợ tiếp tục mang thai, sau khi đưa vợ đi siêu âm giới tính, anh nói với tôi mà như mếu: “Nguyễn y vân” anh ạ! Hỏi: sao anh “khát nước” thế? Được trả lời: vì em là Trưởng tộc! Gặp những trường hợp “ngoan cường” như vậy, xã cũng đành “bó tay.com”. Cũng chủ đề sinh con nối dõi. Giữa những năm 2000 khi chúng tôi gửi “dự thảo tiêu chuẩn công nhận Làng văn hóa duy trì phát huy tốt danh hiệu” xuống các huyện, thành phố xin ý kiến thì nhận được ý kiến phản hồi: “tiêu chuẩn không có gia đình sinh con thứ 3” là khó thực hiện nhất. Ngày nay bé trai sinh ra được gọi là “quý tử”, bé gái bị gọi là “thị mẹt”, là “vịt giời” “bé thì ăn hại lớn thì bay đi”; đàn ông không sinh được con trai thì phải ngồi mâm dưới, là xây nhà “từ thiện”… Mới vừa đây tôi được nghe câu chuyện của hai cô bạn cùng đang mang bầu. Một cô vẻ hân hoan “Mình vừa đi siêu âm 3D, con trai rồi. Nhẹ cả người!”. Còn cô kia lộ vẻ thất vọng “còn mình thì lại “vịt giời”. Rồi đây mẹ chồng tha hồ ra lườm, vào nguýt”.

 
Ảnh minh họa 

          Song có lẽ cái đọng lại trong tâm trí chúng ta nhất là hình ảnh hai đội Tuyển bóng đá nam và nữ trở về sau giải đấu. Đội tuyển bóng đá nam được chào đón như những người hùng trong rợp trời cờ hoa và sự phấn khích cao độ của quần chúng yêu bóng đá (đôi khi thái quá). Trong khi đội tuyển nữ trở về trong âm thầm lặng lẽ. Thế mà tìm hiểu ra thì đội tuyển bóng đá nữ có tới 06 lần vô địch Seagame, còn đội tuyển bóng đá nam chỉ có một lần. Thật là một nghịch cảnh?! Qua đó cho thấy câu chuyện trọng nam khinh nữ vẫn là chủ đề “nóng” thời hiện đại. Tư tưởng trọng nam khinh nữ tác động tiêu cực đến đời sống xã hội thế nào, chúng ta đã rõ. Kết quả tổng điều tra dân số năm 2019, ở khu vực Đồng bằng sông Hồng, tỉ lệ bé trai là 115,5/100 bé gái, thuộc diện cao nhất cả nước; tỉ lệ đó đã nói lên tình trạng mất cân bằng giới tính hiện nay. Và qua tìm hiểu tại một số cơ sở y tế cho thấy ngày nay tỉ lệ phá thai, nhất là khi siêu âm giới tính biết là thai con gái vẫn rất cao. Tình trạng nạo, phá thai khá phổ biến sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe sinh sản cộng đồng. Tư tưởng trọng nam khinh nữ là một trong những nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình, làm gia đình tan vỡ. Cái hại của tư tưởng trọng nam khinh nữ thì đã rõ nhưng nhận thức được vấn đề không phải chuyện đơn giản bởi những đối tượng “khát” sinh con nối dõi tông đường phần nhiều là những người lao động phổ thông thuần túy, đôi khi không có nghề nghiệp, công ăn việc làm ổn định. Còn tầng lớp trí thức ngày nay nhìn chung không đặt nặng vấn đề nhất thiết phải có con trai để sau này có người hương khói. Việt Nam ta đang hội nhập sâu vào chương trình “Toàn cầu hóa” và nền kinh tế thị trường. Thuận lợi cũng nhiều và thách thức cũng lắm. Những tác động đó đều ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống mỗi gia đình. Trong điều kiện xã hội như vậy lại thấy quan điểm của người xưa về giới tính “Trai mà chi, gái mà chi, ăn ở có nghĩa, có nghì là hơn” còn nguyên giá trị trong đời sống xã hội hiện đại. Ngày nay việc sinh nhiều con không còn là “phúc” nữa mà đôi khi là “họa”. Năm 2019, Việt Nam công bố đang ở thời kỳ cơ cấu “Dân số vàng” (chắc là dựa trên số công dân đang ở độ tuổi lao động cao). Nhưng lực lượng lao động của chúng ta hiện nay chất lượng như thế nào được thể hiện khá rõ trong một dẫn chứng sinh động của một đại biểu Quốc hội, rằng hiện nay ở Việt Nam có hàng nghìn công dân Hàn Quốc đang sinh sống và làm việc. Và cũng có hàng nghìn người Việt đang bươn chải mưu sinh ở xứ sở Kim Chi. Nhưng cái làm nên sự khác biệt là hàng nghìn người Hàn Quốc ở Việt Nam phần lớn là giới chủ thuộc các ngành nghề kinh doanh khác nhau. Thị trường nhân công giá rẻ đang thu hút các ông chủ xứ Hàn; còn hàng nghìn người Việt Nam ở Hàn Quốc chủ yếu là đi làm thuê. Qua câu chuyện trên cho thấy chuyện sinh trai hay gái ngày nay phải nằm trong nhận thức của các cặp đôi đang trong độ tuổi sinh sản vì mục tiêu nâng cao chất lượng công dân. Ngày nay nước ta đang bước vào thời đại cách mạng công nghệ 4.0, của nền kinh tế tri thức rất cần có một đội ngũ trí thức, những người có “chất xám ưu việt” để vận hành. Việt Nam có trở thành “rồng”, thành “hổ” trong tương lai chắc chắn phải nhờ vào lực lượng này. Vậy thì vấn đề phân biệt giới tính cần phải được nhận thức, điều chỉnh cùng một số hạn chế khác, nếu không Việt Nam sẽ trở thành quốc gia lạc hậu chậm phát triển trong khu vực và thế giới.

Nguyễn Tiến Quang

Các tin mới hơn
Gần 300 học viên tham dự lớp bồi dưỡng công tác nếp sống văn hoá và gia đình năm 2023(24/10/2023)
Hội thi Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững tỉnh Hải Dương năm 2023(04/07/2023)
Gần 250 học viên tham gia lớp tập huấn nghiệp vụ về công tác gia đình(19/08/2022)
Lê Văn Ưu – “Nghệ sĩ” sân khấu không chuyên(02/08/2022)
Lưu giữ phong tục Tết xưa(28/01/2022)
Các tin cũ hơn
Tứ Kỳ- Gắn phong trào xây dựng gia đình văn hoá với phòng chống BLGĐ(02/06/2020)
Ninh Giang: Tổng kết 10 năm thi hành Luật phòng chống Bạo lực gia đình(24/01/2019)
Tập huấn nâng cao năng lực quản lý nhà nước về công tác gia đình năm 2018 (20/01/2019)
150 học viên tham gia tập huấn công tác tư vấn, hòa giải, trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình năm 2016(08/01/2019)
Hội thi câu lạc bộ xây dựng Gia đình hạnh phúc(08/01/2019)
Điểm du lịch
Khu trải nghiệm Côn Sơn: Điểm đến mới lạ, độc đáo, hấp dẫn du khách
Hướng đến Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2023, Khu trải nghiệm Côn Sơn (Côn Sơn Camping) chính thức khai trương đón chào du khách đến tham quan, trải nghiệm và tận hưởng không gian xanh mát tại Côn Sơn Camping.
Tìm kiếm
Liên kết website
na
na
na
na
na
http://dochoi.haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín