Văn hóa cơ sở
Để Bảo tàng tỉnh trở thành điểm du lịch hấp dẫn

Trong những năm gần đây, Bảo tàng tỉnh Hải Dương đã trở thành một địa điểm khá hấp dẫn đối với người dân, đặc biệt là học sinh các lứa tuổi. Sức hấp dẫn không chỉ ở nội dung và hình thức trưng bày về lịch sử, văn hóa mà còn thông qua nhiều hoạt động trải nghiệm, bảo tồn di sản văn hóa một cách sống động và đa dạng.

Nhiều hoạt động hấp dẫn

Là nơi lưu giữ trên 50.000 tư liệu, hiện vật với nhiều chất liệu khác nhau như: đồ đồng, đồ gốm, đồ đá, đồ gỗ, giấy... Trong đó phải kể đến các hiện vật quý như: Trống đồng Hữu Chung thuộc văn hóa Đông Sơn (được công nhận là Bảo vật quốc gia), bộ sưu tập gốm Cù Lao Chàm, gốm Chu Đậu, súng thần công, tháp mộ Huyền Quang, mộ thuyền, mộ Hán... Với nguồn tư liệu, hiện vật quý giá này, Bảo tàng tỉnh đã tổ chức hàng trăm cuộc trưng bày với nhiều nội dung phong phú, mang ý nghĩa giáo dục truyền thống lịch sử, thu hút ngày càng nhiều nhân dân và du khách tới tham quan, nghiên cứu. Cùng với việc tổ chức các đợt trưng bày theo kế hoạch giao hàng năm, Bảo tàng tỉnh còn phối hợp với một số Bảo tàng các tỉnh, thành phố và nhà sưu tập tư nhân tổ chức trưng bày các chuyên đề khác tại Bảo tàng mang lại hiệu quả cao.

Không chỉ dừng lại ở việc tổ chức trưng bày, nhằm tăng sức hút tới du khách, từ năm 2017 đơn vị đã đưa các hoạt động trải nghiệm như làm gốm, làm cốm, xay lúa, giã gạo...; tổ chức các trò chơi dân gian như: nhảy bao bố, bịt mắt đánh trống, chơi ô ăn quan, bắt chạch trong chum, đi cầu cạn… Ngoài ra, vào các ngày Lễ, Tết, Bảo tàng luôn có các chương trình trải nghiệm đặc biệt hướng về nguồn cội như: Gói bánh chưng dịp Tết Nguyên đán, làm bánh trôi, bánh chay nhân ngày Tết Thanh minh mùng 3 tháng Ba ...

          Từ thành công của các cuộc trưng bày và những hoạt động trải nghiệm hấp dẫn, Bảo tàng tỉnh đã và đang là điểm đến của ngày càng nhiều người, trở thành một thiết chế văn hóa giáo dục thiết thực, tốt đẹp về truyền thống lịch sử. Trong những năm gần đây, lượng khách tới tham quan, nghiên cứu, học tập ngày một tăng cao. Như năm 2017 lượng khách tham quan là 16.500 lượt, trong đó có 13.400 học sinh, sinh viên (tăng 60% so với 2016); Năm 2018, lượng khách tham quan là 16.700 lượt, trong đó là 14.500 học sinh, sinh viên (tăng 8% so với năm 2017). Trong năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Bảo tàng vẫn duy trì mở cửa, thuyết minh, tuyên truyền phục vụ những đoàn khách nhỏ lẻ tham quan, trải nghiệm. Nhờ vậy, Bảo tàng vẫn đón khoảng 3.500 lượt khách trong năm.

 
 
Đoàn trọng tài quốc tế, HLV, VĐV tham dự môn Bóng bàn SEA Games 31 tại Hải Dương  
tham quan và trải nghiệm tại Bảo tàng tỉnh
 

          Chị Nguyễn Cẩm Hà (thị trấn Lai Cách, Cẩm Giàng) cho biết: “Trước đây tôi thường phải đưa con đi các tỉnh thành khác như Hà Nội, Hải Phòng để cháu có thể tham gia các hoạt động trải nghiệm. Nhưng lần này qua việc được giới thiệu từ một trang fanpage thấy có nhiều hoạt động bổ ích tại Bảo tàng tỉnh nên tôi cùng một số gia đình đưa các con đến. Sau khi được tham quan và tham gia các trải nghiệm, trò chơi dân gian, các cháu thấy rất vui và thích. Nên khi có thời gian rảnh tôi sẽ tiếp tục đưa con trở lại đây”.

          Tính từ năm 2015 đến hết năm 2021 đã có 58 trường học các cấp từ mầm non đến Đại học, các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm Kỹ năng sống trên địa bàn tỉnh đến tham quan, trải nghiệm và học tập tại Bảo tàng, trong đó nhiều trường đã chọn Bảo tàng tỉnh trở thành nơi tổ chức các hoạt động ngoại khóa thường niên… đã góp phần làm tăng sức sống mới cho Bảo tàng tỉnh.

          Để có được điều này, ngoài việc thường xuyên đổi mới các hoạt động, Bảo tàng còn tích cực trong việc đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền trên website và fanpage của Bảo tàng trên trang mạng xã hội bằng những bài viết và hình ảnh chất lượng. “Chính việc tuyên truyền qua các trang fanpage đã mang lại hiệu quả rất cao trong việc giúp Bảo tàng tiếp cận được tới nhiều người, đặc biệt là các gia đình có con nhỏ. Qua các nội dung tuyên truyền giúp họ thấy được Bảo tàng thật sự là một điểm đến bổ ích, hấp dẫn trong những dịp lễ, Tết hay những ngày cuối tuần” – bà Nguyễn Thị Huê, Giám đốc Bảo tàng tỉnh chia sẻ.

Phát triển gắn với du lịch

Nhìn chung, Bảo tàng tỉnh đã và đang phát huy được vai trò, sứ mệnh của mình như là một “cầu nối” gắn kết giữa quá khứ với hiện tại và tương lai. Những kết quả đó một phần là nhờ trong những năm qua, Bảo tàng đã được các cấp, ngành quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, đặc biệt là chú trọng xây dựng khuôn viên xanh, sạch, đẹp, góp phần thay đổi diện mạo một cách tích cực. Không chỉ quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, lãnh đạo ngành VHTTDL còn quan tâm, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của Bảo tàng. Như trong tháng 4 vừa qua, Sở VHTTDL và Sở GD&ĐT đã tổ chức ký kết chương trình phối hợp tổ chức các hoạt động tham quan, học tập và trải nghiệm cho học sinh trên địa bàn tỉnh. Việc ký kết nhằm cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ VHTTDL, Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh về việc tăng cường công tác phối hợp tổ chức các hoạt động cho học sinh, sinh viên tham quan, nghiên cứu học tập, trải nghiệm… tại Bảo tàng và các di tích lịch sử văn hóa, làng nghề truyền thống, trong đó trọng tâm chính là Bảo tàng tỉnh. Trước đó, trong giai đoạn 2015-2021, việc phối hợp đưa học sinh, sinh viên tới tham quan, nghiên cứu, học tập, trải nghiệm tại Bảo tàng tỉnh đã thu được những kết quả tích cực, tuy nhiên vẫn còn chỉ mang tính tự phát, do các trường học trên địa bàn tự đăng ký với Bảo tàng đưa học sinh đến tham quan, trải nghiệm.

 
 
 Các em học sinh hứng thú với các hoạt động tham quan và trải nghiệm tại Bảo tàng tỉnh

Nhận thức được tầm quan trọng của việc thiết kế các tour đến bảo tàng vừa góp phần làm phong phú sản phẩm du lịch tỉnh nhà vừa quảng bá truyền thống văn hóa, lịch sử, trong dịp Hải Dương đăng cai tổ chức môn Bóng bàn SEA Games 31, ngành VHTTDL đã xây dựng ba tour du lịch miễn phí cho các đoàn trọng tài, huấn luyện viên, vận động viên tham dự. Trong đó, ngành đã xây dựng một tour từ Bảo tàng tỉnh đến Đảo Cò Chi Lăng Nam (huyện Thanh Miện). Tour du lịch đã gây ấn tượng đã gây ấn tượng rất tốt với du khách tham dự, đặc biệt là khi được tham quan và tham gia các hoạt động trải nghiệm đầy hấp dẫn tại Bảo tàng.

Những kết quả đạt được trong hoạt động của Bảo tàng tỉnh thời gian qua là rất đáng ghi nhận. Song để bảo tàng trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút công chúng cần có chiến lược phát triển cụ thể, kết hợp giữa hệ thống trưng bày và hoạt động quảng bá hay nói cách khác cần có sự gắn kết chặt chẽ giữa hoạt động bảo tàng và phát triển du lịch.

Luật Di sản văn hoá đã nêu rõ: “Bảo tàng là nơi bảo quản và trưng bày các sưu tập về lịch sử tự nhiên và xã hội nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, giáo dục, tham quan và hưởng thụ văn hoá của nhân dân”. Cho nên nếu mục đích của các bảo tàng là nơi lưu giữ và truyền lại những giá trị văn hóa cho các thế hệ sau thì việc phát triển các hoạt động du lịch gắn với bảo tàng sẽ góp phần quảng bá và truyền thụ các giá trị văn hóa đó. Từ đó sẽ mang lại lợi ích, có thể hỗ trợ nguồn lực đáng kể cho công tác bảo tồn, mở rộng quy mô và hiện vật trong bảo tàng.

Việc Bảo tàng tỉnh được công nhận là Bảo tàng hạng II năm 2019 và đến tháng 9 năm 2021 Bảo tàng tỉnh được công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh đã mở ra cơ hội tốt để triển khai kế hoạch phát triển du lịch gắn với Bảo tàng.

Trong thời gian tới, để trở thành điểm du lịch hấp dẫn Bảo tàng cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực; cần đổi mới nội dung thuyết minh để tăng sức hút, mức độ cảm thụ và đi sâu vào lòng khán giả; xây dựng các sản phẩm lưu niệm đặc sắc gắn với Bảo tàng như: sản phẩm Trống đồng Hữu Chung thu nhỏ, các sản phẩm gốm nhỏ…; xây dựng cơ sở dữ liệu của toàn bộ tư liệu, hiện vật đang được lưu giữ tại Bảo tàng và cung cấp thông tin song ngữ hoặc đa ngữ chất lượng cao đảm bảo đáp ứng nhu cầu cho du khách trong nước và quốc tế. Ứng dụng công nghệ kĩ thuật 3D, triển lãm mang tính trực quan cao để kích thích trí tưởng tượng cho người xem. Tiếp tục phát huy việc tổ chức đa dạng hóa loại hình hoạt động để tăng sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của công chúng. 

Ngành VHTTDL cũng cần xác định bảo tàng là điểm đến không thể thiếu trong các tour du lịch trong tỉnh, đặc biệt là các tour di sản văn hóa, khoa bảng… tạo cơ sở để các công ty lữ hành xây dựng các tour du lịch có sự tham gia tích cực của Bảo tàng tỉnh.

Nguyễn Trường

Các tin mới hơn
Gần 1.000 đầu sách trưng bày khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc(16/04/2024)
Tiểu học Tân Kỳ hưởng ứng ngày sách và văn hóa đọc(16/04/2024)
Lễ hội truyền thống chùa Nhẫm Dương năm 2024(13/04/2024)
Gặp mặt tuyên dương các “Nghệ sỹ Nhân dân”, “Nghệ sỹ Ưu tú” lần thứ 10 (12/04/2024)
Gia Lộc: Hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam (05/04/2024)
Các tin cũ hơn
Thăm hỏi thân nhân 02 gia đình liệt sỹ(27/07/2022)
Trưng bày chuyên đề “Hải Dương in dấu chân Người”(26/07/2022)
Hiệp hội du lịch tỉnh thăm tặng quà Mẹ Việt Nam Anh Hùng Phạm Thị Gấm(26/07/2022)
Tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ kỷ niệm 60 năm Bác Hồ về thăm Hải Dương(25/07/2022)
14 đội tham gia Liên hoan ca múa nhạc không chuyên huyện Cẩm Giàng năm 2022(21/07/2022)
Điểm du lịch
Khu trải nghiệm Côn Sơn: Điểm đến mới lạ, độc đáo, hấp dẫn du khách
Hướng đến Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2023, Khu trải nghiệm Côn Sơn (Côn Sơn Camping) chính thức khai trương đón chào du khách đến tham quan, trải nghiệm và tận hưởng không gian xanh mát tại Côn Sơn Camping.
Tìm kiếm
Liên kết website
na
na
na
na
na
http://dochoi.haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín