Nghệ thuật biểu diễn
Hình tượng Hồ Chủ tịch của NSƯT Mạnh Thắng trên sân khấu Nhà hát Chèo Hải Dương

Đặc biệt, vai diễn Bác Hồ của NSƯT Mạnh Thắng không chỉ giống về hình thức (khuôn mặt, giọng nói, cách đi đứng, cử chỉ, điệu bộ...) mà còn giống về phong cách, thần thái... đã tạo nên hình tượng nghệ thuật Hồ Chủ tịch đặc biệt trên sân khấu Nhà hát chèo Hải Dương

“Biên giới mùa Thu ấy” là vở chèo sử thi đầu tiên của TS. Trần Đình Ngôn viết về chiến dịch biên giới năm 1950. Khác với một số tác phẩm chuyên khai thác đề tài chiến tranh, vở diễn không đi vào những mâu thuẫn xung đột khốc liệt của cuộc chiến giữa ta và địch, cũng không đi sâu vào những chủ trương, quyết sách của Bác Hồ (NSƯT Mạnh thắng) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp (NS Ngọc Minh) mà đi sâu khai thác tình cảm của Bác Hồ đối với bộ đội chiến sỹ và đồng bào cả nước được lồng ghép vào trong chiến dịch mùa Thu biên giới.

 
Một cảnh trong vở diễn "Biên giới mùa Thu ấy"

Trong “Biên giới mùa Thu ấy”, Bác Hồ là hình tượng nhân vật trung tâm, xuyên suốt từ đầu đến cuối vở. Bác xuất hiện ở nhiều lớp diễn, cảnh diễn đã tạo cảm xúc và ấn tượng mạnh mẽ trong lòng công chúng khán giả. Có những lớp lắng đọng, xúc động như: mọi người chia nhau quà của Bác, những chiếc kẹo, điếu thuốc lá được bộ đội, chiến sỹ nâng niu thưởng thức trong sự linh thiêng, tĩnh tại và trân trọng. Những tình cảm âu yếm, yêu thương, trìu mến của Bác đối với tất cả mọi người từ già trẻ lớn bé đến các thương bệnh binh ở đơn vị hậu cần. Đặc biệt, sự tinh tế của Bác trong quan sát, cảm nhận và thấu hiểu. Chi tiết Bác biết được tình cảm thắm thiết giữa đôi bạn trẻ Cần (NS Quang Phúc) và Mận (NS Thái Quỳnh) từ lâu đã “thầm thương trộm nhớ”, Bác đã vun vén cho hai người họ được nên duyên vợ chồng và “sính lễ xin dâu” chính là những chiến công của Cần.

Tuy nhiên, cao trào của sự xúc động lại nằm ở sự kiện Bác yếu mệt nhiều ngày, cô Mận (cấp dưỡng) nấu món canh cá để Bác ăn cho ngon miệng. Thế nhưng, khi Bác biết đó là món cá Anh Vũ (một loài cá quý hiếm mà các chiến sỹ phải mất rất nhiều công sức, về mãi tận ngã ba Bạch Hạc để bắt mang lên):“Phải mất mấy ngày đêm, lại qua vùng giặc đang tạm chiếm, vất vả, nguy hiểm”. Chính vì vậy mà Bác nhất quyết không ăn, Bác nói: “Không thể vì muốn ngon miệng Bác mà đồng bào chiến sỹ phải hy sinh. Liệu đã có ai đi bắt cá Anh Vũ phải bỏ mình mà các chú, các cô vẫn còn dấu Bác...”. Thấy Bác đau lòng như vậy, mọi người đều đồng thanh: Dạ thưa Bác, không có ai hy sinh đâu ạ. Lúc này, sân khấu như chìm xuống trong im lặng, xúc động. Cũng chính những lớp diễn, cảnh diễn như thế này đã làm bộc lộ hình tượng Bác Hồ - chân dung một vị lãnh tụ của dân tộc Việt Nam vừa dung dị, mộc mạc vừa chan chứa yêu thương đối với mỗi thân phận con người, mỗi nhành cây, ngọn cỏ...

Những lời răn dạy nhẹ nhàng, cách ứng xử tinh tế, tâm lý, tình cảm và sự sẻ chia gánh vác những khó khăn, mất mát của Bác Hồ đối với bộ đội, thương bệnh binh, chiến sỹ và đồng bào cả nước trong suốt hành trình kháng chiến của quân và dân ta đã thể hiện sự khéo léo của tác giả trong việc cài cắm, lồng ghép các tình tiết, sự kiện nhằm bộc lộ chân dung - hình tượng Bác Hồ trong vở diễn một cách sâu sắc và rõ nét. Bên cạnh đó, tác giả cũng không quên việc đan xen những bài thơ của Bác, những câu chuyện, tích trò và một số tiết mục văn nghệ, dân ca, dân gian mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt nghệ thuật chèo xứ Đông (Hải Dương) đã được các chiến sỹ - nghệ sỹ hậu cần quân đội - những người con của quê hương Hải Dương biểu diễn phục vụ kháng chiến, góp phần đề cao vai trò của văn hóa - văn nghệ, đúng như câu nói nổi tiếng của Người: “Văn hóa, văn nghệ cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sỹ trên mặt trận ấy”. Đây là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa. Bức thư có đoạn: “Gửi anh chị em họa sĩ, biết tin có cuộc trưng bày, tiếc vì bận quá, không đi xem được. Tôi gửi lời thân ái hỏi thăm anh chị em. Nhân tiện, tôi nói vài ý kiến của tôi đối với nghệ thuật, để anh chị em tham khảo. Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”, (đăng trên Báo Cứu quốc, số 1986, ngày 5-1-1952). Trong bối cảnh toàn dân đang thực hiện đường lối kháng chiến “toàn dân, toàn diện” chống thực dân Pháp xâm lược, nhu cầu văn hóa, văn nghệ cũng quan trọng như cơm ăn nước uống hàng ngày, bởi những tiếng hát chèo, những nét văn hóa truyền thống của dân tộc từ lâu đã ngấm vào máu thịt mỗi chiến sỹ, mỗi người dân Việt Nam. Đồng thời, các tình tiết, sự kiện này đã tạo “đất diễn” cho các diễn viên thể hiện tài năng của mình trong nghệ thuật: hát, múa, diễn, ngâm thơ... một cách đa tài, đa nghệ. Bên cạnh đó, vở diễn cũng tạo được một số lớp trò hài hước, dí dỏm đan xen vào những lớp trữ tình đằm thắm, thiết tha.

 
Hình tượng Bác do Nghệ sĩ Ưu tú Mạnh Thắng thể hiện 

Vở chèo sử thi “Biên giới mùa Thu ấy” có độ dài một tiếng rưỡi, dung lượng vừa đủ, không quá dài cũng không quá ngắn. Các lớp diễn, cảnh diễn được tiết chế hài hòa hợp lý. Vai Bác Hồ được NSUT Tiến Hợi (người đã có hơn 40 lần vào vai Bác Hồ) tham gia làm cố vấn diễn xuất và hóa trang. Hai nhân vật chính (đôi trai tài gái sắc) được giao cho nghệ sỹ trẻ Quang Phúc (vai Cần) và Thái Quỳnh (vai Mận) diễn xuất rất tự nhiên, tinh tế đến từng chi tiết, kết hợp với đài từ sân khấu trầm ấm và giọng hát chèo ngọt ngào đằm thắm đã hấp dẫn khán giả từ đầu đến cuối vở.

Nhìn chung, vở chèo sử thi “Biên giới mùa Thu ấy” thể hiện sự lao động nghệ thuật nghiêm túc của anh em nghệ sỹ, sự chuẩn bị chu đáo, công phu của Nhà hát chèo Hải Dương trong công tác chuyên môn. Đặc biệt, vai diễn Bác Hồ của NSƯT Mạnh Thắng không chỉ giống về hình thức (khuôn mặt, giọng nói, cách đi đứng, cử chỉ, điệu bộ...) mà còn giống về phong cách, thần thái... đã tạo nên hình tượng nghệ thuật Hồ Chủ tịch đặc biệt trên sân khấu Nhà hát chèo Hải Dương, mang lại cảm xúc thẩm mỹ và ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng khán giả.

Thành công của vở còn là sự phối kết hợp nhuần nhuyễn giữa các thành phần sáng tạo nghệ thuật như: Tác giả, đạo diễn, diễn viên, âm nhạc, thiết kế mỹ thuật, hóa phục trang và kỹ thuật âm thanh ánh sáng. Vở diễn đã được ghi hình và phát sóng trên kênh VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam đúng dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2020), biểu diễn rộng rãi phục vụ nhân dân tỉnh Hải Dương và khán giả toàn quốc để chào mừng đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ (2020-2025).

Trần Phương Hạnh

Các tin mới hơn
Sẵn sàng cho chương trình nghệ thuật đầy ý nghĩa nhân kỷ niệm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Lương Bằng(26/03/2024)
Nhà hát Chèo Hải Dương ra mắt vở diễn mới “Chuyện Tình bên sông”(15/08/2023)
Hải Dương giành 2 HCV, 3 HCB tại Hội thi tuyên truyền lưu động “Biển và Hải đảo Việt Nam” năm 2023(22/05/2023)
Đặc sắc chương trình văn nghệ đêm giao thừa(22/01/2023)
Biểu diễn hát chèo phục vụ nhân dân trên sông Sặt(20/01/2023)
Các tin cũ hơn
Giao lưu văn nghệ nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh(20/05/2020)
CLB khiêu vũ Thành Đông: Kỷ niệm 15 năm thành lập(24/01/2019)
Thành phố Hải Dương tưng bừng đón năm mới Mậu Tuất 2018 (15/01/2019)
Biểu diễn văn nghệ, võ thuật mừng xuân(15/01/2019)
Biểu diễn hát dân ca trên thuyền dịp Tết Nguyên đán(14/01/2019)
Điểm du lịch
Khu trải nghiệm Côn Sơn: Điểm đến mới lạ, độc đáo, hấp dẫn du khách
Hướng đến Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2023, Khu trải nghiệm Côn Sơn (Côn Sơn Camping) chính thức khai trương đón chào du khách đến tham quan, trải nghiệm và tận hưởng không gian xanh mát tại Côn Sơn Camping.
Tìm kiếm
Liên kết website
na
na
na
na
na
http://dochoi.haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín