Thể thao quần chúng
Trẻ hoá sới vật Tứ Kỳ

Việc thành lập câu lạc bộ (CLB) và có sự tham gia của lớp trẻ đã mang lại tín hiệu tích cực cho việc gìn giữ và phát huy thế mạnh của môn vật dân tộc – một nét văn hoá truyền thống đặc trưng ở huyện Tứ Kỳ.

Lớp học đặc biệt

Từ sáng sớm, các thành viên của CLB Vật dân tộc xã An Thanh tập trung tại sân trường mầm non An Thanh để khởi động, bắt đầu cho các bài tập trong giáo án mà Chủ nhiệm CLB đã chuẩn bị.

Háo hức sau một tuần học tập, cuối tuần chính là dịp để các em học sinh hoà mình vào niềm vui với môn thể thao mà bản thân đam mê, yêu thích.

 
 
Các đô vật nhí thực hiện thuần thục động tác se đài 
 

Nguyễn Bảo Minh, 14 tuổi, xã An Thanh là cháu thuộc gia đình cụ Nguyễn Văn Đệ, Nguyễn Thanh Sen - những đô vật nổi tiếng một thời trên địa bàn huyện Tứ Kỳ. Bố của em là Nguyễn Văn Huy cũng từng là một đô vật tiếng tăm của sới vật xã Văn Tố. Từ nhỏ, Minh đã thích vật dân tộc, luôn say mê khi được xem bố thi đấu. Đến khi biết có CLB vật dân tộc xã An Thanh thành lập, em liền xin bố mẹ cho theo học. Nhờ chăm chỉ rèn luyện, Minh đã đạt được nhiều tiến bộ, được thầy đánh giá là một trong những học viên có tố chất, biết vận dụng kỹ thuật vào thi đấu, có tiềm năng phát triển.

Phạm Văn Hoàng Long, 12 tuổi, xã An Thanh thì đến với môn vật dân tộc hoàn toàn tình cờ. Khi CLB ra mắt, Long và bạn cùng lớp của mình xin phép gia đình để được theo học. Sau một thời gian, dù tuổi còn nhỏ nhưng Long được đánh giá là có đam mê, nắm chắc kiến thức nên có cơ hội phát triển trong tương lai.

“Em rất thích vật dân tộc, vì đây là môn thể thao thể hiện cả sức mạnh và sự khéo léo. Hơn nữa, em được nghe kể đây là môn thể thao truyền thống của cha ông, đặc biệt là môn thể thao đặc trưng khi nhắc tới quê hương em, quê hương Tứ Kỳ” - Phạm Văn Hoàng Long vui vẻ chia sẻ.

Đây là hai đô vật nhỏ tuổi trong số 35 thành viên của CLB Vật dân tộc xã An Thanh. Được thành lập từ tháng 9 năm 2023 chỉ với 11 thành viên, đến nay CLB có 35 thành viên tham gia sinh hoạt thường xuyên. Đặc biệt, CLB không chỉ thu hút thành viên trên địa bàn xã An Thanh mà còn ở một số xã khác như: Chí Minh, Văn Tố, Hưng Đạo cùng tham gia.

Chủ nhiệm CLB hiện nay là anh Nguyễn Ngọc Tùng, một đô vật của xã An Thanh. Để thành lập được CLB này, anh Tùng đã ấp ủ từ khá lâu.

Trưởng thành từ lò vật xã Văn Tố, anh Tùng đã theo môn vật dân tộc được hơn 20 năm. Các đàn anh lớp trước như Nguyễn Hùng Mạnh, Nguyễn Hùng Hoàng,… là tấm gương sáng để anh Tùng phấn đấu noi theo. Nhờ vậy mà sau nhiều năm theo đuổi, Nguyễn Ngọc Tùng đã giành được nhiều giải lớn khi tham gia hội vật của tỉnh, trở thành đô vật tiếng tăm trong “sới vật” huyện Tứ Kỳ cũng như tỉnh Hải Dương.

 
 
Anh Tùng, Chủ nhiệm CLB trực tiếp hướng dẫn học viên các kỹ thuật của môn vật dân tộc 
 

Đến nay, dù còn phải lo công việc và gia đình, nhưng anh Tùng cứ tranh thủ dịp cuối tuần để tập luyện và truyền dạy kỹ thuật của môn vật dân tộc cho các thành viên trong CLB.

“Tôi cảm thấy có trách nhiệm phải giữ gìn môn vật dân tộc – một nét văn hoá đặc trưng của huyện nhà. Bởi tôi như được ngày hôm nay cũng là nhờ các bậc cha anh đi trước truyền dạy. Nên giờ khi được lãnh đạo từ cấp huyện, cấp xã, người dân quan tâm, tạo điều kiện, tôi đã quyết định xây dựng CLB để lớp trẻ được tiếp cận môn thể thao truyền thống này.” – anh Tùng chia sẻ.

Giữ gìn bản sắc

Có được thế hệ măng non có đam mê, nhiệt huyết đóng vai trò kế cận là điều không dễ đối với văn hoá truyền thống. Môn vật dân tộc cũng không ngoại lệ. Ở Tứ Kỳ, những thế hệ trẻ tiếp nối cha ông theo đuổi, gìn giữ môn thể thao độc đáo này dù chưa nhiều nhưng cũng đã thắp sáng hi vọng trong tương lai. 

Theo anh Tùng, việc quan trọng đầu tiên để thu hút được thành viên tham gia là phải tuyên truyền về ý nghĩa, nét đẹp văn hoá của môn vật dân tộc. Sau đó, để phụ huynh yên tâm gửi gắm con mình tham gia được an toàn, anh Tùng đã soạn ra giáo án phù hợp.

“Các học viên khi tham gia CLB sẽ được rèn luyện các kĩ thuật cơ bản trong thời gian dài, kĩ lưỡng. Chỉ khi huấn luyện viên (HLV) cảm thấy học viên đã nắm chắc kiến thức cơ bản mới dạy tiếp kĩ thuật nâng cao cũng như cho thi đấu giao lưu, nâng cao trình độ.” – anh Tùng cho biết.

Ông Đỗ Trọng Hà, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm VHTT huyện Tứ Kỳ cho rằng, việc thành lập được CLB vật dân tộc đầu tiên trên địa bàn huyện là bước tiến quan trọng trong việc giữ gìn và phát huy môn thể thao này – một nét văn hoá đặc trưng của huyện Tứ Kỳ.

Trong những năm qua, huyện Tứ Kỳ đã luôn khẳng định được thương hiệu ở môn vật dân tộc khi luôn giành thành tích cao ở các giải cấp tỉnh. Đặc biệt, tại Giải vật dân tộc tỉnh Hải Dương ở Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn – Kiếp Bạc năm nay, Tứ Kỳ giành 5/7 huy chương vàng các hạng cân, xếp vị trí thứ nhất toàn đoàn. Đồng thời bảo vệ ngôi đầu của giải trong 5 năm liên tiếp, thành tích chưa đơn vị nào có được.

 
 
Các đô vật hăng say tập luyện 
 

            Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của bộ môn này đó là chưa phát triển rộng, bởi đây là môn thể thao đặc thù, không giống các môn thể thao mới như: bóng đá, cầu lông… dẫn tới hạn chế trong công tác xã hội hoá. Nhiều địa phương cũng chưa thực sự quan tâm, đầu tư phát triển ở các môn thể thao truyền thống. Cơ sở vật chất của CLB còn nghèo nàn, địa điểm tập vẫn còn phải nhờ tại trường mầm non. Hoạt động của CLB dựa vào nguồn kinh phí nhỏ từ xã hội hoá, chưa có chế độ ưu đãi cho các HLV hay VĐV khi tham gia. Việc tuyên truyền chưa sâu rộng vào các trường học nên tính hiệu quả chưa cao.

Đáng tiếc hơn là lò vật ở xã Văn Tố, nơi được coi là cái nôi của môn vật dân tộc huyện Tứ Kỳ hiện không còn hoạt động. Các đô vật hiện tại phải tạm thời tham gia sinh hoạt tại CLB Vật dân tộc xã An Thanh.

“Trong thời gian tới, các cấp, ngành cần bố trí nguồn kinh phí, đầu tư cơ sở vật chất cho không chỉ môn vật dân tộc mà cho các môn thể thao khác. Cần có đề án phát triển, đưa môn vật dân tộc trở thành sản phẩm Ocop gắn với du lịch, qua đó có thể tạo điều kiện để duy trì hoạt động thường xuyên. Khi đó, người dân, du khách đến với Tứ Kỳ không chỉ được thưởng thức đặc sản rươi, cáy, trải nghiệm thêu ren, mà còn được xem đấu vật hay pháo đất. Cần tích cực vận động xã hội hoá để có kinh phí thưởng nóng cho các đô vật trước giải để cổ vũ VĐV tích cực tập luyện và thi đấu. Đồng thời cần tôn vinh, có chế độ đãi ngộ với các VĐV liên tục đạt thành tích cao tại các giải cấp tỉnh. Qua đó mới thúc đẩy được phong trào tập luyện môn vật dân tộc, góp phần giữ gìn bản sắc văn hoá đặc trưng của huyện Tứ Kỳ.” – ông Đỗ Trọng Hà chia sẻ.

Nguyễn Trường 
Các tin mới hơn
Liên đoàn Bóng bàn Hải Dương: Trao chứng nhận cho 27 câu lạc bộ cơ sở(18/05/2024)
90 học viên tham gia lớp hướng dẫn viên phòng chống bão lụt năm 2024(13/05/2024)
Cẩm Đoài nhất toàn đoàn Giải vô địch cờ tướng huyện Cẩm Giàng năm 2024(08/05/2024)
40 kỳ thủ tham gia Giải vô địch cờ tướng huyện Cẩm Giàng năm 2024(07/05/2024)
Đa dạng sân chơi bộ môn cờ tướng(07/05/2024)
Các tin cũ hơn
Giải Vô địch cầu lông các CLB huyện Gia Lộc năm 2024(06/05/2024)
60 pháo thủ tham gia thi đấu giao lưu pháo đất chùa Cổ Lôi(06/05/2024)
Sôi nổi Giải bóng bàn thị xã Kinh Môn năm 2024(06/05/2024)
Lễ phát động Ngày hội xuống nước tỉnh Hải Dương năm 2024(04/05/2024)
Phường Minh Tân: đẩy mạnh phát triển TDTT phong trào(02/05/2024)
Điểm du lịch
Khu trải nghiệm Côn Sơn: Điểm đến mới lạ, độc đáo, hấp dẫn du khách
Hướng đến Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2023, Khu trải nghiệm Côn Sơn (Côn Sơn Camping) chính thức khai trương đón chào du khách đến tham quan, trải nghiệm và tận hưởng không gian xanh mát tại Côn Sơn Camping.
Tìm kiếm
Liên kết website
na
na
na
na
na
http://dochoi.haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín