Di sản
Chùa Trăm Gian - Độc đáo ngôi chùa ngàn năm tuổi

Từng là trung tâm Phật giáo lớn, là trường hạ - nơi giảng dạy Phật pháp và đào tạo các tăng - ni khu vực xứ Đông (gồm các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương). Đến nay, trải qua thăng trầm lịch sử, chiến tranh tàn phá và những biến động xã hội, nhưng chùa Trăm Gian vẫn giữ được những nét kiến trúc độc đáo cùng với truyền thuyết về những nhân vật được phối thờ tại di tích.

Truyền thyết ni cô hiển linh sau 200 năm và cụ Tổ Rau

Chùa Trăm Gian - Vĩnh Khánh hay còn gọi là chùa An Ninh, (tên người dân thường gọi) được lấy từ tên gốc là Vãn Lộng Tự, được hình thành từ đời nhà Đinh. Ngôi chùa hiện tọa lạc tại làng An Ninh, xã An Bình, huyện Nam Sách với diện tích gần 18.000m2. Theo cứ liệu lịch sử, quy mô lớn và kiến trúc độc đáo còn lưu giữ được đến ngày nay của chùa Trăm Gian có từ đầu thế kỷ XVII, gắn liền với nhiều truyền thuyết ly kì về các nhân vật được thờ tại di tích.

Theo tài liệu viết bằng chữ Hán - Nôm còn lưu lại trong chùa viết  năm Mậu Tý (1948) đã hé mở đôi chút về sự tích chùa Trăm Gian. Cuốn sách nói về thân thế và Phật nghiệp của ni cô Phạm Toàn - Tổ cô của chùa.

Tương truyền,thời Lý có người con gái tên Phạm Toàn, sắc đẹp nghiêng thành. Năm 20 tuổi bà được vua gọi vào cung, song bà từ chối và trở về quê nhà qui y đạo Phật. Đến năm niên hiệu Long Phù,trời sinh tai biến, dịch bệnh hoành hành, người chết rất nhiều. Bà gia tâm giải hạn, lập đàn niệm chú 7 ngày liền, cứu giúp dân chúng, ai ai cũng biết ơn ân đức của bà. Khi đang dốc tâm tu hành, bà đột ngột qua đời khi tuổi mới tròn 27. Khi ấy, người dân trong vùng tôn sùng bà làm Thánh Mẫu, đồng thời xây lăng tháp đền ân.

 

Sư thầy Thích Tục Phương giới thiệu về những nét kiến trúc độc đáo của chùa Trăm Gian

Vào niên hiệu Trùng Hưng thứ 3 đời vua Trần Nhân Tông, tức năm Đinh Hợi (1287 - 1288), giặc Nguyên sang xâm lược nước ta lần thứ 3. Quan trấn thủ Hồng Châu (tức Hải Dương) tên là Nguyễn Huy Tĩnh, được cử ra chặn đánh đoàn chiến thuyền của Ô Mã Nhi đang tiến vào sông Bạch Đằng. Sau nhiều trận giao tranh không phân thắng bại, ông cho quân lính tạm rút về trú binh tại chùa Vãn Lộng. Tại đây, Nguyễn Huy Tĩnh đã mơ thấy một người con gái tự xưng họ Phạm, là người làng và từng tu ở chùa này, đã tạ thế cách đây 200 năm về trước. Nay nghe tin nước nhà có giặc, nàng xin nguyện phù giúp Tướng quân dẹp tan lũ giặc. Tỉnh dậy, Tướng công lập đàn bái tạ Thần linh rồi tức tốc dẫn đại binh tiếp tục lên đường. Quả nhiên trận đó quân ta đại thắng. Nguyễn Huy Tĩnh hồi binh trở lại làm lễ tạ ơn và mở hội mừng. Nhưng lạ thay giữa giờ Ngọ ngày 21 tháng 12 năm ấy, ông cũng đột ngột qua đời. Vua Trần nghe tin liền sắc chỉ truy phong cho 2 vị âm - dương công thần. Phong ni cô Phạm Toàn là Thượng đẳng phúc thần, tướng quân Nguyễn Huy Tĩnh được phong Trung đẳng phúc thần và sai lập miếu thờ nghìn năm hương hỏa.Lúc này quy mô ngôi chùa còn khiêm tốn.

 Đến năm 1691, thời vua Lê Hy Tông, chùa An Ninh có vị sư trụ trì là Đức Tổ Diệu Quang thuộc Thiền phái Trúc Lâm. Ngài kiêng không ăn 5 thứ ngũ cốc, một ngày chỉ ăn một bìa đậu phụ và hai mớ rau muống vào chính Ngọ (12 giờ trưa) nhưng vẫn khỏe mạnh để giảng kinh thuyết pháp hàng ngày, nên dân gian phong là Tổ Rau.

Việc lạ truyền đến kinh thành, ngài được vua Lê Hy Tông cho triệu vào cung, một mặt là để giảng Kinh Phật cho nhà vua và triều thần, một mặt sai nội y kiểm tra sức khoẻ xem có đúng như lời đồn. Vua cho thợ đánh một chiếc vòng vàng đeo vừa cổ tay Tổ Rau, đồng thời cho tăng khẩu phần ăn của Tổ Rau lên hai bìa đậu, bốn mớ rau muống mỗi ngày.

Sau một tháng ở trong kinh, vua thấy Tổ Rau không gầy đi mà còn béo tốt, hồng hào ra. Cổ tay đeo vòng vàng đã chật cứng. Lại thấy Tổ Rau làu thông kinh Phật, nhà vua lấy làm cảm phục bèn phong chức Tăng Lục Thiền Gia và bốn chữ An Ninh Pháp Tràng, cho phép được về quê mở trường dạy.Thấy ngôi chùa nhỏ bé, vua cấp tiền xây sửa khang trang. Các quan thì cung tiến tượng Phật.Chiếc vòng vàng được vua ban, Tổ Rau đã góp để đúc pho tượng Phật A Di Đà.Từ đó, An Ninh Pháp Tràng trở thành trường truyền dạy Phật pháp nổi tiếng của xứ Đông và cả nước.

Đến năm Vĩnh Thịnh thứ nhất (1705) đời vua Lê Dụ Tông, triều đình tiếp tục cho  sửa thượng điện. Các năm 1740 và 1809, chùa được tu sửa và tôn tạo khá nhiều công trình. Thế kỷ XIX - XX, chùa được trùng tu lớn tới 100 gian nên còn được gọi tên chùa Trăm Gian.

Lưu giữ nhiều giá trị lịch sử quý giá

Chùa Trăm Gian nổi tiếng với kiến trúc "nội thông, ngoại bế" (bên trong thông suốt, bên ngoài khép kín), được coi là độc nhất trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Chùa được thiết kế theo lối Tam trùng hậu các gồm Tam quan, Tam bảo, Nhà thờ Tổ, cùng các các công trình phụ trợ cho tăng ni về ở và học tập tạo nên kiến trúc 100 gian. Trải qua thăng trầm lịch sử, chiến tranh tàn phá, hiện nay chùa chỉ còn 85 gian.Giai đoạn 2007-2010, chùa đã được Nhà nước đầu tư 14 tỷ đồng trùng tu, tôn tạo. Với giá trị lịch sử, văn hoáquan trọng, chùa Trăm gian đã được xếp hạng Di tích cấp quốc gia năm 1990.

Hiện tại chùa còn lưu giữ hệ thống cổ vật phong phú với trên 50 pho tượng Phật có niên đại thời Lê và thời Nguyễn, nhiều đại tự, câu đối, bia đá cùng các cổ vật có chất liệu gỗ, gốm, đồng. Đáng chú ý là pho tượng Phật A Di Đà cao khoảng 3m trên bệ đá hơn 2m nằm trên cùng thượng điện. Phía sau bệ đá có vẽ bức tranh mặt trước cảnh chùa với gác trống, tháp chuông, cầu đá, tam quan. Tương truyền, chiếc vòng vàng do vua ban, Tổ Rau đã góp để đúc pho tượng này. Chính vì vậy mà pho tượng Phật A Di Đà được cung kính đặt trên cùng thượng điện thay vì ba pho Tam thế như cách bài trí ở các ngôi chùa khác.

Cùng với kiến trúc và hệ thống tượng Phật độc đáo, trong chùa còn có mộtquả chuông lớn đúc vào năm Thành Thái thứ II (1890), được treo ở Tam quan chùa, đây là một trong những chiếc chuông cổ hiếm có còn lưu giữ được trên địa bàn tỉnh. Tam quan cũng là một công trình đẹp, cổ kính với 2 tầng mái, các đầu đao uốn cong, tạo sự thanh thoát, bay bổng.

Phía sau chùa có vườn tháp gồm 10 ngôi, trong đó có 9 ngôi tháp cổ được xây dựng vào thời hậu Lê và thời Nguyễn. Đây là nơi an nghỉ của các vị tổ sư đã từng trụ trì tại chùa. Hai ngôi tháp mộ của Tổ Rau và Viên Giác được xây bằng gạch Cậy cổ vẫn nguyên vẹn.   

Đặc biệt, chùa còn lưu giữ được hơn 700 mộc bản được chia làm 7 bộ sáchcó niên đại gần 200 năm tuổi. Các mộc bản được khắc nổi chữ Nho ở hai mặt, mỗi mặt tương đương với 2 trang in, thể hiện sự tinh xảo trên từng nét khắc.

 
 
 
Những mộc bản quý còn lưu giữ được tại chùa Trăm Gian 

Theo sư thầy Thích Tục Phương, trụ trì chùa cho biết: Đây là các mộc bản kinh Phật, được nhà sư Viên Giác, tổ đời thứ 2 của chùa cho khắc vào thời vua Minh Mạng (1791- 1841) để giảng đạo. Ngày đó, mỗi chữ trên mộc bản được định giá bằng 2 kg thóc. Mỗi bản khắc xong sẽ được trụ trì chùa kiểm định, nếu đạt thì dùng in kinh sách, nếu không thì người thợ khắc buộc phải làm lại. Chính vì vậy,những mộc bản này phải làm ròng rã hàng năm trời mới hoàn thành. Theo sử sách ghi chép trước đây chùa có tới gần 2.000 mộc bản. Tuy nhiên trải qua thời gian, biến cố, đến nay nhiều mộc bản trong chùa đã mất, hư hỏng. Hiện chỉ còn hơn 700 bản khắc, một số bản cũng không còn được rõ chữ.

Lưu giữ những giá trị văn hoá lịch sử độc đáo, chùa Trăm gian được coi một di tích hiếm có trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên hiện nay, nhiều hạng mục trong chùa, đường vào chùa cũng đang xuống cấp, gây khó khăn cho nhân dân và du khách tới tham quan, chiêm bái.

Từ năm 2015 đến nay, chùa tiếp tục tu bổ, phục dựng các hạng mục như lầu Phật Bà, nhà khách, nhà Tạo soạn, nhà Mẫu, nhà bếp từ nguồn xã hội hoá. Việc vận động xã hội hoá còn gặp nhiều khó khăn nên sư thầy Thích Tục Phương chọn cách "có đến đâu, làm đến đó". "Cứ có phật tử phát tâm công đức từ cây gỗ, vài mét gạch, ngói, thấy đủ một hạng mục là tôi lại tiếp tục làm, vừa làm vừa đợi, vừa vận động nhân dân, du khách tiếp tục phát tâm công đức. Việc này đòi hỏi tính kiên trì, nhẫn nại. Đồng thời việc tu bổ, tôn tạo cũng phải nghiên cứu kỹ lưỡng, được sự cho phép của các cấp, ngành liên quan để phù hợp với kiến trúc vốn có của chùa" – Trụ trì chùa cho biết.

Năm 2019, UBND tỉnh đã quyết định công nhận 5 địa danh của huyện Nam Sách là điểm du lịch gồm Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (xã Nam Chính); đình Đầu, Nhà bia thành lập Tỉnh ủy, Phủ ủy Nam Sách (xã Hợp Tiến), chùa Trăm Gian (xã An Bình), đền Long Động (xã Nam Tân) và làng nghề gốm Chu Đậu (xã Thái Tân).

            Với việc được công nhận là một trong 5 điểm du lịch của huyện Nam Sách đã mở ra cơ hội để phát huy giá trị đặc biệt của di tích chùa Trăm Gian. Trong thời gian tới, để di tích phát huy được giá trị cần có sự quan tâm hơn nữa của các cấp, ngành, địa phương và nhân dân trong việc tu bổ, tôn tạo, sớm phục dựng di tích với kiến trúc 100 gian vốn có. Đồng thời, các gian phục vụ cho việc học và ở của các tăng ni trước đây hiện gần như bỏ trống, Ban quản lý di tích, địa phương có thể nghiên cứu, dựng hình ảnh mô phỏng về trường dạy Phật pháp xưa để người dân và du khách có thể hình dung được khung cảnh về thời kỳ phát triển rực rỡ của di tích; xây dựng khu bảo quản và trưng bày các mộc bản để giúp ích cho việc học tập, nghiên cứu lịch sử cho các thế hệ sau này...

Trường Thành 
Các tin mới hơn
Đền Tranh khai hội(20/03/2024)
Hải Dương có thêm 03 Bảo vật Quốc gia(18/01/2024)
Tổng kết chương trình giáo dục di sản văn hoá năm 2023(14/12/2023)
Tìm lại dòng gốm cổ Bá Thuỷ(07/12/2023)
Tu bổ, tôn tạo Di tích quốc gia đặc biệt Chùa Giám(23/11/2023)
Các tin cũ hơn
Chùa Trông: Độc đáo kiến trúc "Tiền Phật, hậu Thánh"(01/02/2021)
Chùa Ngũ Đài: Dấu ấn văn hóa Trần được phát hiện qua khảo cổ học(14/01/2021)
Tổng kết chương trình giáo dục di sản văn hoá trong nhà trường tại Thanh Hà(14/12/2020)
Hơn 200 học sinh tham gia chương trình Giáo dục Di sản văn hoá(18/11/2020)
Bảo tồn di sản tuồng Thạch Lỗi: Còn đó những ưu tư, trăn trở(09/11/2020)
Điểm du lịch
Khu trải nghiệm Côn Sơn: Điểm đến mới lạ, độc đáo, hấp dẫn du khách
Hướng đến Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2023, Khu trải nghiệm Côn Sơn (Côn Sơn Camping) chính thức khai trương đón chào du khách đến tham quan, trải nghiệm và tận hưởng không gian xanh mát tại Côn Sơn Camping.
Tìm kiếm
Liên kết website
na
na
na
na
na
http://dochoi.haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín