Văn hóa cơ sở
Nhạc sĩ Phạm Tuyên và ca khúc “Như có Bác trong ngày đại thắng”

Đó là ca khúc vỏn vẹn có 60 từ của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Chỉ một ca khúc này, nhạc sĩ được Nhà nước tặng Huân chương lao động hạng Ba, điều này chưa có tiền lệ ở nước ta.

Tôi nhớ có lần chậm rãi bước lên phòng P305 nhà N2, ngõ 36 phố Vạn Bảo, quận Ba Đình – Hà Nội. Gõ cửa, một người giúp việc ra mở. Còn nhạc sĩ Phạm Tuyên từ trong buồng bước ra tươi cười. Đã mấy năm nay ông không đi đâu xa. Một mình ông, xung quanh là những tủ sách, tài liệu, những hiện vật, kỷ niệm của một chặng đường cách mạng và hoạt động âm nhạc của ông. Tôi để ý, nào là Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật, các Huân chương, Bằng tôn vinh Công dân Thủ đô ưu tú năm 201… Chiếc bàn kê giữa gian phòng, có khá nhiều sách báo. Hóa ra đây chính là “sợi dây” liên hệ ra bên ngoài để ông không bị xa dời với cuộc sống đang bộn bề…

Gần đến những ngày cuối tháng Tư năm nay, tôi không về Hà Nội thăm ông. Gọi điện hỏi thăm, không thấy bắt máy, đành gọi điện nói chuyện với Phạm Thị Tuyến - con gái ông, thì được biết gần đây nhạc sĩ không nghe điện thoại nữa, nhưng vẫn mạnh khỏe. Ở cái tuổi 94 như ông, thế là quý lắm.

Mấy năm trước, ông kể rằng “Các em ở các cơ quan truyền thông điện thoại đến, liên hệ xin được ghi hình, phỏng vấn về ký ức những ngày cuối cùng cuộc chiến 30-4-1975. Nhưng câu chuyện không phải xảy ra ở chiến trường, mà là ở hậu phương, ở ngay trên mảnh đất thủ đô, khi ông còn làm trong Ban Âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam, và sâu sắc nhất là ông đã kịp thời sáng tác nên ca khúc “Như có Bác trong ngày đại thắng”. Nhưng ông từ chối khéo, rằng mình đã kể nhiều rồi, năm nào cũng vẫn những câu chuyện ấy. Vả lại nói năng bây giờ cũng khó nhọc hơn rồi. Lại có phóng viên cũng xin ghi âm, hồi ức… Ông cũng bảo, thôi thì nói đôi điều, để cho bạn bè gần xa biết ông vẫn còn đấy.”

 

Tác giả và nhạc sĩ Phạm Tuyên (bên trái) tại nhà riêng
 

Nói thì nói vậy thôi, chứ với nhiệt tình của những phóng viên, nhạc sĩ Phạm Tuyên – người của công chúng, vẫn dành thời gian để anh em Truyền hình Báo Nhân Dân ghi hình và những lời tâm sự của người nhạc sĩ tài hoa trong những ngày vui của đất nước…

Mới năm kia, cũng vì kính phục người nhạc sĩ bậc thầy, mà các cô giáo và học trò trong “Câu lạc bộ bồi dưỡng tài năng trẻ Đoàn Thị Điểm - Hưng Yên” từ quê mẹ của nhạc sĩ, đã kéo nhau ra tận nhà riêng của ông, tổ chức sinh nhật mừng thầy Phạm Tuyên 90 tuổi. Ông bồi hồi thấy mình trẻ lại, khi được các cháu đeo cho tấm khăn quàng đỏ, lại được nghe các em hát bài “Tiến lên đoàn viên” trong căn phòng chật hẹp, ánh lửa ngọn nến bập bùng, ấm áp tình đời… Nhạc sĩ mấy lần lau nước mắt vì xúc động… Đấy là niềm vui đầu năm của một nhạc sĩ 70 năm tuổi Đảng, 90 tuổi đời, trùng với con số 90 năm ngày thành lập Đảng…

Hẳn bạn đọc từng biết chuyện nhạc sĩ Phạm Tuyên viết ca khúc “Như có Bác trong ngày đại thắng” vào đêm 28/4/1975, sau khi nghe bản tin cuối ngày của Đài TNVN đưa tin phi công Nguyễn Thành Trung ném bom sân bay Tân Sân Nhất. Linh tính như báo cho ông biết, cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam đã đến hồi kết. Và cảm xúc trào dâng trong trái tim người nhạc sĩ  khi ấy 45 tuổi, đang thời kỳ sung mãn, từng trải nghiệm, nấu nung, đến nỗi chưa đầy 2 giờ đồng hồ, ông đã viết xong bài “Như có Bác trong ngày đại thắng” - một tấm bia tạc vào nền ca khúc cách mạng Việt Nam.

Điều kỳ thú là, trong ca khúc này, nhạc sĩ Phạm Tuyên chỉ sử dụng có 40 từ, và điệp khúc 4 lần 5 từ “Việt Nam - Hồ Chí Minh”, tổng số là 60 từ cho cả bản nhạc. Giai điệu giản dị, ca từ ngắn gọn, súc tích, dễ hát dễ thuộc, ca khúc có sức sống mãnh liệt, rất hiếm thấy trong âm nhạc nước nhà. Người ta hát trong sinh hoạt cộng đồng, trong lễ tiết, những buổi giao lưu. Cũng từ nhạc phẩm này, nhạc sĩ Phạm Tuyên được thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

Phạm Tuyên là con trai thứ 4 của ông Chủ bút báo Nam Phong - Phạm Quỳnh, vốn quê quán ở Bình Giang, Hải Dương. Mẹ là Lê Thị Vân, quê làng Nhân Vực, Văn Giang, Hưng Yên. Cha ông là nhà văn hóa, tận tâm muốn tài bồi nền quốc văn, quốc học cho dân tộc, nổi tiếng với câu nói “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn” từ thế kỷ trước. Năm 1932 ông được triều đình vua Bảo Đại mời vào Huế tham chính. Từ nhỏ ở với cha mẹ tại Huế, Phạm Tuyên đam mê văn học nghệ thuật, tiếp cận đàn nguyệt, học nhạc lý, biết chơi phong cầm và ghi ta.

Sau ngày Toàn quốc kháng chiến, Phạm Tuyên đã tham gia các hoạt động của thanh niên, sinh viên, và đã trở thành người lính Cụ Hồ -Trường sĩ quan Lục quân Trần Quốc Tuấn khóa V, từng là đại đội trưởng Trường thiếu sinh quân Việt Nam, rồi cán bộ phụ trách Văn - Thể - Mỹ ở khu học xá Trung Ương (Nam Ninh - Trung Quốc) thuộc Bộ Giáo dục. Khi tròn 20 tuổi, ông đã đứng vào hàng ngũ của người cộng sản.

Năm 1958, Phạm Tuyên về Đài tiếng nói Việt Nam, bắt đầu hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp. Âm nhạc Phạm Tuyên giản dị nhưng không dễ dãi, có tính phổ cập mà vẫn trí tuệ, càng nghe càng thấm. Ông viết nhiều, đi nhiều, sáng tạo theo bản năng chứ không bị lệ thuộc vào những trường phái này hay trường phái khác. Ông kể có lần đã chuẩn bị hành trang đi học ở nước ngoài, sau lại có lệnh thôi không đi nữa. . “Thế cũng có cái hay” - Ông nói vậy.

 

Nhạc phẩm “Như có Bác trong ngày đại thắng” của Phạm Tuyên
 

Trong sự nghiệp âm nhạc của Phạm Tuyên, đề tài về Đảng, đất nước và trẻ thơ là đặc sắc nhất. Với hơn 200 ca khúc, chiếm khoảng một phần ba gia tài đồ sộ của mình, những nhạc phẩm cho mọi lứa tuổi thiếu niên nhi đồng đã được nhiều thế hệ thiếu nhi cả nước yêu thích. Hầu hết những tác phẩm ấy, ông được người bạn đời - Phó giáo sư - Tiến sĩ tâm lý học Nguyễn Ánh Tuyết giúp sức.. Bà là người mẹ của hai đứa con, còn là bạn tri âm của chồng. Nhưng trớ trêu, người bạn tri âm ấy đã ra đi vì bệnh tật gần chục năm nay. Chiếc đàn piano đặt hững hờ trong phòng khách…

Chỉ tính từ khi làm âm nhạc chuyên nghiệp (1958) cho tới lúc nghỉ hưu (1994), Phạm Tuyên sáng tác khoảng 700 ca khúc trữ tình cách mạng. Trên chặng đường âm nhạc đầy gian nan, người bộ hành nặng trĩu đôi vai nghĩa vụ và trách nhiệm, để lại phía sau những dấu ấn.

Là người nổi tiếng, nhưng nhạc sĩ Phạm Tuyên sống rất giản dị, chân tình. Những năm trước, khi tôi viết cuốn sách “Phạm Quỳnh, con người và thời gian”, đến nhà ông liên hệ, mong được giúp đỡ về nguồn tư liệu. Dạo ấy, phu nhân của ông mới mất, ông trong tâm trạng hẫng hụt, vậy mà Phạm Tuyên đã dành nhiều thời gian trò chuyện và tận tình  gửi những sách báo, tài liệu sưu tập từ nước ngoài về cho tôi làm chứng cứ khảo cứu.

Những lần nói chuyện, ông hay tâm sự: “Hãy biết sống và cống hiến cả khi đời mình hoàn cảnh không thuận lợi”. Vài năm trước ông vẫn khoe mình đi giúp địa phương thẩm định các nhạc phẩm, vẫn tiếp xúc với các báo chí, dự các sự kiện lớn về âm nhạc... Ông chẳng ngại gì tuổi cao, có lần về Nhà Thiếu nhi Hải Dương giao lưu với các cháu nhỏ, cho các cháu thắt khăn quàng đỏ cho mình, rồi vỗ tay cùng hát, “tùng dinh dinh”…

Năm nay, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã vào tuổi 94. Người nhạc sĩ già vẫn đau đáu một khát vọng là hãy quan tâm hơn nữa đến âm nhạc thiếu nhi. Hãy gieo vào tâm hồn các em những nét đẹp truyền thống, nhân văn hướng đến tương lai./.

 

Khúc Hà Linh

Các tin mới hơn
Triển khai mô hình điểm về thực hiện bộ tiêu chí ứng xử văn minh nơi công cộng(17/05/2024)
Phát triển văn hóa đọc trong hệ thống thư viện công cộng ở Hải Dương(16/05/2024)
Hoàn thành chương trình chỉ đạo điểm thị trấn Tứ Kỳ(16/05/2024)
Gian trưng bày hiện vật và bức phù điêu tại Nhà tưởng niệm cố Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng(15/05/2024)
Trường Trung cấp VHNT&DL: Hội thi tài năng học sinh khối Trung cấp năm 2024(15/05/2024)
Các tin cũ hơn
Thư viện tỉnh Hải Dương đạt giải Nhì Liên hoan Cán bộ Thư viện toàn quốc năm 2024(28/04/2024)
Nhiều chương trình hấp dẫn tại phố đi bộ, chợ đêm Bạch Đằng(28/04/2024)
Ôn lại những năm tháng hào hùng của chiến dịch Điện Biên Phủ(27/04/2024)
60 hạt nhân văn nghệ thị trấn Tứ Kỳ tham gia chương trình chỉ đạo điểm hoạt động văn hóa, văn nghệ cơ sở(26/04/2024)
Cụm thi đua số 1 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai công tác thi đua, khen thưởng năm 2024(26/04/2024)
Điểm du lịch
Khu trải nghiệm Côn Sơn: Điểm đến mới lạ, độc đáo, hấp dẫn du khách
Hướng đến Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2023, Khu trải nghiệm Côn Sơn (Côn Sơn Camping) chính thức khai trương đón chào du khách đến tham quan, trải nghiệm và tận hưởng không gian xanh mát tại Côn Sơn Camping.
Tìm kiếm
Liên kết website
na
na
na
na
na
http://dochoi.haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín