Tin tức du lịch
Đền Cao An phụ: Điểm du lịch Hải Dương

Nằm ở phía Đông Bắc của thành phố Hải Dương, Đền Cao An Phụ huyện Kinh Môn như một dải lụa điểm xuyết cho bức tranh đồng bằng Bắc Bộ.

Trên đỉnh núi thiêng - Vùng đất vua ban
Cách TP Hải Dương khoảng 40km, dọc theo quốc lộ 5A, đến thị trấn Phú Thái rẽ trái lên cầu An Thái, hai bên đường vào huyện Kinh Môn là những cánh đồng lúa bạt ngàn, xa xa thấp thoáng những ngọn khói trắng xóa cao vút tưởng như những đám mây kia là đến xã An Sinh.

 
 Quần thể di tích tượng đài Trần Hưng Đạo 
Thả bộ dọc theo con đường bê tông hun hút lên tận tam quan ngoại hai bên là những hàng thông xanh rờn đang ngày đêm vi vu gió thổi xào xạc, khiến cho lòng nhẹ nhàng hơn. Con đường tuyệt đẹp đó còn mở ra một bức tranh muôn màu khi du khách nhìn sang bên phải là thung lũng của xã An Sinh. Xã nằm gọn trong thung lũng được bao bọc bởi dãy núi An Phụ và dãy núi đá Kính Chủ.

Vào buổi hè sớm, bạn sẽ cảm thấy hơi lạnh bởi những đám mây trắng xóa cùng hơi sương và những làn gió nhẹ sẽ làm cho bạn rùng mình và xích lại gần nhau hơn. Leo dần lên các bậc đá, nhìn xuống dưới du khách sẽ rất thích thú với phong cảnh hữu tình, xa xa phía Đông Bắc của núi An Phụ nhìn về dãy Yên Tử sừng sững, phía Tây Bắc là Nam thiên đệ lục động - Động Kính Chủ, phía Tây nam là miền châu thổ mênh mông.

Phía trước là chùa Tường Vân rêu phong đã hàng trăm năm, tục gọi là chùa Cao vì nằm trên đỉnh núi cao nhất của An Phụ, xung quanh còn nhiều cây cổ thụ 600 - 700 năm tuổi, đặc biệt là cây Đại phía trước chùa như một bậc cao niên cằn cỗi vẫn đứng đó như nhân chứng lịch sử chứng kiến những biến thiên trên đỉnh núi này. Nhìn xuống dưới là Giếng Ngọc đầy nước, trong vắt như bức gương lớn phản chiếu phong thủy cho ngôi chùa, quanh năm không hết nước, tương truyền trước đây cụ Từ thường lấy nước để cúng ngày mùng 1 và 15 (âm lịch) (còn gọi là ngày sóc, ngày vọng).

Lên đền An Sinh Trần Liễu, không gian choáng ngợp bởi xung quanh là khoảng không vô hạn, có thể nhìn được bốn phương tám hướng, một bức tranh thủy mặc tuyệt đẹp mà có lẽ họa sĩ tên tuổi như Tô Ngọc Vân cũng chưa chắc đã thể hiện được hết cái hồn của nó.

Ngôi đền này nằm trên đỉnh cao nhất của dãy An Phụ, thờ An Sinh Vương Trần Liễu. Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư - Lược sử triều đại nhà Trần: An Sinh Vương Trần Liễu là con trưởng Thượng hoàng Trần Thừa. Ông sinh năm Canh Ngọ, niên hiệu Trị Bình Long Ứng thứ 6 (1210) tại phủ đệ Tinh Cương, phủ Long Hưng (Nay là xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, Thái Bình). Ông là người có trí lớn, ngày thường thì ung dung, hào hoa, gặp việc lớn thì sắt đá. Thời loạn lạc, phụ thân phải gánh vác việc nước, trọng trách trong nhà hầu hết đều phải lo liệu. Năm Đinh Dậu (tức năm 1237) Thái sư Trần Thủ Độ bức đưa vua đón Thuận Thiên là vợ của Trần Liễu vào cung, (lúc đó Thuận Thiên đang mang thai), mạo nhận con Trần Liễu để có nối dõi. Trần Liễu phẫn uất đem quân về sông Cái (Kinh Môn) làm loạn. Trần Thủ Độ biết tin dẫn quân đến bắt nhưng được vua Trần Thái Tông xin tha. Mùa xuân năm Đinh Dậu (1237), vua lấy đất Yên Phụ (Nay thuộc huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương), Yên Dưỡng, Yên Sinh, Yên Hưng, Yên Bang (Nay là huyện Đông Triều, Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) phong cho Trần Liễu. An Sinh Vương giúp vua trấn thủ vùng Đông Bắc, từ đỉnh Yên Phụ, Yên Tử, ông đã ra sức kiến thiết một cõi Hải Đông thành vùng giầu có, dân các huyện Kinh Môn, Đông Triều, Yên Hưng nhiều nơi thờ ông làm thành hoàng. Cuộc đời ông sống đạm bạc, lấy việc xây trang ấp giầu mạnh, dân trang ấp no đủ làm vui, dạy các con phương trưởng là điều hạnh phúc. Mùa hạ, tháng 4, niên hiệu Nguyên Phong thứ nhất (1251), ông tạ thế tại phủ đệ Yên Phụ, hưởng thọ 41 tuổi. Vua Trần Thái Tông truy phong tước Đại Vương, cho sửa chữa phủ đệ trên đỉnh núi Yên Phụ (Kim Môn, Hải Dương) thành đền Cao để thờ. Đời Hoàng Định triều Lê, vua lấy quốc khố tu sửa chùa Tường Vân (do Đại Vương xây dựng) và đền Cao (hiện là Kinh Môn, Hải Dương). Từ đó, ngày 1 tháng 4 âm lịch hàng năm trở thành ngày hội đền An Phụ, nhân dân địa phương và khắp nơi về làm lễ dâng hương ghi ân công đức.

Đứng trên đỉnh cao nhất, bạn sẽ có cơ hội thưởng ngoạn khung cảnh thơ mộng hữu tình của trời mây non nước, những dòng sông uốn lượn như dải lụa, cánh đồng bạt ngàn chia thành từng ô vuông vức, những ngôi làng nhỏ phân khu địa phận, những con đường dọc, ngang. Tất cả tạo nên một bức tranh muôn màu. Ông Nguyễn Đức Đạt – Trưởng ban quản lý di tích Kinh Môn cho biết: Núi An Phụ dài khoảng 17km, là dãy núi đất pha sa thạch và sỏi kết, thoai thoải dễ leo, có thể lên từ bất cứ hướng nào. Phía đông có bốn khe nhỏ: Khe Gạo, Khe Tài, Khe Đá, Khe Lim. Xưa rừng có nhiều gỗ quý như Lim, Tùng, Bách… Chân núi và thung lũng là những cây rừng, sườn núi có sim xen lẫn lối mòn. 

 Uy nghi tượng đài đức Thánh Trần Hưng Đạo

Theo đường mòn quanh sườn núi. Một không gian choáng ngợp với bức tượng Quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo cao sừng sững, hùng dũng tọa tại chân tam quan đền Cao. Tượng đài đặt ở độ cao gần 200 mét, thấp hơn đền An Sinh Vương chừng 50 mét, cách đền Cao về phía trước 300 mét.

Trong sự nghiệp hiển hách ba lần chống quân xâm lược Mông-Nguyên ở thế kỷ XIII, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn có vai trò đặc biệt quan trọng.

Ông là một nhà chính trị-quân sự đại tài được vua Trần tin yêu, giao quyền tiết chế, thống suất tất cả vương hầu, tôn thất, tướng lĩnh, điều động binh nhung, khí giới. Khi quân Mông-Nguyên xâm lược lần thứ nhất (1258), ông được chỉ huy các tướng lĩnh điều quân thủy bộ bảo vệ vùng biên giới phía Tây Bắc.

Trong cuộc kháng chiến lần thứ hai (1285) và thứ ba (1288), ông được cử làm Quốc công tiết chế, thống lĩnh toàn quân đánh giặc.

Bản lĩnh của Trần Quốc Tuấn thể hiện ở quyết tâm diệt địch và thắng địch không gì lay chuyển. Ngay những lúc gian nan nguy hiểm nhất, ông vẫn tin vào thắng lợi, giữ vững lòng quân, lòng dân.

Trước không gian linh thiêng, trầm mặc, gió lộng cờ phướn bay phần phật chúng tôi ai nấy lặng lẽ nghe ông Nguyễn Đức Đạt, Trưởng ban quản lý di tích Kinh Môn đang thả hồn vào bài thuyết minh: Kính thưa quý khách, thật vinh dự khi Tượng đài xây dựng thì được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặt phiến đá đầu tiên ngày 20/8 năm Quý Dậu tức ngày 5/10/1993, tượng đức Thánh được tạc bằng đá xanh núi Nhồi Thanh Hoá, cao 9,7 mét, gồm 65 viên, chia thành 8 thớt, gia cố bằng lõi bê tông cốt thép, đặt trên bệ cao 3 mét, cả tượng và bệ cao 12,7m, và quý khách có thể nhìn lên khuôn mặt của tượng Đại Vương được tạo ở độ tuổi 55-60, sau khi hoàn thành 3 cuộc kháng chiến thắng lợi, sống trong khung cảnh đất nước thanh bình. Bức tượng thể hiện rõ sự văn võ song toàn của vị tướng, chân dung quắc thước, nhưng nhân hậu, thể hiện tinh thần tự tin, chí nhân, chí trung, chí hiếu. 

Ngày 18/8 năm Mậu Dần tức ngày 8/10/1998 công trình tượng đài đã hoàn thành đúng vào dịp kỷ niệm 698 năm ngày mất của Đại Vương sau 5 năm vượt qua khó khăn, gian khổ để thi công công trình. Tượng đài Quốc công Tiết chế Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo là một công trình văn hóa lớn thể hiện ý nguyện tâm linh của Đảng bộ, quân và dân tỉnh Hải Dương, với tấm lòng tôn kính người anh hùng dân tộc. Tượng được đặt ở dưới chân đền Trần Liễu mang ý nghĩa nhân văn. Công trình sẽ là nguồn động lực khích lệ lòng tự hào dân tộc, truyền thống yêu nước và tinh thần đoàn kết trong các thế hệ người dân Hải Dương trong công cuộc xây dựng tỉnh Hải Dương ngày càng vững mạnh.

Bên cạnh tượng là bức phù điêu được làm bằng đất nung như một pho sử lớn, dãy trường thành lịch sử đang hiện hữu như nhắc nhở con cháu về chiến công anh hùng của cha ông. Bức phù điêu do các nghệ nhân Làng Cậy (xã Long Xuyên, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương) đúc và nung đốt theo phương pháp thủ công dài 45m, cao trung bình 2,5m gồm 526 mảng. Vào thời điểm đó thì đây là phù điêu đất nung lớn nhất Việt Nam.                                         

Với một tổng thể kiến trúc cảnh quan tuyệt đẹp, đền Cao – An Phụ đã cuốn hút lượng khách rất đông về hành hương và thưởng ngoạn phong cảnh. Kết thúc thăm quan tượng đài chúng tôi không quên lời giới thiệu của ông Đạt là đến Hoàng Thạch dùng đặc sản Dê núi của Kinh Môn. Một đặc sản mà không chỉ Ninh Bình mới nổi tiếng, thịt Dê núi ở Hoàng Thạch có hương vị đậm đà riêng biệt, vừa ăn du khách còn được thưởng thức những làn điệu chèo mượt mà đằm thắm đậm chất văn hóa xứ Đông./.

Thế Anh
Các tin mới hơn
Trình diễn Áo dài tại Tuần Văn hóa ẩm thực, Du lịch và Xúc tiến Thương mại (26/02/2024)
Khai mạc Tuần Văn hóa ẩm thực, Du lịch và Xúc tiến Thương mại Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn – Kiếp Bạc năm 2024(25/02/2024)
43 gian hàng tham gia Tuần Văn hóa ẩm thực, Du lịch và Xúc tiến Thương mại năm 2024(24/02/2024)
Hấp dẫn Tuần văn hóa ẩm thực, du lịch và xúc tiến thương mại tại Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2024(22/02/2024)
Hiệp hội Du lịch tỉnh: Nhiều bước tiến đột phá trong hoạt động (18/01/2024)
Các tin cũ hơn
Hải Dương - lần đầu tiên tổ chức trải nghiệm du lịch thú vị khinh khí cầu(09/01/2019)
Hội nghị Hướng dẫn thành lập Trung tâm hỗ trợ khách du lịch(09/01/2019)
Dự thảo chương trình xúc tiến du lịch tỉnh Hải Dương giai đoạn 2014 - 2015(09/01/2019)
8 đặc sản Việt Nam đoạt kỷ lục châu Á (09/01/2019)
Bồi dưỡng kiến thức xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng(09/01/2019)
Điểm du lịch
Khu trải nghiệm Côn Sơn: Điểm đến mới lạ, độc đáo, hấp dẫn du khách
Hướng đến Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2023, Khu trải nghiệm Côn Sơn (Côn Sơn Camping) chính thức khai trương đón chào du khách đến tham quan, trải nghiệm và tận hưởng không gian xanh mát tại Côn Sơn Camping.
Tìm kiếm
Liên kết website
na
na
na
na
na
http://dochoi.haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín