Văn hóa
Đồ đồng Đông Sơn, sưu tập hiện vật quý tại Bảo tàng Hải Dương

Văn hóa Đông Sơn là một nền văn hóa lớn tồn tại vào khoảng thời gian từ TK VII đến thế kỷ I TCN. Nền văn hóa này được đặt theo tên địa danh nơi phát hiện ra di chỉ đầu tiên đó là làng Đông Sơn thuộc ngoại thành thành phố Thanh Hóa. Văn hóa Đông Sơn trải dài trên một khu vực rộng lớn bao gồm một số tỉnh của đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ mà trung tâm là khu vực đền Hùng và 3 lưu vực sông lớn là sông Hồng, sông Mã và sông Lam. Đặc trưng của nền văn hóa Đông Sơn là trồng cây lúa nước và nghề đúc đồng đã phát triển. Minh chứng tiêu biểu nhất khẳng định kỹ thuật luyện kim, đúc đồng của người Đông Sơn đạt đến trình độ cao là việc chế tạo ra những chiếc trống đồng, thạp đồng kích thước lớn, hình dáng cân đối, hoa văn trang trí cầu kỳ, tinh xảo.

 

Sưu tập Chuông voi (TK I - V), sưu tầm tại thôn Dược Sơn,

xã Hưng Đạo, thành phố Chí Linh, tháng 2-1968.

 

Nằm trong nền văn hóa Đông Sơn, Hải Dương là tỉnh đã phát hiện được nhiều di chỉ thuộc nền văn hóa này với các địa danh như: mộ thuyền thôn Vũ Xá, xã Thượng Vũ, Kinh Môn; mộ thuyền Kiệt Thượng, xã Văn An (nay là phường Văn An, thành phố Chí Linh);mộ thuyền Đông Quan, xã Tân Hưng, (nay thuộc phường Tân Hưng, TP Hải Dương); mộ thuyền La Đôi 2 phát hiện tại thôn La Đôi, xã Hợp Tiến, huyện Nam Sách; mộ thuyền An Lưu, xã Hiệp An, thị xã Kinh Môn. Trống đồng Hữu Chung xã Hà Thanh, huyện Tứ Kỳ; thạp đồng, trống đồng Hoàng Lại phát hiện tại thôn Hoàng Lại, xã An Lương, huyện Thanh Hà, trống đồng làng Gọp phát hiện tại khu vực Mả Gạo, thôn Du Tái, xã Tiền Tiến, huyện Thanh Hà (nay thuộc thành phố Hải Dương)… thu về nhiều hiện vật có giá trị, phong phú về loại hình và nghệ thuật trang trí. Trong số các hiện vật trên, sưu tập đồ đồng Đông Sơn là những di sản văn hóa vô cùng quý giá.

Đồ đồng thuộc văn hóa Đông Sơn hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Hải Dương gồm 91 hiện vật, tương đối đa dạng về loại hình, với nhiều kiểu dáng và kích thước khác nhau như trống, thạp, thố, lao, giáo, mũi tên, rìu, đai lưng, chuông voi… Theo tính năng sử dụng có thể chia thành các nhóm cơ bản như: Nhóm đồ dùng sinh hoạt gồm: Thau đồng, nồi đồng, thạp đồng, thố đồng... Nhóm hiện vật là vũ khí đa dạng về loại hình và tính năng sử dụng. Có thể chia làm 2 loại cơ bản: vũ khí tấn công và vũ khí phòng ngự. Vũ khí tấn công gồm 2 loại: vũ khí tấn công gần như: Dao găm, chuôi doi, mũi giáo đồng... Vũ khí tấn công xa gồm: lao, mũi tên...; vũ khí phòng ngự có những tấm che ngực dùng buộc trước ngực các chiến binh nhằm tránh bị tổn thương ở tim khi bị vũ khí đối phương đâm, bắn trúng... Nhóm hiện vật là nhạc khí gồm: Chuông voi, trống chậu, đặc biệt là 4 trống đồng đã phát hiện: Trống Hữu Chung được phát hiện tại Tứ Kỳ, trống làng Gọp I, II, trống đồng Hoàng Lại phát hiện tại Thanh Hà. Trong đó, tiêu biểu nhất là trống đồng Hữu Chung phát hiện tại xã Hà Thanh, huyện Tứ Kỳ (năm 1961).

Sưu tập đồ đồng Đông Sơn tại Bảo tàng Hải Dương chứa đựng nhiều giá trị quý giá của dân tộc:

Về giá trị lịch sử: Thông qua các hiện vật này đã phần nào giúp chúng ta nghiên cứu về lịch sử tự nhiên và xã hội của người Việt. Trong quá trình tồn tại để chống chọi với tự nhiên (thú dữ) và những xung đột xã hội, con người Đông Sơn đã sáng tạo ra nhiều loại vũ khí nhằm mục đích tự vệ, bảo vệ cuộc sống thường ngày. Hay những chiếc rìu đồng là công cụ sản xuất phổ biến đồng thời cũng được dùng làm một loại vũ khí sở trường của cư dân Đông Sơn. Bên cạnh đó, thông qua những hiện vật đồ đồng Đông Sơn ta còn hiểu được phần nào lịch sử xã hội, tập quán, tín ngưỡng của dân tộc trong buổi đầu dựng nước. Nghiên cứu về trống đồng Đông Sơn ngoài chức năng là nhạc khí còn có những chức năng khác như dùng trong các nghi lễ tôn giáo, trong lễ hội, và trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Trống thường thuộc về những người thủ lĩnh và là biểu tượng của quyền lực. Người thủ lĩnh có quyền lực càng lớn thì trống càng to và đẹp. Trống đồng cũng được coi là một tài sản quí, và được làm đồ tùy táng khi người chủ qua đời.

Giá trị Mỹ thuật: Trong số sưu tập đồ đồng Đông Sơn tại Bảo tàng tỉnh Hải Dương, nhiều hiện vật được trang trí cầu kỳ, hoa văn tinh xảo như: Trống đồng Hữu Chung, trống đồng, thạp đồng Hoàng Lại, trống đồng làng Gọp… Với các đề tài trang trí phong phú như: hình người hóa trang lông chim cách điệu, hình chim lạc bay, điển hình nhất là hoa văn hình thuyền được khắc họa bằng nghệ thuật biến hình, cách điệu cao. Các mảng đề tài được đặt trong bố cục cân đối, hài hòa tạo ra sự gần gũi, mang giá trị thẩm mỹ cao. Bên cạnh đó không thể không kể đến hiện vật trống chậu, sở dĩ được gọi tên như vậy là do trống khi đặt nằm ngửa có hình dáng giống chậu đựng nước. Nhưng khi úp xuống thì đáy chậu có trang trí một mặt trống đồng Đông Sơn muộn. Theo các nhà khoa học thì đây là cách người Việt gìn giữ nền văn hóa, nghệ thuật cho con cháu tránh khỏi sự đồng hóa của văn hóa Hán. Như vậy có thể nói, nghệ thuật trang trí trên các hiện vật đồ đồng Đông Sơn thể hiện một nền nghệ thuật lâu đời, có bản sắc riêng, độc đáo, phong phú, đa dạng và ấn tượng của nền văn hóa Đông Sơn.

 

Trống đồng Hữu Chung (TK II - I) phát hiện tại thôn Hữu Chung,

xã Hà Thanh, huyện Tứ Kỳ, tháng 5-1961.

 

Giá trị văn hóa: Thông qua những hiện vật là đồ dùng sinh hoạt như: Thau đồng, trống chậu, nồi đồng… ta có thể hiểu được một phần bức tranh sinh động về đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của cư dân Việt cổ thời xa xưa ấy. Nghiên cứu những hình khắc, hoa văn trang trí trên trống đồng, thạp đồng nồi đồng… phản ánh tư duy của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước. Đề tài trang trí trên trống đồng Hữu Chung phần nào đã diễn tả cảnh sinh hoạt đương thời thông qua các điệu nhảy, hoạt động lễ hội của cư dân thuộc nền văn hóa Đông Sơn. Khác với hình ảnh thuyền chiến trên trống đồng Ngọc Lũ, hình thuyền trên trống đồng Hữu Chung được khắc họa là hình ảnh thuyền rước lễ hội, tái hiện đời sống xã hội của người Việt cổ mà cụ thể là phản ánh một nét phong tụccủa cư dân sông nước đồng bằng châu thổ sông Hồng. Hay 4 khối tượng cóc bố trí cân đối trên rìa mặt trống thể hiện ước mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu của cư dân nông nghiệp. Khi tìm hiểu và nghiên cứu một cách có hệ thống những hoa văn hình học độc đáo này chúng ta có thể hiểu được một phần về xã hội, tín ngưỡng, phong tục, tập quán cũng như tư duy, tầm vóc của dân tộc thời kỳ dựng nước. Đồ đồng Đông Sơn nói riêng và những hiện vật thuộc nền văn hóa Đông Sơn nói chung còn lưu giữ nhiều thông điệp đầy bí ẩn về cuộc sống và tâm hồn của tổ tiên ta.

Giá trị khoa học: Thể hiện trình độ tư duy khoa học của người Việt. Những người thợ Đông Sơn đã cân đong chuẩn xác tỷ lệ các thành phần hợp kim đúc đồng. Theo những phân tích của các nhà khoa học: thời Đông Sơn, kỹ thuật luyện kim đã có sự đột biến, thể hiện trong việc sử dụng chì để tạo nên một hợp kim có nhiều ưu việt, có thể đúc các vật lớn như trống, thạp đồng và quan trọng hơn là giúp cho các đường nét hoa văn được điền đầy, sắc nét. Bằng kỹ thuật luyện kim độc đáo các áng hoa văn được thể hiện bằng bố cục chặt chẽ, sắp xếp theo trình tự, theo một mô típ hoa văn, phân bố hợp lý tạo ra sự cân đối… phản ánh sự sáng tạo của chủ nhân văn hóa. Để tạo được những sản phẩm có hoa văn trang trí rất sinh động và tinh tế như trống đồng, thạp đồng Đông Sơn, ngoài yếu tố của thành phần hợp kim phải kể đến kỹ thuật tạo khuôn và sự tính toán cẩn trọng để đảm bảo âm vang của trống đồng. Đối với các hiện vật là vũ khí, làm sao phải đảm bảo tỷ lệ cân đối, sắc bén tốc độ bay nhanh, xa và tính hiệu quả... trong số những mũi giáo đồng phát hiện tại xã Gia Lương (huyện Gia Lộc) có mũi giáo được đúc đặc, có mũi giáo được tạo rỗng, trên thân có lỗ nhỏ, theo các nhà nghiên cứu phần được tạo lỗ có thể dùng để chứa thuốc độc (thuốc mê) dùng trong săn bắn hoặc chiến đấu bảo vệ cuộc sống thường ngày. Có thể nói là những người thợ kim khí Đông Sơn đã hoàn toàn làm chủ được kỹ thuật của họ trong tất cả các lĩnh vực của quá trình đúc đồng.

Sưu tập đồ đồng Đông Sơn đã được Bảo tàng Hải Dương quan tâm chú trọng bảo quản. Cổ vật Đông Sơn có tuổi cao, mang dấu ấn văn hóa độc đáo, chế tác tài tình và tinh xảo nên việc phục chế và bảo quản là rất khó khăn. Mặc dù là những hiện vật bằng kim loại, khả năng bền vững cao, song chủ yếu nằm dưới lòng đất qua hàng nghìn năm, các hiện vật này đã bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng. Xác định được những giá trị quan trọng của các hiện vật trên, Bảo tàng Hải Dương đã tiến hành nhiều hoạt động thực tế để bảo quản. Ngay từ khi được đưa về, Bảo tàng Hải Dương đã tiến hành các biện pháp bảo quản bước đầu. Năm 2017 và 2018, Bảo tàng Hải Dương đã phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia tiến hành bảo quản sơ bộ sưu tập đồ đồng Đông Sơn tại Bảo tàng Hải Dương. Cùng với ý thức trách nhiệm của những người làm công tác bảo tàng trong những năm qua, các hiện vật này đã được bảo quản tốt, được trưng bày tại Bảo tàng Hải Dương nhằm bảo tồn và tuyên truyền, giới thiệu đến các tầng lớp công chúng trong và ngoài nước. Những giá trị của sưu tập đồ đồng Đông Sơn là vô cùng quý giá, tiêu biểu nhất chính là trống đồng Hữu Chung. Với những ý nghĩa và giá trị về lịch sử, thẩm mỹ, khoa học, ngày 14/01/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 53/QĐ - TTg công nhận trống đồng Hữu Chung là bảo vật quốc gia. Đây là bảo vật Quốc gia đầu tiên của tỉnh Hải Dương. 

 
Đức Duẩn - Nguyễn Thị Ngọc Xoan
Các tin mới hơn
Một số hình ảnh Lễ rước nước tại Lễ hội chùa Nhẫm Dương năm 2024(13/04/2024)
Hội hưu trí ngành Văn hóa - Thông tin tổ chức gặp mặt đầu Xuân(22/02/2024)
Linh thiêng hội Xuân Côn Sơn(21/02/2024)
Kinh Môn: Khai hội Xuân Giáp Thìn 2024 (18/02/2024)
Bình Giang: Lần đầu tổ chức Hội chợ hoa Xuân chào năm mới 2024(30/01/2024)
Các tin cũ hơn
Người dân chung tay cùng ngành văn hóa đẩy lùi dịch COVID-19(01/09/2020)
Văn Hóa Hải Dương: Ba phần tư thế kỷ, những chặng đường (01/09/2020)
Ngành VHTTDL tăng cường công tác chống dịch(18/08/2020)
Thành phố Hải Dương: 50 em thiếu nhi tham gia hội thi vẽ tranh(29/07/2020)
Khai giảng nhiều lớp năng khiếu hè 2020(29/07/2020)
Điểm du lịch
Khu trải nghiệm Côn Sơn: Điểm đến mới lạ, độc đáo, hấp dẫn du khách
Hướng đến Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2023, Khu trải nghiệm Côn Sơn (Côn Sơn Camping) chính thức khai trương đón chào du khách đến tham quan, trải nghiệm và tận hưởng không gian xanh mát tại Côn Sơn Camping.
Tìm kiếm
Liên kết website
na
na
na
na
na
http://dochoi.haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín