Gia đình xã hội
Lưu giữ phong tục Tết xưa

Ngày nay đời sống kinh tế của người dân được nâng lên kéo theo đó là sự tất bật mưu sinh, nhưng vẫn có người dành thời gian, tâm huyết để gia đình đón một cái Tết thật ý nghĩa và mang đậm phong tục cổ truyền. Đó là anh Đặng Xuân Chiến, thôn Bằng Giã, xã Tân Việt, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương.

Hoài niệm Tết xưa

Anh Đặng Xuân Chiến, hiện là Bác sĩ Chuyên khoa II, Trưởng khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản - Trung tâm Y tế huyện Bình Giang, tôi biết anh cách đây cũng hơn hai mươi năm và cũng có nhiều dịp được “mục sở thị” gia đình anh đón Tết Nguyên đán. Tuy công việc bận rộn nhưng anh vẫn dành thời gian cho những thú vui hoài cổ như: trà đạo, cây cảnh, sưu tầm tượng và các loại đồ gỗ, thư pháp, đọc sách... đặc biệt là các sách về phong tục tập quán. Hôm nay, trong những ngày cận kề Tết Nhâm Dần (2022), tôi cùng anh ngồi đối ẩm, thưởng trà. Nâng trên tay chén trà hương thơm lan tỏa, như giúp anh khơi nguồn ký ức về Tết xưa: Tôi năm nào cũng được giao nhiệm vụ dọn dẹp, quét vôi ve cho ngôi nhà sạch mới. Bận rộn nhất là ngày 30 Tết, cả nhà tập trung gói bánh chưng, mẹ lựa gạo và đồ rất kỳ công, gạo nếp cái hoa vàng, hạt phải mẩy đều. Để bánh chưng có mầu xanh từ ngoài vào trong, mẹ dùng lá cây giềng, rửa sạch, tước nhỏ và giã thật kỹ lấy phần diệp lục của lá pha với nước ấm, bóp đều rồi lọc lấy nước mầu xanh để hồ gạo (hồ ít nhất 3 lần), bánh được luộc trên bếp củi khoảng 12 giờ, giúp bánh mềm, dẻo và lâu lại gạo. Khi chất bánh chưng mẹ luôn để một thau nước mưa lên trên nắp nồi vừa dùng để chế thêm cho nồi bánh vừa dùng nước đó để tắm chiều 30, gọi là “tắm tất niên”, bây giờ ít người biết và còn nhớ. Buổi chiều cả gia đình đi thắp hương tại nghĩa trang liệt sĩ để ghi nhớ công lao to lớn của những người đã hi sinh vì đất nước, sau đó ra nghĩa trang của thôn, nơi có phần mộ của gia đình nhặt cỏ, dọn dẹp và thắp hương mời các cụ tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu. Những việc làm này luôn khắc ghi trong mỗi chúng tôi, để khi lớn lên đi học, đi công tác vẫn luôn nhớ về nguồn cội, quê hương, tổ tiên và gia đình. Với tôi bữa cơm chiều 30 Tết thật ý nghĩa cả gia đình quây quần bên mâm cơm nói cười vui vẻ, mọi lo âu thường ngày tan biến, chỉ còn niềm vui. Đêm 30 là khoảng thời gian rất thiêng liêng, sau khi dạo chơi một vòng quanh mấy nhà bạn trong xóm, trở về nhà đi dưới những hạt mưa xuân lất phất bay chợt làm tôi nhớ đến những câu thơ trong bài “Mưa xuân” của nhà thơ Nguyễn Bính “Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay\ Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy/ Hội chèo làng Đặng đi qua ngõ/ Mẹ bảo: Thôn Đoài hát tối nay…”. Và hình ảnh thiêng liêng mà tôi không bao giờ quên là cả gia đình quây quần bên nồi bánh chưng đang rền trên bếp, ánh lửa bập bùng ấm áp như tình thương cha mẹ dành cho chúng tôi.

 

Phong vị Tết cổ truyền của nhà anh Chiến.

 

Sáng mồng một Tết Nguyên đán từ xưa đến nay rất được coi trọng, bởi đó là buổi sáng đầu tiên trong năm mới. Do vậy, việc làm mâm cơm cúng được các gia đình chuẩn bị chu đáo, để cầu mong một năm mới khỏe mạnh, bình an và tài lộc. Anh Chiến cho biết: sáng mồng một, cha mẹ là người dậy sớm nhất để chuẩn bị mâm cỗ thắp hương gia tiên và đun nồi nước lá thơm (thường là cây mùi già phơi khô) để cả nhà rửa mặt, tôi không rửa ngay mà hít hà mùi thơm của nước, một cảm giác thật thú vị của ngày đầu năm mới. Bữa cơm đầu năm với thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng xanh... sau đó mỗi người chọn một bộ quần áo mới và hân hoan đi chúc Tết họ hàng, bà con xóm giềng. Đã thành thông lệ, sáng mồng một đại gia đình tập trung tại nhà cụ nội, chúc Tết và mừng tuổi cụ, sau đó bố sẽ dẫn đoàn đến lần lượt từng nhà để chúc Tết, bọn trẻ chúng tôi tung tăng theo sau, vui nhất khi được người lớn mừng tuổi và ăn bánh kẹo thỏa thích. Ngày mồng hai cả nhà về quê ngoại. Tôi vẫn nhớ như in cái ổ rơm ở góc nhà ông bà ngoại, với tôi không một đệm chăn nào ấm hơn cái ổ rơm đó. Mồng ba bố mẹ thường dẫn anh em chúng tôi đi lễ chùa và xin chữ để cầu bình an và mong con cái học tập tốt. Những ngày Tết còn kéo dài vài hôm nữa sau đó trẻ con lại tiếp tục đến trường, người lớn đi làm bắt đầu một năm mới và chúng tôi lại tiếp tục đợi một cái Tết mà rất lâu nữa mới đến.

 

Lưu giữ phong tục Tết cổ truyền

Hiện nay, anh Đặng Xuân Chiến có một gia đình ấm êm, việc làm ổn định, dù bận việc công, việc tư (vợ chồng anh mở một phòng khám tại nhà), nhưng mỗi khi Tết đến, Xuân về anh chị vẫn dành thời gian cùng các con chuẩn bị đón một cái Tết đủ đầy, ý nghĩa đậm hương vị quê hương. Anh tâm tư: Những cánh đồng thẳng cánh cò bay, giờ một số đã trở thành khu công nghiệp, khu dân cư do đó không khí tấp nập của những ngày cuối năm ngoài đồng ruộng cũng bớt đi. Chợ ngày Tết vẫn đông vui, náo nhiệt nhưng sự háo hức được đi chợ Tết không còn, trẻ con ít mong Tết và người lớn có khi còn “sợ” Tết. Tuy vậy vợ chồng tôi vẫn tự tay chuẩn bị mọi thứ, cùng các con dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, mâm ngũ quả dâng cúng tổ tiên cầu mong một năm sung túc đủ đầy, chọn 2 cây mía tím còn nguyên ngọn, cong đều dựng hai bên ban thờ, gói và luộc bánh chưng theo công thức trao truyền của mẹ, tìm một cây tre thật đẹp để dựng cây Nêu trước nhà, mua cây quất, cây đào và tự tay làm vài bát hoa thủy tiên cho thêm sắc xuân, đôi câu đối đỏ điểm tô phòng khách. Tôi năm nay ngoài tứ tuần, cái tuổi đủ từng trải và suy ngẫm, hơn ai hết tôi vẫn yêu và nhớ Tết cổ truyền và luôn mong muốn giữ gìn những nét đẹp và phong tục của một cái Tết mà cả tuổi thơ anh em chúng tôi mong chờ.

 

Để chữ cho con.

 

Tự tay chuẩn bị cho những ngày Tết không phải việc dễ làm mà cần phải là người tâm huyết và am hiểu phong tục Tết cổ truyền của dân tộc, anh chia sẻ: Tôi vẫn nhớ dân gian vẫn truyền câu “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ/ Cây Nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Bây giờ rất hiếm nhà trồng cây Nêu đón Tết, còn nhà tôi năm nào cũng phải có một cây, được trang trí đầy đủ các vật phẩm của một cây Nêu cổ truyền và được dựng vào ngày 23 tháng Chạp đến mồng 7 tháng Giêng thì hạ xuống. Về câu đối, tôi thường chọn những câu mang ý nghĩa chúc tụng, cầu mong những điều may mắn tốt đẹp in trên phông nền đỏ và treo ở vị trí trang trọng trong nhà. Nồi bánh chưng, tôi vẫn gói cầu kỳ như mẹ vẫn làm, nhưng thời gian gói sớm hơn, vẫn có thau nước mưa để chế, nhưng không còn “tắm tất niên” vì nay đã có bình nước nóng để dùng. Mâm cỗ gia đình vẫn giữ như trước kia, tuy không ăn nhiều nhưng vẫn phải có thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng xanh. Tôi còn nhớ, có lần phải ngược xuôi cả chợ quê để mua bằng được một miếng thịt lợn có hai phần mỡ, một phần nạc đúng ý. Tôi đã tìm lại và học cách gọt hoa thủy tiên, loài hoa có hương thơm thanh tao thuần khiết, thú chơi xưa nay Hải Dương rất ít người chơi, chỉ có ở các thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng. Để giữ gìn và lan tỏa thú chơi này, tôi và những người cùng sở thích đã thành lập CLB Hoa thủy tiên huyện Bình Giang, đến nay CLB đã có hàng trăm người tham gia. Trên ban thờ và phòng khách ngày Tết có thêm bát hoa thủy tiên với mầu trắng tinh khôi và hương thơm thuần khiết sẽ càng thêm ý nghĩa. Gia đình tôi vẫn giữ được phong tục khai bút đầu xuân, ngày đầu năm mới sẽ đặt bút viết về những điều tốt đẹp, những mong ước, hoài bão, hay chỉ đơn thuần chép lại những bài thơ, đoạn văn yêu thích. Việc làm này có ý nghĩa giáo dục các con luôn đề cao sự học và tôn trọng nghiệp bút nghiên.

Cháu Đặng Vũ Minh Nguyệt 10 tuổi, con gái lớn anh Chiến hào hứng chia sẻ: những ngày Tết cháu rất vui, được cùng bố mẹ dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, tham gia dựng cây Nêu, gói bánh chưng và tự tay gói riêng cho mình một cái nhỏ bằng ½ cái bình thường, rồi háo hức mong được vớt bánh, song không ăn mà cất đi như một món quà quý. Hồi hộp chờ đợi để được mặc quần áo mới, đi chúc Tết và rất vui khi được nhận tiền mừng tuổi, thành kính đi lễ chùa đầu năm… vừa làm vừa được bố mẹ truyền dạy ý nghĩa phong tục ăn Tết của người Việt, cháu càng thêm yêu quê hương đất nước và luôn phấn đấu là con ngoan trò giỏi.

Trong cuộc sống hiện đại, mọi người đang được hưởng những thành quả của nền công nghiệp 4.0 chỉ cần một cái nhấp chuột (máy tính) hay gạt ngón tay trên chiếc điện thoại thông minh là có người mang đến tận nhà. Người như anh Đặng Xuân Chiến vẫn gìn giữ và lưu truyền phong tục ăn Tết cổ truyền thật trân quý.

 

Bá Giang
Các tin mới hơn
Gần 300 học viên tham dự lớp bồi dưỡng công tác nếp sống văn hoá và gia đình năm 2023(24/10/2023)
Hội thi Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững tỉnh Hải Dương năm 2023(04/07/2023)
Gần 250 học viên tham gia lớp tập huấn nghiệp vụ về công tác gia đình(19/08/2022)
Lê Văn Ưu – “Nghệ sĩ” sân khấu không chuyên(02/08/2022)
Các tin cũ hơn
Chuyện về nữ Thanh niên xung phong Nguyễn Thị Trâm(06/12/2021)
Gia đình hạnh phúc từ tình yêu đẹp trong thời chiến(06/09/2021)
Cần tiếp thêm sức mạnh cho gia đình trong giai đoạn hiện nay(27/08/2021)
Hội thi CLB “Gia đình phát triển bền vững” tỉnh Hải Dương năm 2020(30/11/2020)
Còn không tư tưởng Trọng nam, khinh nữ?(27/07/2020)
Điểm du lịch
Khu trải nghiệm Côn Sơn: Điểm đến mới lạ, độc đáo, hấp dẫn du khách
Hướng đến Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2023, Khu trải nghiệm Côn Sơn (Côn Sơn Camping) chính thức khai trương đón chào du khách đến tham quan, trải nghiệm và tận hưởng không gian xanh mát tại Côn Sơn Camping.
Tìm kiếm
Liên kết website
na
na
na
na
na
http://dochoi.haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín