Văn hóa cơ sở
Mùa xuân đánh giặc

Khi mùa Xuân đến, trăm hoa đua nở, lễ hội khắp đó đây, già trẻ gái trai vui tươi mừng một năm mới với biết bao hy vọng. Nhưng không chỉ có thế, đã biết bao mùa Xuân, ông cha ta phải ra quân đánh giặc. Vượt bao khó khăn hy sinh gian khổ, chúng ta đã giành được những chiến công vĩ đại, mãi mãi đi vào lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Nhân đầu xuân Nhâm Dần (2022), chúng ta cùng đọc lại những trang sử vẻ vang của những mùa Xuân đánh giặc.

Ngược dòng lịch sử, chúng ta tìm về những chiến công lẫy lừng thời kỳ đầu Công nguyên, tức thời Hai Bà Trưng

Năm Canh Tý, Trưng Vương năm thứ nhất, (Dương lịch là năm 40), mùa Xuân, tháng Hai, vua khổ vì thái thú Tô Định, dùng pháp luật trói buộc, lại thù Định giết chồng mình, mới cùng em gái là Trưng Nhị, nổi binh đánh hãm trị sở ở châu. Định chạy về nước. Các quận Nam Hải, Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố đều hưởng ứng, lấy được 65 thành ở Lĩnh Nam, tự lập làm vua” (ĐVSKTT). Đây là chiến công đầu Công nguyên của dân tộc, một sự kiện tự hào cho phụ nữ Việt Nam. Nhưng sau cuộc khởi nghĩa thắng lợi của Hai Bà Trưng không lâu, đất nước lại sống trong đêm dài Bắc thuộc.

 
Tranh khởi nghĩa hai bà Trưng

Năm thế kỷ sau, “mùa Xuân năm Nhâm Tuất (542), đại khởi nghĩa toàn dân do Lý Bí lãnh đạo nổ ra, không đầy 3 tháng, khí thế tiến công và nổi dậy khắp nơi của nhân dân ta đã quét sạch bè lũ đô hộ nhà Lương” (LSVN) ra khỏi đất nước. Mùa Xuân năm sau, Lý Bí xưng vương, đặt quốc hiệu là Vạn Xuân, niên hiệu là Đại Đức, dựng cung Vạn Thọ, tổ chức triều chính của một quốc gia độc lập. Tuy nhiên nước Vạn Xuân cũng chỉ tồn tại được 60 năm rồi lại rơi vào tay nhà Tùy rồi nhà Đường của Bắc triều.

Lại ba trăm năm nữa, “nắm lấy cơ hội chính quyền trung ương nhà Đường hấp hối, chính quyền đô hộ ở nước ta như rắn mất đầu, nhân dân ta lại một lần nữa quyết định lấy vận mệnh của đất nước, một hào trưởng đất Hồng Châu (Cúc Bồ, Ninh Giang) là Khúc Thừa Dụ, được nhân dân ủng hộ, tự xưng là Tiết độ sứ, lợi dụng bộ máy và danh nghĩa của bọn đô hộ để chuyển sang giành độc lập một cách vững chắc” (LSVN). Đầu Xuân Bính Dần (tháng 2 năm 906), triều đình nhà Đường phải phong cho ông tước Đồng bình chương sự, tước cao nhất cho những quan ngoài biên viễn.  

Năm Tân Tỵ, niên hiệu Thiên Phúc thứ hai, mùa Xuân, tháng 3 (4-981), quân Tống chia hai đạo vào xâm lược nước ta. Cuối mùa Xuân năm 981, Lê Hoàn lập căn cứ ở An Lạc (Chí Linh), đánh bại đội quân thủy của giặc trên sông Bạch Đằng. Trên bộ, tướng Hầu Nhân Bảo bị chém, quân giặc thua to, chết đến quá nửa, thây chết đầy đồng, nhiều tướng giặc bị bắt sống mang về kinh đô Hoa Lư, từ đó trong nước yên bình trong gần một thế kỷ.

Triều Lý, năm Bính Thìn, niên hiệu Thái Ninh thứ 5 (1076), mùa Xuân, tháng 3, vua Tống sai Tuyên phủ sứ Quang Nam (Quảng Đông, Quảng Tây) làm Chiêu thảo sứ, Triệu Tiết làm phó, đem quân 9 tướng, hợp với quân Chiêm Thành  và Chân Lạp vào xâm chiếm nước ta. Vua Lý sai Lý Thường Kiệt đem quân đón đánh, giặc Tống đại bại bên sông Như Nguyệt (sông Cầu đoạn qua Bắc Ninh), chết tại trận hàng nghìn. Trong trận chiến này, Lý Thường Kiệt đọc bài thơ bốn câu bất hủ, tự như bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư,

Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

(Sông núi nước Nam vua Nam ở,

Rành rành định phận ở sách trời.

Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm,

Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.) (LSVN).

Gần 200 năm sau, giặc Nguyên Mông, một đế quốc hùng mạnh nhất thế giới đương thời, đánh đông, dẹp bắc hàng vạn dặm đều chiến thắng, nhưng ba lần mang quân sang xâm lược nước ta chúng đều đại bại.

Lần thứ nhất diễn ra vào đầu Xuân năm Mậu Ngọ, niên hiệu Nguyên Phong năm thứ 8 (1258). Lúc đầu quân giặc giữ thế chủ động, quân đội nhà Trần rút lui chiến thuật. Sau đó, chỉ trong vòng 15 ngày, quân ta phản công, quân Nguyên Mông đại bại, vội rút quân về nước. Ngày mồng một Tết (1258), vua trở về kinh đô, ngồi ở chính điện, cho trăm quan vào chầu, trăm họ lại yên vui như cũ.

27 năm sau, giặc Nguyên Mông lại xâm lược nước ta lần thứ hai vào đầu Xuân năm Ất Dậu (1/1285). Trước khi trận thứ hai nổ ra, nhà Trần đã có những chuẩn bị căn bản về kế sách, lực lượng, tư tưởng quyết chiến quyết thắng. Cuối tháng 1 năm 1285, các mũi tiến công của giặc đã vượt qua biên giới. Tổng lực lượng tới 50 vạn quân, khi đó nước ta chỉ khoảng 7 triệu dân. Quân giặc chia làm 3 mũi do Thái tử Trấn Nam vương Thoát Hoan trực tiếp chỉ huy tiến vào Lạng Sơn, ngày 6 tháng Giêng giặc đã đến Vạn Kiếp (Chí Linh).

Mũi thứ hai, theo đường sông Hồng đánh xuống Vật Lại (Yên Bái) rồi xuống Bạch Hạc tiến về Thăng Long.

Mũi thứ ba do Toa Đô chỉ huy, vượt biển vào Chămpa, rồi đánh tập hậu vào Nghệ An, tiến ra Bắc.

Triều đình phải rời kinh đô về Thiên Trường. khi quân giặc phía Nam đánh ra Trường Yên (Ninh Bình), quân ta lừa địch đánh ra Quảng Yên rồi quay về Thanh Hóa lập căn cứ.

Trọn một mùa Xuân quyết chiến quyết thắng, tháng 6/1285, cuộc kháng chiến tuy gặp muôn vàn khó khăn khi phải đối mặt với đội quân thiện chiến khổng lồ, lại không ít kẻ phản bội, nhưng dưới sự chỉ huy của Tiết chế Trần Hưng Đạo, mọi trở ngại đã vượt qua, giành thắng lợi vẻ vang, nhiều tướng giặc tử trận hoặc bị bắt sống cùng với trên 5 vạn tù binh, 50 vạn quân giặc bị đánh tan tác buộc phải rút khỏi nước ta.  

Cuộc kháng chiến chống Nguyên lần thứ ba, cũng diễn ra vào mùa Xuân  năm Mậu Tý (1288), giặc cũng chia ba đạo quan tiến vào nước ta từ cuối tháng 12 năm Đinh Hợi (1/1288). Mũi chủ lực đại quân vẫn theo đường Lạng Sơn do Thoát Hoan chỉ huy với 30 vạn quân tràn vào nước ta. Mũi thứ hai theo đường sông Bạch Đằng. Mũi thứ ba vẫn theo đường sông Hồng đánh về Thăng Long.

Ngày 9/4 năm 1288, trận quyết chiến chiến lược diễn ra trên sông Bạch Đằng, giặc đại bại, tướng Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp, Tích Lệ Cơ... bị bắt, thu 400 chiến thuyền, hàng vạn quân địch chìm dưới đáy sông. Đoàn quân bộ rút từ Kiếp Bạc rồi về Lạng Sơn cũng bị đánh tơi bời. Kết thúc cuộc kháng Nguyên lần thứ ba và cũng là trận cuối cùng chống Nguyên ở TK XIII. Bọn tướng giặc như chó cụt đuôi, bị xích cổ, làm vật tế sống trước lăng vua Trần ở Thái Bình cho hả giận.

Hơn hai thế kỷ sau, giặc Minh lại xâm lược nước ta, chúng tàn phá đất nước ta trên 20 năm (11/1406-1/1428). Ngày 2 tháng Giêng năm Mậu Tuất (7/2/1418) cũng bắt đầu sau tiết lập Xuân (4/2), Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa tại Lam Sơn (Thọ Xuân, Thanh Hóa). Cuộc chiến tranh chống Minh kéo dài 10 năm với biết bao gian khổ hy sinh, kết thúc vào 3/1/1428, khi tên giặc cuối cùng rút khởi đất nước ta. Tổng kết chiến tranh vệ quốc, Nguyễn Trãi viết Đại cáo bình Ngô vào đầu xuân năm Mậu Thân, có đoạn như lời tuyên ngôn độc lập:

“... Xét như nước Đại Việt ta,

Vốn xưng nền văn hiến đã lâu.

Núi sông bờ cõi đã chia,

Phong tục Bắc - Nam cũng khác.

Trải Triệu Đinh Lý Trần nối đời dựng nước,

Cùng Hán Đường Tống Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương.

Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau,

Nhưng hào kiệt không bao giờ thiếu”... 

Không bao lâu sau cuộc kháng chiến chống Minh oanh liệt, nhà Lê bước vào suy vong, nước ta lâm vào tình trạng một vua hai chúa gây nên bao cảnh tang thương suốt hai thế kỷ. Trước nguy cơ bị nghĩa quân Tây Sơn tiêu diệt, Nguyễn Ánh cầu cứu quân Xiêm hòng cứu vãn tình thế từ tháng 7/1774. Đầu Xuân năm 1775, quân Tây Sơn ra quân như một cuộc tập trận, đã dìm 5 vạn quân Xiêm trên sông Rạch Gầm-Xoài Mút, kết thúc chế độ một vua hai chúa.

Cuối thế kỷ XVIII, Lê triều tàn tạ, trước nguy cơ bị quân Tây Sơn xóa sổ, ông vua cuối cùng của triều hậu Lê là Chiêu Thống bạc nhược, mất hết thể diện quốc gia, cầu cứu quân Mãn Thanh, đây là cơ hội để bọn phong kiến phương Bắc xâm lược nước ta một lần nữa. Tháng 11/1788, 20 vạn quân Thanh, do Tôn Sĩ Nghị cầm đầu tiến vào xâm lược nước ta. Ngày 17/12/1788, chúng vào thành    Thăng Long. Được tin, ngày 22/12, Nguyễn Huệ hội quân, làm lễ lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Trung, lập tức tiến quân ra Bắc, tiêu diệt bọn xâm lược ngay từ 30 Tết Kỷ Dậu (25/1/1789). Ngày 29/1 quân ta đã tiến vào Thăng Long, chỉ trong 5 ngày, quân Tây Sơn quét sạch 20 vạn quân Thanh ra khỏi kinh thành, Ngọc Hồi, Đống Đa mãi mãi là mồ chôn quân xâm lược. Ngày 7 Tết, Quang Trung mở tiệc khao quân tại kinh thành Thăng Long, ông đã thực hiện đúng như lời hứa khi tiến quan đến Thanh Hóa:

“Đánh cho để tóc dài,

Đánh cho để răng đen.

Đánh cho nó chích luân bất phản,

Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn,

Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”.

Nhờ công nghiệp và thương mại phát triển sớm, bọn đế quốc phương Tây áp đặt chế độ thực dân khắp năm châu, trong đó có Việt Nam bị thực dân Pháp xâm lược từ năm 1858. Tháng 8 năm 1945, Cách mạng đã thành công, nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã tuyên ngôn độc lập, nhưng thực dân Pháp dã tâm quyết cướp nước ta một lần nữa. Đến năm 1954, cuộc kháng chiến đã qua gần 9 năm, quân đội ta cần một trận quyết chiến chiến lược để kết thúc cuộc chiến, thời cơ ấy đã đến, đó là Điện Biên Phủ, tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của Pháp tại Đông Dương.

Chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu từ 13/3 đến 7/5/1954, quân dân ta trải biết bao hy sinh gian khổ để giành đại thắng, tiêu diệt 16 nghìn quân giặc, trong đó bắt sống 11.721 tên, kể cả bộ chỉ huy. Chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, không những xóa sổ một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của Pháp ở Đông Dương mà còn đánh sập ý chí của chủ nghĩa thực dân thiết lập trên thế giới đã qua bốn thế kỷ, mở ra thời cơ giải phóng dân tộc cho các nước thuộc địa.

Pháp cuốn cờ thì Mỹ đổ bộ, buộc dân tộc ta phải cầm súng một lần nữa. Cuộc kháng chiến chống Mỹ đến năm 1967 đã trên 10 năm, Mỹ đã mang vào miền Nam trên nửa triệu quân cùng một số nước chư hầu cũng không cứu vãn được thất bại. Để đưa cuộc chiến tranh bước vào giai đoạn kết thúc, vì thế nổ ra cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân, năm 1968.

Chiến dịch khai hỏa từ đêm 30 rạng ngày 31/1, diễn ra hầu hết các đô thị tại miền Nam, đánh vào những khu vực trọng yếu của quân đội Mỹ và ngụy Sài Gòn, đây là một trong những chiến dịch lớn nhất, mang tính bước ngoặc trong chiến tranh Việt Nam, quân Giải phóng đã hoàn thành mục tiêu quan trọng: “Đè bẹp ý chí xâm lược của Mỹ, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn thương lượng”.

Sau chiến dịch Mậu Thân 1968, tổng thống Giôn Sơn đơn phương tuyên bố ngừng bắn từ vĩ tuyến 20 trở ra, chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán tại Pari và sẽ không tranh cử khóa tới, sự kiện tương tự như sau chiến thắng Điện Biên Phủ.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ trên không năm 1972, buộc Mỹ phải rút quân khỏi miền Nam. Kể từ đây, số phận của chính quyền Sài Gòn đã được định đoạt.

 
Xe tăng húc đổ cổng sắt Dinh Độc Lập trong chiến thắng 30/4/1975

Lại một mùa Xuân đại thắng, mùa Xuân năm 1975.

          Cuộc chiến bắt đầu từ ngày 10/3/1975, tại Buôn Ma Thuột, chỉ trong 10 ngày quân đội ta xóa sổ quân khu II của địch với 6 vạn quân, thừa thắng xông lên giải phóng Huế, Đà Nẵng, làm tan rã 10 vạn quân chủ lực ngụy.

Ngày 26/4 Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu với 5 cánh quân, cùng những binh chủng hợp thành, với lực lượng 24 vạn quân, 400 xe tăng, thiết giáp, 420 khẩu pháo. Sau 5 ngày, quân và dân chiến đấu ngoan cường, mưu trí với thế và lực áp đảo, 11 giờ 30’ ngày 30 tháng 4, quân ta làm chủ Dinh Độc Lập, chính quyền Sài Gòn đầu hàng vô điều kiện, hơn một triệu quân ngụy tan rã, kết thúc cuộc chiến 20 năm, giang sơn thu về một mối, thỏa lòng mong đợi của toàn dân tộc, cả thế giới chúc mừng và kính trọng. Tuy nhiên, sau chiến tranh giải phóng miền Nam, một số mâu thuẫn quốc tế nẩy sinh giữa Việt-Trung và một số nước khác, vì thế, sau chiến tranh chống Mỹ ngụy, vết thương chưa lành, dân tộc ta một lần nữa lại bước vào mùa Xuân đánh giặc, hướng nòng súng về phía Bắc. Chiến tranh biên giới Việt-Trung bắt đầu từ 17/2 đến 16/3 năm 1979, sau 27 ngày, bọn xâm lược buộc phải rút quân, nhưng vẫn trụ lại một số vị trí trên đất nước ta tới 10 năm sau.

Nhìn lại quá trình lịch sử, giặc đến nước ta từ mọi phía, chẳng kể mùa nào. Dù chúng đến từ đâu, dân tộc ta cũng quyết đánh để quét sạch nó ra khỏi đất nước. Tuy nhiên, điểm qua những sự kiện lớn chống ngoại xâm, hầu hết diễn ra vào mùa Xuân. Tại sao vậy? Về phía giặc, dù giặc Bắc hay Tây, chúng rất sợ vào nước ta vào mùa Hạ hay mùa Thu vì nắng lắm mưa nhiều, mùa Đông Xuân dễ phát huy các phương tiện chiến tranh. Về phía ta, đánh giặc về mùa xuân dễ phát huy các quân binh chủng và khí tài, hơn nữa còn tạo sự bất ngờ. Bởi thế trong những ngày Xuân, lực lượng vũ trang của ta càng phải cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu để đất nước an bình, nhân dân hạnh phúc.
 
 
Tăng Bá Hoành 
Các tin mới hơn
Thư viện tỉnh Hải Dương đạt giải Nhì Liên hoan Cán bộ Thư viện toàn quốc năm 2024(28/04/2024)
Nhiều chương trình hấp dẫn tại phố đi bộ, chợ đêm Bạch Đằng(28/04/2024)
Ôn lại những năm tháng hào hùng của chiến dịch Điện Biên Phủ(27/04/2024)
60 hạt nhân văn nghệ thị trấn Tứ Kỳ tham gia chương trình chỉ đạo điểm hoạt động văn hóa, văn nghệ cơ sở(26/04/2024)
Cụm thi đua số 1 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai công tác thi đua, khen thưởng năm 2024(26/04/2024)
Các tin cũ hơn
Kim Thành với phong trào xây dựng Làng văn hóa(26/02/2022)
Thư viện tỉnh Hải Dương đổi mới phương thức phục vụ thúc đẩy phát triển văn hóa đọc (26/02/2022)
Tổ chức các nghi lễ truyền thống mùa xuân tại Côn Sơn - Kiếp Bạc trang trọng, an toàn(11/02/2022)
Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Dương: Quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu: “Thích ứng linh hoạt, tăng trưởng bứt phá”(24/01/2022)
Hải Dương giành HCV toàn đoàn tại Hội diễn Đàn, Hát dân ca 3 miền toàn quốc năm 2021(28/12/2021)
Điểm du lịch
Khu trải nghiệm Côn Sơn: Điểm đến mới lạ, độc đáo, hấp dẫn du khách
Hướng đến Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2023, Khu trải nghiệm Côn Sơn (Côn Sơn Camping) chính thức khai trương đón chào du khách đến tham quan, trải nghiệm và tận hưởng không gian xanh mát tại Côn Sơn Camping.
Tìm kiếm
Liên kết website
na
na
na
na
na
http://dochoi.haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín