Văn hóa cơ sở
Từ văn hóa chào hỏi trong đời sống, đến nghi thức chào quốc kỳ và hát quốc ca- đôi điều cần trao đổi

Không ai biết tiếng chào có từ bao giờ, nhưng có lẽ không dân tộc nào, ngôn ngữ nào lại thiếu tiếng chào, hành vi chào. Chào là cách để bày tỏ tình cảm giữa người với người khi gặp nhau. Và tiếng chào, hành vi chào, từ chỗ dùng để bày tỏ quan hệ giữa người với người, nó đã được nâng lên để bày tỏ tình cảm của cộng đồng với quốc gia, dân tộc.

Từ hành vi bày tỏ tình cảm giữa người với người...

Nếu lấy hành vi, cử chỉ làm phương tiện biểu đạt, cũng có rất nhiều cách chào khác nhau. Một số dân tộc ở các quốc gia châu Âu, khi gặp nhau, người ta thường giơ tay lên để chào, bắt tay hoặc hôn nhau. Văn hóa chào của người Anh ngoài bắt tay còn có những mẫu câu như: Hello, Goodmorning... Người Nhật gặp nhau, người ta dừng lại, tay để thẳng theo chân, gập người, cúi đầu để chào nhau. Với người Thái Lan hay người Lào chịu ảnh hưởng của văn hóa Phật giáo Ấn Độ, lại chào nhau bằng cách chắp tay trước ngực như lễ Phật và cúi đầu, biểu lộ vẻ khiêm nhường, thành tâm và cung kính.

Khác với nhiều dân tộc, người Việt khi gặp nhau, theo cách chào truyền thống thì không dùng hành vi cử chỉ mà dùng lời nói để biểu đạt. Nói cách khác, người Việtchào nhau bằng miệng chứ không bằng động tác. Chào được xem như một hành vi mang tính đạo đức. Khi một người gặp người bề trên (người cao tuổi hay người có bề bậc trong dòng họ, chức sắc trong xã hội) mà không chào thì được xem là vô lễ, bị nguyền rủa là “đồ câm”, hay “không có mồm”. Những “mẫucâu” mà người Việt thường dùng để dạy trẻ nhỏ chào là “cháu/con/em chào ông bà, cô dì, chú bác, bố mẹ hay anh chị”. Nhưng ngược dòng lịch sử, lại thấy người Việt xưa chào nhau không hề cứng nhắc, phải tuân theo một mẫu câu nào; trái lại, lời chào được thể hiện linh hoạt và uyển chuyển hơn bây giờ. Ngày nay, ở vùng thôn quê vẫn còn giữ được cung cách chào theo lối xưa: tức là khi gặp người cao tuổi, người ít tuổi luôn chủ động hỏi han thay cho một lời chào. Câu hỏi cũng rất đa dạng và linh hoạt. Nếu gặp người đi chân tay không thì có thể hỏi “bác đi đâu đấy?”, nhưng trên người có mang dụng cụ lao động thì câu hỏi lại có thể chuyển thành “bác đi làm gì đấy?”. Gặp cụ già chống gậy, không ai hỏi “ cụ làm gì” mà thay vào đó là “cụ đi chơi đâu?”. Người Việt có một loại câu hỏi thay cho lời chào mà có lẽ không quốc gia nào có. Đó là câu hỏi “ăn cơm chưa”?Dù là gặp nhau ở ngoài đường hay bước chân vào nhà người khác ở thời điểm gần trưa hay tối, người ta hay hỏi nhau “ăn cơm chưa?”. Lý giải về hiện tượng này, người viết cho rằng, có thể do người xưa sống trong nghèo đói triền miên, nên gặp nhau, quan tâm đến nhau, yêu thương nhau là hỏi điều thiết thực xem đã có gì cho vào bụng chưa! Cách chào hỏi này trong đời sống hiện đại, khi nhu cầu về ăn, mặc đã đầy đủ thì dường như cũng giảm dần. Có thể thấy rằng, trong lời chào hỏi mang tính truyền thống của người Việt, nó có nội hàm và chức năng riêng, lớn hơn một hành vi chào của người dân các nước khác. Ngoài sự bày tỏ lòng thành kính, lời chào hỏi  còn là sự chia sẻ, cảm thông và thấu hiểu lẫn nhau giữa người chào với người được chào. Vì thế, trong ngôn ngữ tiếng Việt, hai từ “chào hỏi” luôn đi đôi với nhau.

Để cho câu chào là một lời hỏi không sáo rỗng, người chào nên biết tùy vào đối tượng, tùy vào từng trường hợp, hoàn cảnh mà có câu hỏi chào cho phù hợp. Một câu chào hỏi được cho là phù hợp khi nó vừa thể hiện sự suy nghĩ chân thành của người chào vừa đem lại sự hài lòng, đôi khi là lời an ủi, lời động viên, khích lệ kịp thời, đem lại niềm vui cho người được chào. Ngược lại, cũng chính vì chào và hỏi có sự liên quan với nhau như vậy, nên khi gặp nhau mà đưa ra lời “chào hỏi” không phù hợp - dù chỉ là vô tình, cũng có thể khiến người được chào không vui, thậm chí là bị tổn thương, cảm thấy khó chịu, hoặc có cảm giác như người hỏi cố tình soi mói hoặc xúc phạm mình. Cho nên, cách thức chào bằng câu hỏi bên cạnh cái hay cũng có mặt hạn chế, đòi hỏi người sử dụng câu hỏi thay cho lời chào phải biết linh hoạt. Trong dân gian có truyện cười, kể rằng: một anh dở người sắp cưới vợ, bố mẹ đẻ căn dặn sang nhà bố mẹ vợ gặp ai cũng phải nhớ chào hỏi cho lễ phép. Anh ta vâng lời, làm theo đúng những gì bố mẹ đã căn dặn. Sang nhà vợ đúng lúc mẹ vợ đang làm một việc kín đáo nhưng anh ta xông vào hỏi rất thật thà: mẹ đang đái ạ? Tuy chỉ là truyện cười, nhưng qua đó người xưa gửi gắm vào đó nội dung giáo dục con người phải biết cách thức ăn nói trong chào hỏi. Chào hỏi thể hiện nét đẹp tinh tế, văn hóa của con người, cho nên, việc chào hỏi như thế nào không được xem nhẹ. Hiện nay trong lớp trẻ xuất hiện tình trạng khi bố mẹ bế con đến nhà ông bà chơi, lúc ra về thường nhắc con đưa tay vẫy vẫy kèm theo câu nói “bai, bai”, thay cho lời chào, xem ra có gì đó chưa ổn về văn hóa ứng xử! Vẫn biết rèn cho trẻ nhỏ làm quen với ngoại ngữ từ nhỏ là cần thiết, nhưng cần phân biệt rõ việc rèn dạy tiếng Anh cho trẻ và việc dạy trẻ chào hỏi ông bà theo đúng phép tắc và có văn hóa là hai việc khác nhau!

 
Ảnh minh họa 

Đến hành vi bày tỏ tình cảm của cộng đồng với quốc gia, dân tộc

Hành vi chào không chỉ bày tỏ tình cảm giữa con người với con người qua giao tiếp, trong những trường hợp cụ thể, mà nó còn dùng để bày tỏ tình cảm của con người với một thực thể ở tầm vĩ mô, có tính khái quát và thiêng liêng hơn. Đó là nghi lễ chào quốc kỳ được thực hiện trong cộng đồng dân tộc hay trong phạm vi nhỏ hẹp hơn, như: trong một  ngành nghề, một tổ chức chính trị - xã hội.

        Nếu như việc chào hỏi nhau trong quan hệ giữa người với người, mang tính tự giác, theo phong tục, tập quán, thì nghi lễ chào quốc kỳ lại được thực hiện theo đúng quy định mang tính bắt buộc và thống nhất. Những quy định đó được trình bày một cách cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật, từ thông tư, nghị định đến các điều khoản của Hiến pháp và pháp luật.

         Đối với Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, nghi lễ chào cờ được Hội đồng Đội Trung ương quy định,gồm có nghi thức diễu hành rước cờ, nghi thức đánh trống và thổi kèn theo nhịp hành khúc, sau đó mới đến nghi thức chào cờ. Khi chào cờ, các đội viên đứng nghiêm trang, tay phải đưa lên theo hiệu lệnh chào, ngón tay duỗi thẳng đặt phía trên lông mày và hát quốc ca.

         Nghi lễ chào trong ngành Công an nói  chung, được quy định rất cụ thể. Trong đó, bao gồm cách thức chào lãnh đạo cấp trên và nghi thức chào quốc kỳ. Với cách thức chào cấp trên, được ngành quy định rất chi tiết: chào khi báo cáo, chào khi gặp trên đường, chào khi đi cùng chiều, chào khi đi ngược chiều, chào khi đội mũ và không đội mũ. Với nghi thức chào quốc kỳ, ngành Công an cũng quy định rõ việc thực hiện trong từng trường hợp cụ thể, như: hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, hội nghị tổng kết năm, lễ kỷ niệm ngày truyền thống, lễ phát động triển khai chiến dịch, lễ khai mạc bế mạc đợt tập huấn, lễ trao giải thưởng, lễ phong tặng quân hàm... Cách thức chào quốc kỳ cũng quy định rất chi tiết: tay phải giơ lên trước mặt, ngón tay đặt trên lông mày, mắt nhìn thẳng lên lá quốc kỳ.

         Trừ một số ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội đặc thù có quy định riêng, còn lại thì nghi thức chào quốc kỳ được quy định chung cho toàn dân, áp dụng trong các hoạt động nghi lễ của cộng đồng, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp. Nghi thức chào quốc kỳ, có hai điểm cần chú ý là đứng nghiêm chào cờ và hát quốc ca. Nghi thức chào cờ dành cho toàn dân so với các ngành đặc thù mặc dù đã được giản lược đi rất nhiều cho dễ vận dụng, nhưng trong thực tế lại đang phát sinh những vấn đề cần bàn để đi đến cách hiểu và vận dụng thống nhất cũng như nhận ra những sai sót cần khắc phục.

Trước hết, cần ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của ngành Giáo dục trong việc hướng dẫn cho học sinh hát quốc ca trong khi chào quốc kỳ. Đây là hoạt động diễn ra thường xuyên trong nhà trường - nhất là trong trường phổ thông, từ bậc tiểu học đến trung học. Có thể khẳng định, 100% học sinh các trường đều hát quốc ca khi chào cờ. Trong mỗi buổi sinh hoạt tập thể, những học sinh khi chào cờ chưa nghiêm trang, không hát theo tập thể đều được nhắc nhở nên việc chấp hành nghi thức cũng đi vào nền nếp. Các trường đều có địa điểm tổ chức lễ chào cờ ổn định nên phương tiện, thiết bị phục vụ cho buổi lễ đều được chuẩn bị đầy đủ, chu đáo: có quốc kỳ, băng nhạc... Tuy nhiên, việc thực hiện nghi thức chào cờ trong nhà trường không vì thế mà không có việc cần chấn chỉnh. Đó là việc phân biệt giữa chào cờ theo nghi thức Đội với chào cờ theo lễ nghi nhà nước. Chào cờ theo nghi thức đội (như đã nói ở trên), chỉ sử dụng trong sinh hoạt và lễ hội của Đội, do Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh tổ chức, chứ không được áp dụng vào hoạt động tập thể của toàn trường, do lãnh đạo trường tổ chức có cán bộ, giáo viên, nhân viên và khách mời tham gia. Nhiều trường tổ chức lễ khai giảng năm học mới, lễ đón nhận bằng công nhận trường chuẩn quốc gia hoặc huân chương lao động, ngoài học sinh còn có rất nhiều giáo viên, phụ huynh học sinh và quan khách đến dự nhưng vẫn chào cờ theo nghi thức sinh hoạt Đội, chỉ vì “tiệncó đội nghi thức của Đội đứng ra lo” là vô tình đã vi phạm quy định mang tính nhà nước trong nghi lễ. Nhiều trường hợp, học sinh chào cờ không theo nghi thức Đội (đưa tay lên trán) mà cũng chẳng theo nghi thức nhà nước (đứng nghiêm) mà lại đưa tay phải lên áp vào ngực trái. Cách làm như vậy là bắt chước đội bóng đá quốc gia tham gia các giải đấu quốc tế; các đội bóng này cũng không phải làm theo nghi thức mà ngành thể thao quy định mà chỉ là bắt chước một số nước mà thôi. Trong văn hóa của người Việt, nếu dùng bộ phận cơ thể con người để biểu đạt tình cảm thì đó không phải là trái tim, mà là “tấm lòng”. Trong lời ăn tiếng nói của người Việt có vô số những cụm từ như vậy để diễn đạt tình cảm của con người với nhau: trai gái yêu nhau người Việt nói là “phải lòng”; một người nghĩ xấu về người khác thì nói là “xấu bụng”; tình yêu đất nước người Việt nói là “lòng yêu nước”. Tố Hữu viết về Mị Châu: “trái tim lầm lẫn để trên đầu” (ý nói tình cảm thay cho lý trí) là cách nói của phương Tây chứ không phải truyền thống của người Việt!

Với các cơ quan, đơn vị khác, việc thực hiện nghi thức chào cờ tuy đã có nhiều tiến bộ so với những thập niên của thế kỷ trước, nhưng cũng còn nhiều vấn đề cần phải thống nhất. Trước hết là người điều hành nghi lễ cần chú ý trong khâu tổ chức sao cho hiệu lệnh ban ra phải rành mạch, rõ ràng, trang nghiêm; lời hô có đủ cả phần dự lệnh và mệnh lệnh, để đội hình chào cờ thống nhất và hát đồng đều. Điểm yếu nhất trong nghi lễ chào cờ với một tập thể đông người không cố định (đại biểu từ nhiều nơi đến) là nếu không có nhạc nền thì hát không đồng đều, không đúng nhạc. Trong trường hợp có nhạc nền thì người tham gia chào cờ lại không hát, hoặc có người hát người không, rất chệch choạc, mặc dù mọi người đều biết khi chào cờ phải hát quốc ca theo quy định. Điều cần đặc biệt chú ý đối với đơn vị tổ chức sự kiện  là trong những nghi lễ quan trọng được truyền hình trực tiếp, lúc chào cờ, đại biểu cần  chú ý chỉnh đốn trang phục, không thể không hát quốc ca và tránh tình trạng thiếu tập trung, với vẻ mặt kém trang nghiêm.Nếu để xảy ra những sơ suất, không chỉ ảnh hưởng đến thành công chung buổi lễ, mà cá nhân đại biểu cũng trở nên phản cảm trong con mắt của mọi người.

Về “đối tượng” chào - tức lá quốc kỳ, tưởng như không có vấn gì cần bàn thì hiện đang là khâu bộc lộ nhiều sơ suất nhất trong nghi lễ chào cờ của các cơ quan, đơn vị. Quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày nay là quốc kỳ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, được Chủ tịch nước giao cho Bộ trưởng Bộ Nội vụ lúc bấy giờ (đại tướng Võ Nguyên Giáp) ký ban hành theo sắc lệnh số 05 ngày 05/9/1945. Trong đó, quy định: nền cờ màu đỏ tươi; sao vàng năm cánh màu vàng tươi; chiều rộng của cờ bằng 2/3 chiều dài . Sau này, quốc kỳ được Hiến pháp thừa nhận và bổ sung thêm chi tiết về cánh ngôi sao, hai mặt ngôi sao đồng tâm với nhau và nằm trên đường chéo của hình chữ nhật... Sở dĩ phải nhắc lại điều này bởi trong thực tế đã xảy ra những trường hợp chào cờ mà không hề có cờ chỉ vì người tổ chức không phân biệt được sự khác nhau giữa quốc kỳ thật và cái giống như quốc kỳ hoặc hình ảnh của quốc kỳ! Người viết bài này đã từng chứng kiến hai sự kiện tại lễ chào cờ “có một không hai” trên địa bàn thành phố Hải Dương (xin không tiện nêu tên cơ quan đơn vị). Đó là lần đơn vị nọ tổ chức đại hội, người điều hành chương trình hô đại biểu đứng dậy làm lễ chào cờ nhưng nhìn mãi không thấy cờ ở đâu (do sơ suất trong công tác tổ chức). Lần khác, chỉ cách đó một năm, tại lễ kỉ niệm 40 năm ngày thành lập hội, cũng do đơn vị đó tổ chức, khi đại biểu nhất loạt đứng dậy theo mệnh lệnh chào cờ, mọi người đang ngơ ngác vì không thấy cờ đâu, thì đột ngột “hình ảnh quốc kỳ” xuất hiện trên màn hình rộng qua kết nối với máy vi tính trình chiếu. Như thế là đại biểu chào ảnh cờ chứ không có cờ thật! Việc làm nói trên thực sự đã “gây sốc” cho đại biểu đến dự. Hiểu về sự hiện diện của lá quốc kỳ trong nghi lễ chào cờ như trong trường hợp trên là không thể chấp nhận được, tuy nhiên, đó chỉ là hãn hữu!

Trường hợp sau đây là cách hiểu khá phổ biến về lá quốc kỳ không đúng với quy định, rất cần được chấn chỉnh. Đó là việc lấy phông trang trí sau bục đặt tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trên sân khấu thay cho lá quốc kỳ. Bục tượng Hồ Chí Minh đặt trên sân khấu hội trường được làm theo một mẫu thống nhất, tuy độ cao thấp, to nhỏ mỗi nơi một khác- tùy thuộc vào kích thước không gian của hội trường: sau bức tượng Bác Hồthường là tấm vải nhung liền mảnh, màu đỏ sẫm. Trên nền vải đó gắn biểu tượng búa niềm phía bên trái và ngôi sao vàng phía bên phải. Biểu tượng búa niềm và ngôi sao hình nổi, bằng chất liệu meca. Kích thước biểu tượng búa niềm, ngôi sao cùng với chiều rộng, chiều dài của nền vải không theo quy định bắt buộc, mà tùy thuộc vào không gian của hội trường. Thế nhưng, rất nhiều cơ quan, đơn vị lại “mặc định” cho nó là quốc kỳ, dùng mảng trang trí đó thay cho quốc kỳ mỗi khi làm nghi lễ chào cờ. So sánh, đối chiếu giữa mảng trang trí trên nền vải trên với lá quốc kỳ được làm theo đúngquy cách đượcquy định mang tính nhà nước (được ghi trong sắc lệnh và hiến pháp, là những văn bản pháp luật cao nhất hiện hành) thì rõ ràng đây là việc làm hoàn toàn sai trái. Việc làm này là hậu quả của lề lối làm việc đại khái, cẩu thả,tùy tiện, lâu ngày thành cố tật, rất cần phải được chấn chỉnh. Tuy vậy, nó vẫn cứ tồn tại phổ biến và lâu dài trong nghi lễ chào quốc kỳ ở không ít địa phương, cơ quan, đơn vị. Thiết nghĩ, tình trạng này cần sớm được chấm dứt. Chào quốc kỳ cùng với hát quốc ca là một nghi thức gợi không khí trang trọng, thiêng liêng để một cộng đồng cùng nhau một giây phút hướng về tổ quốc, bày tỏ ý thức công dân của mình và tấm lòng thành kính với quốc gia, dân tộc, qua đó giáo dục lòng yêu nước, gắn kết mọi người trong một quốc gia, dân tộc. Vì thế, đòi hỏi những người làm công tác tổ chức không được có thái độ làm việc qua loa đại khái, thiếu cẩn trọng. Thiết nghĩ, cơ quan quản lý văn hóa ở các địa phương cũng cần tham mưu cho lãnh đạo chấn chỉnh kịp thời những bất cập đang diễn ra hiện nay!

 
Ảnh minh họa 
 
         Phong tục, tập quán chào hỏi cùng với nghi thức chào quốc kỳ, hát quốc ca được thử thách, định hình qua thời gian đã góp phần tạo nên bản sắc của văn hóa Việt. Trong thời đại mở cửa, giao lưu và hội nhập với thế giới, mỗi người Việt Nam nói riêng cũng như mỗi tổ chức, mỗi cộng đồng trong dân tộc Việt nói chung, cần phải tiếp tục trau dồi và giữ vững bản sắc, để người Việt hội nhập với thế giới mà không bị hòa tan, thể hiện bản lĩnh của mình, không bị tâm lý nhược tiểu và tự ti dân tộc chi phối.
 
 
         Cảnh Thụy 
 
 
Các tin mới hơn
Long trọng Lễ kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng(28/03/2024)
Dâng hương, dâng hoa kỷ niệm 120 năm Ngày sinh cố Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng tại xã Thanh Tùng(28/03/2024)
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng: Tấm gương về nhân cách; Người cộng sản mẫu mực (28/03/2024)
Trường Trung cấp Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch tổng kết Tháng thanh niên.(25/03/2024)
Hình ảnh văn hóa, thể thao Lễ hội truyền thống đền Tranh năm 2024(25/03/2024)
Các tin cũ hơn
Niềm tin dị đoan của dân ta(02/03/2021)
Cần tạc bia đá ở di tích văn hóa(02/03/2021)
Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật: Đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống dịch COVID-19(23/02/2021)
Dừng tổ chức các lễ hội đầu xuân (17/02/2021)
Đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống dịch bệnh COVID 19 bằng xe loa phóng thanh(17/02/2021)
Điểm du lịch
Khu trải nghiệm Côn Sơn: Điểm đến mới lạ, độc đáo, hấp dẫn du khách
Hướng đến Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2023, Khu trải nghiệm Côn Sơn (Côn Sơn Camping) chính thức khai trương đón chào du khách đến tham quan, trải nghiệm và tận hưởng không gian xanh mát tại Côn Sơn Camping.
Tìm kiếm
Liên kết website
na
na
na
na
na
http://dochoi.haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín