Di sản
Độc đáo tòa cửu phẩm liên hoa bằng đá chùa Trung Sơn

Chùa Trung Sơn hay còn gọi là chùa Xuân Kim, thôn Hoàng Gia, xã Cẩm Vũ (Cẩm Giàng, Hải Dương). Theo chiết tự chữ Hán, “Xuân” nghĩa là cây, “Kim” nghĩa là vàng. Tên gọi “Xuân Kim tự” gắn với mong ước của người xưa về một ngôi chùa thờ Phật giống loài cây quý như vàng mà sống lâu.

Tương truyền, chùa Trung Sơn được khởi dựng vào thời Hậu Lê, kiến trúc kiểu “nội công ngoại quốc” gồm trăm gian, diện tích khoảng 3 mẫu Bắc Bộ (hơn  10.000 m2). Các hạng mục công trình gồm: chùa chính, nhà Mẫu, nhà khách, giếng Oản, nhà bia, đặc biệt có tòa Cửu phẩm liên hoa bằng đá cao hơn 2 mét được chạm trổ tinh xảo. Nội tự chùa có tượng Thích ca, tượng Adi Đà, 05 tượng Mẫu... Theo các cụ cao niên của thôn, trước đây chùa có chuông đồng to - tiếng kêu âm vang, ngân nga nhất trong vùng, đến nay đã bị thất lạc. Trải qua thăng trầm của lịch sử và chiến tranh, di tích bị phá hủy hoàn toàn và được trùng tu tôn tạo nhiều lần. Năm 2010, chính quyền và nhân dân địa phương xây dựng lại ngôi chùa mới khang trang, đẹp đẽ như hiện nay. Trong đó tòa cửu phẩm liên hoa bằng đá thời Hậu Lê được đặt trang trọng trong nhà có mái che và là cổ vật độc đáo của chùa còn lưu giữ được.

Tòa Cửu phẩm liên hoa hình lục giác với nét hoa văn tinh xảo, trên tòa cửu phẩm liên hoa ghi dòng chữ Hán: “九品蓮花, 彌陀境界, 諸佛菩薩,三府聖賢,寶座 - phiên âm: “Cửu phẩm liên hoa, Di Đà cảnh giới, chư Phật Bồ Tát, tam phủ Thánh hiền, bảo tòa” - Theo Bảo tàng tỉnh Hải Dương. “Cửu phẩm liên hoa” nghĩa là tòa sen 9 tầng, biểu hiện thế giới thanh tịnh của đức Phật, mang thông điệp từ bi, vị tha, bác ái của đạo Phật.

 

 

Cửu phẩm liên hoa bằng đá chùa Trung Sơn.

 

Tòa cửu phẩm cao 201cm, mỗi cạnh rộng 14cm (phía đỉnh), chân rộng 23cm. Tháp cửu phẩm liên hoa hình lăng trụ lục giác 9 tầng. Đỉnh chạm tòa sen hình trụ tròn gồm các lớp cánh sen nổi đan xen, chân tòa sen 6 mặt khắc các chữ Hán trên mỗi chữ trong ô vuông cách nhau. Tiếp dưới các tầng hoa sen, mỗi tầng một tòa cánh sen tròn cách điệu, 6 mặt đua mái, mỗi mặt chạm phù điêu Phật, Thánh dáng ngồi thiền tụng kinh, hai tay khoanh trước bụng, các nếp y phục mềm mại, trong ô hình chữ nhật đứng đỉnh vòm, phía trên chạm hoa sen, hai góc chạm 1/4 hoa mai nở mãn, diềm hai bên chạm đao hỏa, diềm chân chạm cánh sen. Mỗi mặt cách nhau trụ tròn chạm long vân xoắn, quấn quanh tháp cửu phẩm từ chân lên đỉnh tháp. Tầng chân tháp mỗi mặt chạm phù điêu hình người ngồi, hai chân mở, gập gối, hai tay nâng đỡ tòa sen vẻ nặng nhọc. Trên đỉnh có tượng Phật Thích ca ngự trên tòa sen.

Về lai lịch của tòa cửu phẩm cũng có giai thoại, thầy Thích Chánh Nhân – trụ trì chùa cho biết: vào thời kỳ lấy đá nung vôi để xây nhà diễn ra trên khắp vùng miền, cửu phẩm liên hoa của chùa cũng không phải ngoại lệ, theo người dân kể lại cửu phẩm cũng đã bị đem cho vào lò nung lấy vôi, nhưng không biết tại sao, nung mãi mà đá của tòa cửu phẩm không chín, ra lò vẫn nguyên hiện trạng, sau đó người dân lại đem trả lại chùa. Cũng có thời kỳ vào mùa gặt, người dân dùng cửu phẩm để đập lúa lấy thóc, do đó đến nay nhiều hoa văn, họa tiết trên cửu phẩm đã bị mờ. Năm 2010 sau khi thầy Nhân về trụ trì đã cùng nhân dân trong thôn trùng tu tôn tạo chùa, dựng lại cửu phẩm và xây nhà bảo quản.

Theo bà Nguyễn Thị Huê – Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hải Dương: việc bảo tồn và phát huy giá trị tòa Cửu phẩm liên hoa độc đáo bằng đá tại chùa Trung Sơn không chỉ có ý nghĩa về mặt nghệ thuật thẩm mỹ mà còn minh chứng về di tích lịch sử với quy mô lớn tại Hải Dương xưa. Chùa Trung Sơn và chùa Kim Tân (thời Nguyễn) huyện Kim Thành là 2 ngôi chùa lưu giữ được tòa cửu phẩm liên hoa bằng đá và chùa Kim Lương (huyện Kim Thành) chất liệu gạch, có niên đại đầu thời Nguyễn. Miền Bắc hiện nay còn 03 tòa Cửu phẩm liên hoa chất liệu bằng gỗ thì tỉnh Hải Dương lưu giữ được 02 tòa: ở chùa Giám, Cẩm Giàng và chùa Động Ngọ, Thanh Hà. Tòa còn lại ở chùa Bút Tháp - Thuận Thành, Bắc Ninh là những công trình nghệ thuật độc đáo thể hiện sự phát triển của dòng thiền phái Trúc Lâm Yên Tử cần được bảo tồn và phát huy trong thời gian tới.

 

 

Quang cảnh chùa Trung Sơn.

 

Hiện nay, chùa Trung Sơn vẫn tổ chức các ngày lễ chính vào các ngày Âm lịch hằng năm: ngày 15 tháng Giêng lễ đầu năm; ngày mồng 3 tháng 3 giỗ Mẫu; ngày mồng 8 tháng 4 lễ Phật Đản; ngày 15 tháng 7 lễ Vu lan (lễ xá tội vong nhân và lễ báo hiếu cha mẹ); ngày 25 tháng 12 lễ Tất niên. Cùng với cửu phẩm liên hoa bằng đá, chùa hiện còn lưu giữ được 03 bia đá ghi nội dung công đức và 01 bia mộ tháp “Cung thỉnh Tôn Sư Ma Kha Sa Di, tự Tịch Huệ Thần vị” ghi quê quán và ngày viên tịch của nhà sư trụ trì chùa: giờ tốt ngày 23 tháng Giêng năm Tân Sửu (1781), đây là nguồn tư liệu quí về lịch sử di tích.

Ngày nay, khi về Cẩm Giàng ngoài các địa điểm quen thuộc như: Văn miếu Mao Điền, Đền Bia, chùa Giám, Đền Xưa... du khách còn có địa điểm hấp dẫn nữa là chùa Trung Sơn. Đến chùa Trung Sơn ngoài việc thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng nơi cửa Phật vào mỗi dịp Tết đến, Xuân về chúng ta còn được ngắm tòa Cửu phẩm liên hoa đá tuyệt đẹp. Hiện chính quyền và nhân dân địa phương tích cực tôn tạo, bảo vệ, làm nổi bật các giá trị bằng cách tạo ra môi trường cảnh quan hài hòa với tòa cửu phẩm. Tăng cường giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá nhằm nâng cao nhận thức về giá trị đặc biệt của di sản văn hóa đá trong các tầng lớp nhân dân địa phương, từ đó khơi dậy lòng tự hào, trân trọng di sản văn hóa của ông cha để lại… có thể thiết lập tua du lịch hành trình Di sản văn hóa chiêm ngưỡng Cửu phẩm liên hoa tại tỉnh Hải Dương góp phần hữu hiệu trong việc giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

                                                                                                                                          

Bá Giang
Các tin mới hơn
Đền Tranh khai hội(20/03/2024)
Hải Dương có thêm 03 Bảo vật Quốc gia(18/01/2024)
Tổng kết chương trình giáo dục di sản văn hoá năm 2023(14/12/2023)
Tìm lại dòng gốm cổ Bá Thuỷ(07/12/2023)
Tu bổ, tôn tạo Di tích quốc gia đặc biệt Chùa Giám(23/11/2023)
Các tin cũ hơn
Giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn huyện Cẩm Giàng(03/03/2021)
Chùa Trăm Gian - Độc đáo ngôi chùa ngàn năm tuổi(01/02/2021)
Chùa Trông: Độc đáo kiến trúc "Tiền Phật, hậu Thánh"(01/02/2021)
Chùa Ngũ Đài: Dấu ấn văn hóa Trần được phát hiện qua khảo cổ học(14/01/2021)
Tổng kết chương trình giáo dục di sản văn hoá trong nhà trường tại Thanh Hà(14/12/2020)
Điểm du lịch
Khu trải nghiệm Côn Sơn: Điểm đến mới lạ, độc đáo, hấp dẫn du khách
Hướng đến Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2023, Khu trải nghiệm Côn Sơn (Côn Sơn Camping) chính thức khai trương đón chào du khách đến tham quan, trải nghiệm và tận hưởng không gian xanh mát tại Côn Sơn Camping.
Tìm kiếm
Liên kết website
na
na
na
na
na
http://dochoi.haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín