Văn hóa cơ sở
Thành phố Hải Dương phát triển phong trào văn nghệ quần chúng

Phong trào VNQC góp phần rất lớn vào việc nâng cao đời sống tinh thần của người dân, tạo sự đoàn kết trong các KDC.

Thời gian qua, phong trào văn nghệ quần chúng (VNQC) trên địa bàn thành phố phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng đã thu hút đông đảo người dân tham gia. Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở cơ sở.

Xác định tầm quan trọng của phong trào VNQC, thời gian qua, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho phong trào này. Điều này được thể hiện qua việc chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị, đặc biệt là Trung tâm Văn hóa -Thông tin, Thể thao (VH-TTTT) đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thành lập các loại hình câu lạc bộ (CLB) thuộc Trung tâm quản lý, các CLB tại các xã, phường, như: CLB yêu dân ca, CLB hát chèo, hát văn, thành lập các đội văn nghệ thôn, KDC... Trao đổi với chúng tôi, ông Đàm Minh Khôi, Phó Giám đốc Trung tâm VHTT-TT thành phố cho biết: Để thúc đẩy phong trào và hoạt động ngày càng hiệu quả, hàng năm, thành phố tổ chức từ 3 – 5 các liên hoan, hội diễn, hội thi nghệ thuật toàn thành phố như: Hội diễn sân khấu không chuyên; Liên hoan ca múa nhạc; Tiếng hát người lao động; Hát văn… và mở 1 – 2 lớp tập huấn cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ cơ sở; lựa chọn xây dựng 1 – 2 mô hình điểm câu lạc bộ (CLB) văn nghệ quần chúng tại các xã, phường. Đồng thời tổ chức 30 – 40 buổi biểu diễn, giao lưu văn nghệ quần chúng nhân các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch của tỉnh, thành phố cũng như các ngày lễ kỷ niệm lớn. Tại các cuộc thi, liên hoan, với sự đầu tư nghiêm túc, chất lượng nghệ thuật của các CLB, đội văn nghệ quần chúng ngày càng được nâng cao. Các tiết mục văn nghệ có nội dung phong phú, phản ánh những vấn đề của đời sống trên các lĩnh vực như: tình cảm biết ơn, quan tâm chăm sóc gia đình thương binh, liệt sĩ; tình yêu gia đình; tình yêu quê hương đất nước… Qua đó, vai trò của văn nghệ quần chúng ngày càng được khẳng định. Người dân ý thức hơn về vai trò của mình trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, tạo động lực đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất, thắt chặt tình đoàn kết dân tộc. 

 

            Không chính quy như hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp nhưng các CLB, đội VNQC có ưu thế lực lượng người của địa phương. Vì thế các chương trình văn nghệ cũng phản ánh đa dạng và thực chất các phong trào của địa phương, được quần chúng nhiệt tình cổ vũ, khích lệ. Phường Tân Bình được biết đến là một trong những đơn vị tiêu biểu của thành phố trong xây dựng và triển khai các phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng. Phường hiện có nhiều CLB và các tổ, đội văn nghệ tại các khu dân cư hoạt động có hiệu quả, điển hình là KDC số 8. Đến với CLB văn nghệ KDC số 8 ở phường Tân Bình mới thấy hết niềm đam mê cho hoạt động VNQC của những nghệ sỹ “nông dân” nơi đây. Được thành lập cách đây mười năm, CLB văn nghệ KDC số 8 hiện có 25 thành viên hoạt động thường xuyên vào thứ bảy hàng tuần. Vào những dịp lễ tết, sự kiện chính trị của địa phương, khi CLB đi diễn tại khu dân cư hay phường bạn lại thấy người dân háo hức gọi nhau đi xem, để thả hồn theo những điệu múa, lời hát của các “nghệ sỹ”. Trao đổi với chúng tôi, bà Lê Thị Nguyệt - Chủ nhiệm CLB hồ hởi khoe: đa phần thành viên của CLB là những người nông dân hàng ngày còn phải tất bật mưu sinh, nhưng sự nhiệt tình, thái độ tập luyện không hề thua những nghệ sỹ chuyên nghiệp. Họ sẵn sàng bỏ công sức tập luyện ròng rã chỉ với mong muốn đem lại niềm vui, tiếng cười cho người dân. Phần lớn những tiết mục của CLB đều tự dàn dựng và biểu diễn. Nội dung các tiết mục phong phú, đậm chất “cây nhà lá vườn” với các chủ đề quen thuộc, lồng ghép tuyên truyền về việc chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; ca ngợi Đảng, ca ngợi Bác Hồ; xây dựng đời sống văn hóa gắn với nông thôn mới. Chỉ bình dị thế thôi nhưng lại được người dân quan tâm thưởng thức và cổ vũ nhiệt tình.

 

Cũng như Tân Bình, phường Thanh Bình là một trong những phường có phong trào VNQC phát triển mạnh ở thành phố. Anh Trần Văn Vinh, công chức VH-XH phường cho biết: phường hiện có 14 đội văn nghệ (100% các KDC của phường đều có đội văn nghệ). Mỗi đội văn nghệ thu hút từ 20 - 30 người tham gia. Hàng tháng, các đội đều tổ chức sinh hoạt để cùng giao lưu, tập luyện các tiết mục văn nghệ, các làn điệu dân ca, dân vũ… Qua đó, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của bà con. Ngoài ra, những diễn viên, nghệ nhân nòng cốt ở các đội văn nghệ còn truyền dạy các làn điệu dân ca, nhạc cụ dân tộc cho thế hệ trẻ, từ đó đã đưa hoạt động văn nghệ của địa phương ngày càng phát triển.

Ông Đàm Minh Khôi, Phó Giám đốc Trung tâm VHTT-TT thành phố cho biết thêm: Nhờ thực hiện tốt việc tuyên truyền, chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan, đơn vị chuyên môn, đến nay, phong trào văn nghệ quần chúng trên địa bàn thành phố phát triển khá đa dạng. Hiện nay, thành phố có trên 250 CLB, đội VNQC thuộc 25 xã, phường, thôn, KDC và nhiều hội, đoàn thể đang hoạt động nền nếp, hiệu quả. Mỗi đội, CLB VNQC có từ 15 -20 người là những nông dân, công chức - viên chức hay công nhân, lao động trong các nhà máy, xí nghiệp, các tiểu thương… Điểm mới là thành viên các đội văn nghệ ngày càng được trẻ hóa, có năng khiếu nhiều loại hình nghệ thuật. Nhiều đội văn nghệ chủ động mua sắm trang phục, đạo cụ bằng nguồn xã hội hóa và sự hỗ trợ một phần của ngân sách địa phương. Tuy không được đào tạo bài bản về âm nhạc, nghệ thuật nhưng với đam mê người dân đã tự học hỏi, trau dồi vốn hiểu biết về nghệ thuật để mang lời ca tiếng hát góp vui cho đời và truyền tải chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với mọi người.

Phong trào văn nghệ quần chúng ở thành phố Hải Dương phát triển trước hết bắt nguồn từ chính nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân. Họ coi văn nghệ là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống và những người có năng khiếu luôn sẵn sàng, nhiệt tình tham gia biểu diễn khi được huy động. Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động văn nghệ quần chúng ở đây vẫn còn những khó khăn, hạn chế, làm ảnh hưởng nhất định đến quy mô, chất lượng và hiệu quả của các hoạt động. Khó khăn lớn nhất hiện nay là kinh phí dành cho hoạt động văn nghệ quần chúng nhìn chung còn hạn hẹp so với nhu cầu. Chủ yếu các CLB, tổ, đội nhóm hoạt động dựa trên nguồn xã hội hóa, tập hợp những người cùng sở thích, cùng đóng góp, cùng sinh hoạt và cùng thưởng thức. Trong khi đó, đời sống của người dân ở một số nơi vẫn còn gặp nhiều khó khăn... Do đó, việc phát triển cả về số lượng và chất lượng văn nghệ ở nhiều địa phương vẫn chưa được như kỳ vọng. Trao đổi với chúng tôi, ông Khôi nói: Để nâng cao cả chất và lượng các hoạt động VNQC, trước hết cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp đối với hoạt động văn hóa, văn nghệ ở mỗi địa phương. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và nghiên cứu cơ chế khuyến khích để các CLB, đội nhóm văn hóa, văn nghệ hoạt động ngày càng hiệu quả phù hợp với thực tế tại từng khu vực. Đặc biệt, có cơ chế khuyến khích các nghệ nhân dân gian để họ tham gia truyền dạy và gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống. Ngoài ra, để duy trì, phát triển các CLB thì ban chủ nhiệm các CLB hoặc đại diện các đội nhóm cần có định hướng cụ thể, xây dựng được chương trình hoạt động phù hợp với nhu cầu hội viên và đặc thù địa phương.

          Cần khẳng định rằng, phong trào VNQC góp phần rất lớn vào việc nâng cao đời sống tinh thần của người dân, tạo sự đoàn kết trong các KDC. Tuy nhiên, để phong trào VNQC được duy trì và phát triển có chiều sâu, các địa phương cần phải phát huy khả năng sáng tạo của cộng đồng với những phương cách mới trong việc xây dựng môi trường hoạt động, khuyến khích quần chúng tham gia hưởng ứng, tạo nên sân chơi đa dạng và hấp dẫn, để VNQC là món ăn tinh thần của người dân ở cơ sở. Thực tế cho thấy, tại các địa phương, cơ quan, đơn vị có phong trào văn nghệ quần chúng phát triển mạnh đều là những đơn vị tiêu biểu trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

                                                 Thu Hồng

 

Các tin mới hơn
Gần 1.000 đầu sách trưng bày khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc(16/04/2024)
Tiểu học Tân Kỳ hưởng ứng ngày sách và văn hóa đọc(16/04/2024)
Lễ hội truyền thống chùa Nhẫm Dương năm 2024(13/04/2024)
Gặp mặt tuyên dương các “Nghệ sỹ Nhân dân”, “Nghệ sỹ Ưu tú” lần thứ 10 (12/04/2024)
Gia Lộc: Hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam (05/04/2024)
Các tin cũ hơn
Tìm hiểu về việc Bác Hồ sử dụng người tài(27/08/2021)
Điểm sáng làng văn hóa Cẩm Lý(27/08/2021)
Ứng xử văn hóa, văn minh trong tình hình dịch bệnh(27/08/2021)
Tái hiện “Không gian bếp Việt xưa” và trải nghiệm xay thóc, giã gạo tại Bảo tàng tỉnh Hải Dương(27/08/2021)
Hoài niệm miền đất cổ(26/07/2021)
Điểm du lịch
Khu trải nghiệm Côn Sơn: Điểm đến mới lạ, độc đáo, hấp dẫn du khách
Hướng đến Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2023, Khu trải nghiệm Côn Sơn (Côn Sơn Camping) chính thức khai trương đón chào du khách đến tham quan, trải nghiệm và tận hưởng không gian xanh mát tại Côn Sơn Camping.
Tìm kiếm
Liên kết website
na
na
na
na
na
http://dochoi.haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín