Di sản
Vị Phúc thần làng Nghĩa Phú

Thời ấy cả nước chọn sáu người giữ chức Thượng thư mà Nghĩa Phú có ứng viên mới thấy chất tinh hoa, đức độ không phải loàng xoàng...

Năm 2016 chúng tôi có cuộc sưu tầm di sản Hán Nôm ở Nghĩa Phú. Chữ Hán chữ Nôm trên chất liệu đá, gỗ, giấy lưu ở từng gia đình, dòng họ, của đình làng, chùa làng, đền thờ Đại danh y, Thiền sư Tuệ Tĩnh đều được chụp ảnh, ghi địa điểm, thời gian rồi đưa vào lưu trữ. Nhiều tư liệu được sử dụng trong sách Lịch sử văn hóa làng Nghĩa Phú, Sở Văn hoá, Thể thao Du lịch, Bảo tàng tỉnh Hải Dương in năm 2017. Số lượng tư liệu Hán Nôm khá phong phú. Đặc biệt có giá trị bởi đây là phần sử làng, sử của dòng họ, của gia đình và nhân vật lịch sử của làng đã ít nhiều được in trong sách báo, nhưng phần lớn chưa được bạch hóa.

Ở Cẩm Giàng những người được ghi nhận là nhân vật cũng không ít, ở Nghĩa Phú thì nhân vật của làng còn là Danh nhân của huyện, của tỉnh, có ảnh hưởng tầm quốc gia. Trong số những vị đỗ đại khoa từ thời Lý, Trần, Lê, có nhiều người làm quan, giữ chức Thượng thư, chức Bồi tụng. Thời ấy cả nước chọn sáu người giữ chức Thượng thư mà Nghĩa Phú có ứng viên mới thấy chất tinh hoa, đức độ không phải loàng xoàng.

 
 
Mặt văn bia Đương hương phúc thần di ái bi 

Cụ Tuệ Tĩnh được dân suy tôn, được nhà vua ban tặng chữ thờ “Thánh nhân Nam dược”, cụ còn là Thành hoàng làng Nghĩa Phú. Cá nhân được ban tặng danh hiệu bậc Thần, bậc Thánh trong y giới ở Việt Nam, có lẽ cụ là duy nhất.

Cụ Nguyễn Danh Nho đỗ đại khoa, chức Phó Thượng thư (Hữu Thị lang, được vua phong tặng chức Tả Thị lang Bộ Công sau khi mất). Bên phủ chúa cụ mang hàm Bồi tụng, nay tương đương chức Phó Thủ tướng. Cụ còn đảm nhiệm chức Chánh sứ. Ngày ấy đi sứ phải là người tài năng, bản lĩnh, có khi phải hy sinh tính mạng mới hoàn thành nhiệm vụ. Có lẽ vào thời Nguyễn, cụ còn được dân ghi công mang lời cụ Đại danh y, Thiền sư Tuệ Tĩnh trên bia đá ở Giang Nam, Trung Quốc khắc vào bia đá mang về quê tại khu đền Bia. Bia này thành hiện vật gốc của ngôi đền. Nay đền thờ cụ Tuệ Tĩnh tại làng Nghĩa Phú, gọi là đền Xưa và đền Bia được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. Người dân vẫn kể về huyền sử, về nghĩa cử của cụ với dân làng.

Năm 2016, ông Nguyễn Quang Trạm là hậu duệ cụ Nguyễn Danh Nho được  cấp uỷ chính quyền thôn cử đi cùng giúp chúng tôi tiếp cận thửa đất một nửa trồng cây, một nửa có ngôi nhà mái lợp ngói, gia cố bốn cột trụ bê tông, không tường vách. Trong nhà đặt duy nhất bia đá Đương hương Phúc thần di ái bi (tạm dịch: bia của làng ghi về vị Phúc thần của làng để lại tình yêu thương mến mộ). Trước sân nhà là tấm đá lớn, trên tấm đá này đặt chiếu đá khổ rộng như chiếu đôi giường nằm. Về phía cửa chừng hai mét có nhang án đá. Những hiện vật này qua dáng kiến tạo đã biết thuộc thời Lê Trung Hưng. Nay đủ tuổi là cổ vật theo Luật Di sản văn hóa.

Đã nhiều lần, trong nhiều năm chúng tôi tới khảo sát cổ vật, cổ tự khắc trên đá ở khu đất này. Gần đây, ngày 9/3/2023, chúng tôi đi cùng Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Nguyễn Văn Bàng, công chức VHXH xã Đào Văn Cường đến khảo sát lần nữa.

Khi chụp ảnh, đo kích cỡ văn bia, khảo sát hoa văn, rồi đưa lên máy chuyên dụng, đọc những dòng chữ trên bia, tham khảo thác bản bia lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm mới rõ cụ được chính quyền, dân làng suy tôn là Phúc thần của làng, lập bia ghi lại làm bằng chứng.

Bia hình lăng trụ, bốn mặt, cao gần 1,8 mét, thân bia khổ 100cmx50cm (mặt 1, mặt 3); mặt 2, mặt 4 có khổ 100x42cm. Bia là nguyên khối đá xanh, còn đủ chóp bia, thân bia, đế bia. Mặt 1 khắc dòng chữ duy nhất ở chính giữa, chữ nổi, cỡ chữ đại tự “Đương hương Phúc thần di ái bi”, hai bên chạm khắc hoa văn lưỡng long chầu vào chữ “Phúc thần”. Ba mặt chữ Hán theo chiều từ phải sang trái, từ trên xuống dưới. Nhiều chữ đã mờ rất khó đọc. Mặt 4 còn mất hết chữ ở nửa trên, mấy dòng bên phải. Rèm bia, trán bia không in chữ, chỉ khắc hoa văn ở mặt 1. Viện Nghiên cứu Hán Nôm có lưu thác bản văn bia này, kí hiệu N32127- 30 , còn đọc được nhiều chữ hơn.

Nội dung bia ghi học vị, chức quan, tư chất, công lao, đức độ của Tiến sĩ Nguyễn Danh Nho với nước, với dân. Ghi về dân làng lập bia, làm miếu thờ cụ là Phúc thần của làng, có khế ước, có quy định ngày tế lễ, lễ vật dâng cúng, hát ca trù trong ngày lễ. Bia ghi: “Đương thời ông là người đĩnh đạc, khoan hồng. Tại triều đình thì ân uy nức tiếng. Nơi làng xóm thì phép tắc nhân hậu, ban bố ân đức khắp nơi. Năm trước đã hiến cho bản xã một miếng ao để xây dựng bồi đắp phía sau đình lớn. Năm sau lại cung tiến một trăm xâu tiền để xây tường bên phải ngôi đình”. Ngày ấy, Nghĩa Phú là đơn vị xã, nay là thôn.

Khi thăng chức Hữu Thị lang Bộ Hộ (tương đương chức Thứ trưởng), cụ có nghĩa cử với nước với dân: “Các việc của Bộ Hộ, phục dịch điếm canh được miễn trừ. Phụng mệnh vua cai quản các loại thuế của nơi ấy, các loại giấy tờ và các loại tiền khác của dân nhất được khoan giảm. Tuyên minh luật pháp, huấn hóa kiện tụng, hóa giải tranh biện, khuyến thiện trừng ác, gia phong đều dựa vào phong tục của dân mà làm cho thêm thuần hậu, tốt đẹp - Trích dịch từ chữ Hán ở mặt 2”.

Đây là lời ghi nhận của chức sắc làng Nghĩa Phú với cụ Nguyễn Danh Nho: “Ân huệ nhiều đến như vậy, nhân ái nhiều đến như vậy thì nhà nhà, hộ hộ đều phải mang ơn, cho nên phải báo đáp lại tướng công”. Lời ghi nhận này, liền sau bia là ghi về việc đề xuất khi cụ còn tại thế, dân làng đề nghị được tôn thờ cụ là phúc thần đương thời của làng năm 1699.

Được cụ đáp lời đồng ý, đồng thời cụ biếu tặng dân làng từ tài sản riêng gồm hai mẫu ruộng, một trăm quan tiền. Văn bia ghi: “Tướng công vui vẻ nhận lời, nhân đó để lại ruộng di ái điền gồm hai mẫu ruộng ở xứ Đại Triều, mả Dom cùng 100 quan tiền - Trích dịch từ mặt 2 bia ”. Công việc chưa kịp thực thi thì cụ qua đời ngay năm 1699, dân làng dựng tạm ngôi miếu thờ bằng chất liệu gỗ, sau đó đặt nền đá, trên để thạch sàng, dựng hương án đá, nghi môn đá. Bên ngoài còn tạo hòn đá lớn trấn át để tỏ nghiêm việc thờ phụng.

Ghi về cam kết lễ cúng tế hàng năm khá chi tiết ở hết cả mặt 3 văn bia và mấy dòng cuối mặt 2: “Hàng năm nghênh tế vào ngày giỗ và các kì tế. Lễ vật dùng nhất nhất phải tuân theo như trong điều ước”. Những cam kết này được khắc vào bia đá trên nền đá “để lưu truyền muôn đời – Trích dịch ở mặt 2 văn bia”.

Hàng năm có hai ngày cúng giỗ là ngày mồng 3 và 10 tháng 9 (Âm lịch). Có quy định về quy trình rước lễ, quy định sản vật trên mâm lễ, trang phục mặc khi tế lễ, quy định người đảm nhận việc chủ tế, bồi tế, người chấp sự. Quy định về cách thức sử dụng lễ vật sau cúng tế: “Những người có mặt cùng nhau ăn uống, nghe ca trù – Trích dịch ở mặt 3 bia ”.

Bàn luận

Ngay ở mấy dòng đầu mặt 2, văn bia ghi: Toàn thể các vị quan viên, hương sắc, hương lão (những người có chức sắc, những người cao tuổi), xã trưởng (lý trưởng), lệnh trưởng (người được dân làng tôn kính làm trưởng các tổ chức của làng) thôn Nghĩa Phú, huyện Cẩm Giàng, phủ Thượng Hồng lập điều ước thờ cụ Nguyễn Danh Nho vì cụ có công, có đức với nước với dân.

Như vậy là đã rõ, dân làng Nghĩa Phú phụng thờ cụ Nguyễn Danh Nho là Phúc thần của làng. Nghĩa cử với vị Phúc thần của làng thật chu đáo ở cả đạo lý và tình nghĩa.

Báo Giadinh.net thông tin về văn bia “Đương hương Phúc thần di ái bi” do nhà vua ban lúc Tiến sĩ Nguyễn Danh Nho mất, có lẽ căn cứ vào huyền sử do ai đó kể.

Khi khảo sát khu di tích, thực hiện công việc thẩm định văn bản học về văn bia mới hiểu rõ việc tạo dựng bia và lời văn trong bia do địa phương lập sau khi Tiến sĩ Nguyễn Danh Nho mất năm 1699.

Không chỉ tấm bia, mà ngôi miếu chất liệu gỗ, các đồ thờ được tạo tác bằng loại đá tốt cũng do dân làng làm. Số tiền chi để tạo tác bia đá, mua sắm đồ thờ, so với giá thành hiện nay, có lẽ đến tiền tỉ.

Mặt 4 ghi năm Quý Tỵ lập văn ước, ghi những người kí văn ước. Bia đã mờ nhưng còn rõ 32 người thuộc các dòng họ Nguyễn, họ Đặng, họ Phạm, họ Vũ, họ Đào, trong đó người họ Nguyễn nhiều nhất, 19-32 người. Năm Qúy Tỵ khắc trong văn bia, từ tổng hợp các năm Qúy Tỵ trong lịch Vạn niên (có lẽ là năm 1713).

Đã không còn dấu vết chữ viết về ngày tháng năm tạo lập bia, người soạn, người viết chữ để khắc trong văn bia. Đây là khoảng trống cần được bổ sung khi có tư liệu tin cậy.

Giúp cho việc tìm niên đại đã mất trong bia, cần dựa vào nhiều cứ liệu đối chứng như chữ huý, tên địa danh, tên người cùng thời. Chúng tôi chưa tìm thấy chữ kiêng huý trong văn bia, mới gặp một số chữ viết khác văn bia “Đương hương Phúc thần di ái bi”. Bia Phụng sự bi kí, niên đại 1694, tác giả Nguyễn Danh Nho, hiện ở thôn Bầu, thị trấn Lai Cách, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, bia viết chữ cao âm Hán (âm Nôm là sào trong từ sào ruộng -  mặt 4, dòng 4, chữ thứ 9). Văn bia “Đương hương Phúc thần di ái bi” viết chữ khao âm Hán, để ghi chữ sào trong từ sào ruộng (mặt 3, chữ thứ 18, thứ 26.

Năm Nghĩa Phú tôn tạo di tích hai cổ vật voi đá. Có hai luồng ý kiến về địa danh Đại Triều, người bảo “Đại Triều”, người bảo “Đài Triều”. Hai luồng ý kiến chưa có hồi kết. Văn bia “Đương hương Phúc thần di ái bi” ghi chữ Đại Triều 大朝 (mặt 3, dòng 8, chữ thứ 12, 13). Như vậy có thể kết luận địa danh Đại Triều đã được khắc in vào bia đá hàng cổ vật của làng, không có chữ  Đài Triều. Người xưa đặt chữ đã hơn 300 năm, nay ta theo là điều lành. Trong từ điển Hán Hán, Hán Việt, Đại từ điển chữ Nôm viết chữ đại , có 1 âm đọc duy nhất. Chữ triều  triều, âm Hán đọc triều, âm Nôm đọc: chiều, chào, chầu, giàu, giầu, triêu, trào, tràu, trều. Chúng tôi chưa tìm được chữ đại này đọc âm đài.

Họ và tên những người kí trong văn ước của làng thờ cụ Nguyễn Danh Nho làm Phúc thần là một gợi ý để xác quyết niên đại bia khi đối chiếu họ và tên những người ghi trong các tộc phả, gia phả cùng thời với những người đã ghi trong văn bia.

Di tích bia đá, thạch sàng, hương án đá cùng thửa đất là nơi dân làng Nghĩa Phú thờ Phúc thần Nguyễn Danh Nho còn hồ sơ được khắc in vào đá từ hơn 300 năm, nay đã xuống cấp khá nghiêm trọng, thiết nghĩ nên được tôn tạo như đã ghi trong văn bia. 

Số ruộng 2 mẫu được dân làng chọn những gia đình trong các giáp (nay là xóm) giao cho canh tác. Hàng năm thu một phần lợi tức để sắm lễ vật cho hai ngày tế lễ, khi cần tu bổ.

Di tích xuống cấp có quy định: “Ngôi miếu nếu bị hư hỏng dột nát thì chiếu bổ cho người trong thôn tu sửa, cốt sao cho nghiêm túc - Trích dịch từ mặt 2”.

Tiền chi để sắm lễ, để tu bổ được quy định thu từ lợi tức của 2 mẫu ruộng di ái điền. Quy định này đến nay vẫn là kinh nghiệm ứng xử có lý, có tình để bảo tồn và phát huy giá trị của di tích.

Tên làng Nghĩa Phú mang ý nghĩa giàu có nhưng tình nghĩa. Người Nghĩa Phú tạc chữ vào đá ghi những điều cam kết mà nay vẫn còn, không bị huỷ hoại do biến động của thời cuộc, của thiên tai đã minh chứng một nghĩa cử đẹp, có giá trị giáo dục, bồi đắp lối sống nhân văn, tình nghĩa cho cán bộ và nhân dân thời nay. 

Đặng Văn Lộc 
Các tin mới hơn
Đền Tranh khai hội(20/03/2024)
Hải Dương có thêm 03 Bảo vật Quốc gia(18/01/2024)
Tổng kết chương trình giáo dục di sản văn hoá năm 2023(14/12/2023)
Tìm lại dòng gốm cổ Bá Thuỷ(07/12/2023)
Tu bổ, tôn tạo Di tích quốc gia đặc biệt Chùa Giám(23/11/2023)
Các tin cũ hơn
Độc đáo ngôi miếu thờ Danh tướng Nguyễn Công Nguyên(18/05/2023)
Thêm một hoạt động hấp dẫn tại Bảo tàng tỉnh(13/05/2023)
Liên hoan pháo đất tỉnh Hải Dương lần thứ X năm 2023(06/02/2023)
Về thôn Lạc Dục xem hội vật đầu xuân(03/02/2023)
Tổng kết chương trình giáo dục di sản văn hóa trong nhà trường năm 2022(14/12/2022)
Điểm du lịch
Khu trải nghiệm Côn Sơn: Điểm đến mới lạ, độc đáo, hấp dẫn du khách
Hướng đến Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2023, Khu trải nghiệm Côn Sơn (Côn Sơn Camping) chính thức khai trương đón chào du khách đến tham quan, trải nghiệm và tận hưởng không gian xanh mát tại Côn Sơn Camping.
Tìm kiếm
Liên kết website
na
na
na
na
na
http://dochoi.haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín