Văn hóa cơ sở
Lệ “nộp cheo”, một cổ tục của thôn làng truyền thống

Vậy lệ “nộp cheo” có từ bao giờ và ý nghĩa của luật tục này? Lệ nộp cheo có xuất xứ từ tục Lan nhai (chăng dây).

Có cưới mà chẳng có cheo

Dẫu rằng có giết mười heo cũng hoài.

          Nhớ có lần đọc bài viết của nhà văn Hoàng Minh Tường, có đề cập đến đám cưới của Nhà văn Vũ Trọng Phụng và bà Vũ Mỹ Lương, một đám cưới được cho là đình đám thời đó. Bài viết có đoạn: “Rồi đây sẽ có người chậm bước trên con đường lát gạch nghiêng từ cổng làng Giáp Nhất để tìm xem có viên gạch nào được lát bằng bảy đồng tiền cheo cưới mà Nhà văn đã góp cho làng”. Bảy đồng tiền cheo, mức đóng góp cao nhất dành cho “cheo ngoại”, trong khi thời đó một tạ gạo có giá hai đồng, một chỉ vàng có giá ba đồng. Mà mức đóng lại áp dụng với Nhà văn Vũ Trọng Phụng, một tên tuổi lẫy lừng trong làng văn học Việt Nam; một người theo “Tây học” trăm phần trăm. Cho thấy lệ nộp cheo đã thành một luật tục có sức sống lâu đời. Và như một biểu thị cho sức sống của phong tục, tập quán, những con đường lát gạch nghiêng được xây dựng bằng tiền cheo còn hiện hữu trong đời sống thôn làng đến tận những năm cuối thế kỷ Hai mươi trước khi được thay thế bởi những con đường bê tông đạt tiêu chí “Nông thôn mới”.

          Vậy lệ “nộp cheo” có từ bao giờ và ý nghĩa của luật tục này? Lệ nộp cheo có xuất xứ từ tục Lan nhai (chăng dây). Xưa các đám cưới, khi đoàn rước dâu về nhà chồng, thanh thiếu niên trong làng thường đóng cổng làng hoặc chăng dây ngang đường xin đoàn rước dâu một chút tiền lẻ gọi là xin khước lấy may. Tục chăng dây xin tiền khước có ý nghĩa vừa như một thử thách nhỏ đối với cô dâu, chú rể, vừa có ý nghĩa đóng một khoản tiền “mãi lộ” trên con đường đến với cuộc sống lứa đôi. Từ ý nghĩa tượng trưng trong sáng ban đầu, càng về sau, tục chăng dây càng sa vào tệ sách nhiễu, thành tệ tục (người xưa gọi là “bạc tục”). Có những đoàn rước dâu vì sự sách nhiễu mà có phản ứng dẫn đến bọn trẻ cắt hoặc dứt đứt dây thì phiền. Vì người xưa quan niệm chuyện đứt dây giữa đường thường ảnh hưởng xấu đến hạnh phúc lứa đôi. Khi lệ mà trở thành tệ tục gây phiền nhiễu thì làng thôn có hình thức điều chỉnh, và lệ nộp cheo ra đời. Lúc đầu lệ nộp cheo chỉ được đưa vào trong hương ước của những làng có truyền thống khoa bảng, làng mĩ tục, nhưng sau đó người ta thấy lệ nộp cheo cũng phù hợp nên đến thế kỷ XIX, các làng đều xây dựng lệ nộp cheo thành điều khoản trong hương ước, tổ chức thực hiện.

          Trong điều kiện làng xã xưa chưa có hình thức giấy hôn thú thì việc nộp cheo có ý nghĩa đôi nam nữ đã chính thức công bố với dân làng có cưới, có cheo đàng hoàng. Có thể hiểu nộp cheo là hình thức thay cho giấy hôn thú; được dân làng chấp nhận coi là lẽ đương nhiên: Nuôi lợn thì phải băm bèo/ Lấy chồng thì phải nộp cheo cho làng. Vì ý nghĩa nêu trên nên làng xã rất coi trọng, đưa lệ nộp cheo thành điều khoản trong hương ước với những quy định cụ thể mức đóng góp dành cho “cheo nội”, (trai giá trong làng lấy nhau), và “cheo ngoại” (con gái lấy chồng ngoài làng). Ngoài lệ cheo làng lại có lệ nộp cheo hàng xóm, cheo bản tộc (cheo trong họ). Lần giở những trang hương ước cổ, thấy những điều khoản quy định về lệ nộp cheo rất cụ thể. Như hương ước làng Mộ Trạch (Phủ Thượng Hồng – Trấn Hải Dương) được xây dựng năm 1665, điều 22 bản hương ước quy định: “Đàn bà con gái trong làng mà lấy chồng ở ngoài làng thì phải tuân theo lệ nộp cheo như định lệ trước đây của xã”. Cũng về lệ nộp cheo, hương ước làng Ngọc Than quy định “người con trai ngoài xã lấy con gái bản xã phải lo hai con gà trống béo, 20 đấu xôi trắng, rượu 2 vò giá một quan tiền và trầu cau trình lý dịch yết lễ. Lễ xong giao lý dịch một nửa để mời viên chức cùng giáp Trưởng có con gái đó ăn uống”. Còn với “cheo nội”, đặc biệt ở những làng có nghề thủ công truyền thống (vì sợ con gái lấy chồng ngoài sẽ lộ bí mật nghề), hương ước các làng đều quy định mức đóng cheo nội chỉ bằng một nửa cheo ngoại, nhằm cổ vũ “trâu ta ăn cỏ đồng ta”.

 
Ảnh minh họa 

          Dân làng xưa ít ai thiếu lệ cheo. Đối với làng thì nộp cheo có ý nghĩa đấy là một khoản đóng góp bằng tiền hoặc hiện vật, góp cùng với tiền thu được từ những “lệ” khác như lệ hậu thần, hậu Phật; lệ bán ngôi nhiêu (bán những ngôi thứ không có thực quyền); lệ nộp tiền thế khao; tiền phạt vi phạm hương ước… để làng có khoản kinh phí đáp ứng việc xây dựng đường làng hoặc tu bổ đình, chùa miếu mạo… Còn với gia đình thì tiền nộp cheo có ý nghĩa trả một phần nhỏ ân tình đối với làng. Xong, từ thế kỷ XIX lệ nộp cheo bị chức dịch lợi dụng để mưu lợi riêng. Từ quy định ban đầu, lệ nộp cheo chỉ thu một vài quan tiền lẻ mang ý nghĩa tượng trưng; nay qua hương ước của một số làng, lệ thu cheo ngoại lên tới 20 – 30 quan tiền, tương đương giá hai con trâu to. Nhiều làng xã không những thu bằng tiền mặt mà còn bắt đóng bằng hiện vật như mâm đồng, gạch, gốm Bát Tràng… Trước tình trạng nạn cường hào phổ biến ở nông thôn và tệ hà lạm các khoản thu, trong đó có khoản tiền cheo. Năm 1921, thực dân Pháp đã ban hành Nghị định 1949 tiến hành công cuộc Cải lương hương chính. Tuy nhiên lệ nộp cheo cũng như việc chia cấp công điền, việc tế tự, ngôi thứ trong làng…, là những cổ tục đã ăn sâu vào nếp sống của từng làng, không dễ xóa bỏ. Một hình thức hôn nhân không có giấy giá thú, chỉ có một khoản đóng góp nhỏ theo lệ làng trước sự chứng kiến của chức dịch và bà con trong làng mà sao có sức sống trải mấy trăm năm. Để giúp độc giả có thêm hiểu biết về hình thức hôn nhân không có hôn thú này, tác giả bài viết có cuộc trao đổi với cụ Lê Xuân Thọ, Lão thành cách mạng năm nay 98 tuổi (quê Châu Khê – Thúc Kháng – Bình Giang) và một số cụ năm nay đã ở tuổi “Kim cương”, các cụ đều khẳng định: “Thôn làng xưa rất kỹ lưỡng trong vấn đề hôn nhân; trước khi nhận cheo, làng phải xét đôi nam nữ lấy nhau có hợp thức không. Nghĩa là có đúng luân thường đạo lý, tránh tình trạng trai gái trong nội tộc lấy nhau, hoặc hôn nhân không tự nguyện. Hình thức nộp cheo thay cho giấy giá thú, mới đầu tưởng đơn giản lỏng lẻo dễ tan vỡ. Nhưng thực ra hôn nhân này khá bền vững. Hầu như thế hệ cha ông chúng tôi sau nạp cheo thành vợ, thành chồng đều yêu thương gắn bó, sống với nhau đến đầu bạc răng long. Những trường hợp ly hôn là rất ít”.

          Trao đổi với các cụ rồi lại thầm so sánh giữa hình thức hôn nhân “lấy chồng thì phải nộp cheo” với hôn nhân tiến bộ thời nay, thời của những giao thoa, tiếp biến văn hóa, bên cạnh giá trị hôn nhân truyền thống cơ bản vẫn được giữ gìn, trong lĩnh vực hôn nhân – gia đình đã có những biểu hiện lệch chuẩn. Thời nay, thời nhiều người coi chuyện “bồ bịch” là mốt, thậm chí người ta còn hài hước so sánh đàn ông chỉ có một vợ với… bò. Thời mà không ít bạn trẻ  thành đôi, nên duyên chỉ qua một vài lần “chát” qua không gian ảo để rồi hình thành các cặp đôi “ba nhanh” (nhanh yêu – nhanh cưới – nhanh ly hôn). Qua báo cáo tổng kết của ngành tòa án về các vụ ly hôn, thì số vụ ly hôn có xu hướng trẻ hóa đang trở thành hiện tượng trong đời sống hôn nhân – gia đình.

          Qua việc đề cập đến hai hình thức hôn nhân gắn với hai thời kỳ lịch sử khác nhau, tác giả bài viết muốn gửi tới độc giả một thông điệp: Dù là hình thức hôn nhân nào, sau kết hôn đôi vợ chồng sống với nhau đến trọn đời phải được hiểu đó là mục đích cao đẹp mà hôn nhân thời đại nào cũng cần hướng tới. Và trong quá trình giao thoa, tiếp biến giữa các nền văn hóa, không phải cái gì mới cũng là cái văn hóa, tiến bộ và không phải cái gì thuộc xã hội phong kiến cũng bị cho là lỗi thời, lạc hậu.

 
         Nguyễn Tiến Quang 
Các tin mới hơn
Gần 1.000 đầu sách trưng bày khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc(16/04/2024)
Tiểu học Tân Kỳ hưởng ứng ngày sách và văn hóa đọc(16/04/2024)
Lễ hội truyền thống chùa Nhẫm Dương năm 2024(13/04/2024)
Gặp mặt tuyên dương các “Nghệ sỹ Nhân dân”, “Nghệ sỹ Ưu tú” lần thứ 10 (12/04/2024)
Gia Lộc: Hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam (05/04/2024)
Các tin cũ hơn
Văn hóa mạng của người Việt đang ở mức độ nào ?(16/07/2021)
Đồng chí Nguyễn Thành Trung giữ chức Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch(01/07/2021)
Những “hạt nhân” tiêu biểu trong phong trào văn nghệ ở Thanh Miện(30/06/2021)
Nhìn lại công tác Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Múa Rối nước tỉnh Hải Dương (30/06/2021)
Nâng cao giá trị văn hóa đọc, sự cần thiết của thời kỳ công nghiệp 4.0(30/06/2021)
Điểm du lịch
Khu trải nghiệm Côn Sơn: Điểm đến mới lạ, độc đáo, hấp dẫn du khách
Hướng đến Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2023, Khu trải nghiệm Côn Sơn (Côn Sơn Camping) chính thức khai trương đón chào du khách đến tham quan, trải nghiệm và tận hưởng không gian xanh mát tại Côn Sơn Camping.
Tìm kiếm
Liên kết website
na
na
na
na
na
http://dochoi.haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín