Du lịch
Hải Dương: Nâng cao chất lượng cơ sở lưu trú du lịch để phát triển du lịch

Là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển đa dạng các loại hình du lịch như: Du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh, sinh thái. Những năm gần đây, lượng du khách trong nước, quốc tế đến với Hải Dương ngày càng tăng. Tuy nhiên, các cơ sở lưu trú du lịch hiện nay về quy mô lẫn chất lượng dịch vụ còn chưa đáp ứng tốt nhất các yêu cầu của du khách.

Khiêm tốn cả về quy mô và chất lượng

Sau 3 năm tổ chức rút gọn do dịch Covid-19, năm nay Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc được tổ chức trở lại với đầy đủ các phần nghi lễ và phần hội đầy hấp dẫn với thu hút du khách thập phương. Chính vì vậy nên tính từ ngày 31/1 (tổ chức Lễ cáo yết xin mở hội mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc) đến hết ngày 13/2, Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc đã đón trên 11 vạn lượt khách tới tham quan, chiêm bái. Còn nếu tính từ đầu năm 2023, khu di tích đã đón trên 30 vạn lượt khách.

Đối nghịch với lượng khách lớn đổ về khu di tích, các khách sạn, nhà nghỉ trong khu vực lại ở mức hạn chế, có thể đếm được trên đầu ngón tay như: Khách sạn Sao Đỏ, khách sạn Lan Anh, Thanh Bình, Bảo Minh,  Queen,nhà nghỉ Hoàn Hảo… , trong đó duy nhất Sao Đỏ là khách sạn 3 sao, còn lại đều là những khách sạn, nhà nghỉ quy mô nhỏ và vừa.

Là một trong ba khách sạn gần khu vực di tích chùa Côn Sơn, ông Nguyễn Văn Nhân, chủ khách sạn Lan Anh cho biết: “Khách sạn của chúng tôi có 40 phòng ở. Vào dịp lễ hội đầu năm chúng tôi luôn trong trạng thái thiếu phòng cho khách. Nhiều khách từ xa phải đặt phòng trước cả tuần thì mới có thể sắp xếp phòng nghỉ được”.

 
 
Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc thu hút đông đảo du khách khi được tổ chức trở lại

Không những sở hữu tài nguyên du lịch phong phú và đa dạng, đặc biệt là tài nguyên du lịch văn hóa với trên 3.200 di tích, trong đó có 401 di tích đã được nhà nước xếp hạng (04 di tích, cụm và quần thể di tích quốc gia đặc biệt, 142 di tích quốc gia và 255 di tích cấp tỉnh), Hải Dương còn là tỉnh có vị trí quan trọng trong phát triển du lịch ở vùng Đồng bằng Sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc, đặc biệt là tuyến du lịch quốc gia Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh kết nối với khu vực.

Theo thống kê của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, hoạt động du lịch đầu năm 2023 đạt được những kết quả đáng khích lệ. Chỉ trong 2 tháng đầu năm, Hải Dương đã đón gần 600.000 lượt khách tăng gấp 3,3 lần so với cùng kỳ năm 2022, trong đó: khách quốc tế là gần 9.000 lượt; khách nội địa khoảng 588.000 lượt; doanh thu ước đạt khoảng 185 tỷ, tăng gấp 4,09 lần so với cùng kỳ năm 2022; công suất buồng, phòng đạt 47,5%. Tập trung ở những khu, điểm như: Côn Sơn – Kiếp Bạc (TP Chí Linh) đạt khoảng 329.500 lượt; An phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương (Kinh Môn) trên 100.000 lượt; Văn Miếu Mao Điền – Đền Bia trên 30.000 lượt, các di tích khác của TP Chí Linh trên 66.000 lượt, Đảo Cò Chi Lăng Nam (Thanh Miện) trên 9.000 lượt…

Lượng khách ngày một tăng song nhu cầu khách ở lại qua đêm cũng không lớn do hạn chế các dịch vụ vui chơi, giải trí, mua sắm về đêm tại các huyện, thị xã, thành phố có khu, điểm du lịch, di tích này. Vì vậy cũng kéo theo dịch vụ cơ sở lưu trú ở Hải Dương còn ở mức khiêm tốn. Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 350 cơ sở lưu trú, trong đó chỉ có 01 khách sạn 4*, 5- 6 khách sạn từ 3*, 5 khách sạn 2*, còn lại là khách sạn nhỏ, nhà nghỉ và homestay. Các khách sạn có quy mô, chất lượng dịch vụ tốt chủ yếu tập trung tại TP Hải Dương, số ít còn lại nằm ở  một vài địa phương có khu, điểm di tích, danh thắng hấp dẫn như: TP Chí Linh, thị xã Kinh Môn. Đây là một con số quá ít so với nhu cầu và mức sống ngày càng tăng của du khách. Hơn nữa, đại đa số cơ sở lưu trú còn thiếu các dịch vụ để phục vụ các nhu cầu cần thiết của du khách; thiếu các điểm mua sắm và các khu vui chơi giải trí tại các trung tâm du lịch; sản phẩm du lịch còn đơn điệu, thiếu tính cạnh tranh…

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thực trạng trên là đa số các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú ở tỉnh xuất phát từ hộ gia đình nên đang thiếu tính chuyên nghiệp trong khâu điều hành; giá phòng so với mặt bằng chung của một số tỉnh trong vùng đồng bằng sông Hồng vẫn còn cao, lợi dụng mùa cao điểm có một số khách sạn tự ý tăng giá phòng so với ngày thường; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của nhân viên còn hạn chế, thiếu kỹ năng phục vụ lẫn kỹ năng giao tiếp với khách.

Hầu hết các đơn vị kinh doanh cơ sở lưu trú, lưu trú du lịch chưa liên kết, hợp tác với nhau dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Trang thiết bị, cơ sở vật chất tại một vài khách sạn đang trong tình trạng xuống cấp nhưng chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức…

Cần thay đổi tư duy, nhận thức

Giống như các tỉnh thành thuộc khu vực phía Bắc, du lịch Hải Dương vẫn bị ảnh hưởng bởi yếu tố thời vụ. Lượng khách tập trung chủ yếu vào các tháng đầu năm, dịp lễ hội và chủ yếu là khách tham quan trong ngày, lượng khách lưu trú còn ít. Còn khách lưu trú thường xuyên chỉ là khách công vụ, nhưng không nhiều và chỉ có các khách sạn lớn như: Nam Cường, Trường Thành, Kim Sơn, Hữu Nghị, Kim Bảo… mới có thể đáp ứng được yêu cầu của họ.

Doanh thu thấp khiến các đơn vị kinh doanh cơ sở lưu trú gặp khó khăn, dẫn tới việc cơ sở vật chất, trang thiết bị xuống cấp, hư hỏng nhưng không được đầu tư sửa chữa, bổ sung kịp thời. Bên cạnh đó, dịch vụ bổ sung trong các cơ sở lưu trú chưa phong phú, chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách du lịch trong và ngoài nước.

 
 
Khách sạn Nam Cường (TP Hải Dương) là khách sạn duy nhất đạt chuẩn 4 sao trong tỉnh

Theo thống kê của Sở VHTTDL, trong 5 năm trở lại đây số lượng các cơ sở lưu trú có tăng nhưng không đáng kể, chủ yếu là khách sạn nhỏ, nhà nghỉ, homestay. Một số khách sạn được xây dựng nhưng không đăng ký xếp hạng sao, bởi theo Luật Du lịch năm 2017, việc xếp hạng sao là không bắt buộc, các doanh nghiệp có yêu cầu đề nghị thì việc này mới được triển khai.

“Nhiều cơ sở lưu trú chưa nhận thức hết được tầm quan trọng của việc đăng ký xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch, cho rằng Hải Dương không phải là đất du lịch, họ vẫn có thể tự xây dựng và tự hút khách mà không cần đăng ký xếp hạng sao. Tuy nhiên, họ mới chỉ thấy cái lợi trước mắt mà không thấy cái lợi lâu dài, đó là việc đăng ký xếp hạng có thể giúp cơ sở lưu trú tăng uy tín, thương hiệu, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, tích cực giữa các cơ sở lưu trú với nhau, được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với các cơ sở lưu trú du lịch đã được xếp hạng. Việc công nhận xếp hạng  cũng đồng thời với việc cơ sở lưu du lịch trú đảm bảo đủ các tiêu chí về an toàn, chất lượng dịch vụ… nên về lâu dài sẽ thu hút được du khách yên tâm hơn khi đến sử dụng dịch vụ”. – bà Nguyễn Hoài Thoa, Trưởng phòng Quản lý Du lịch, Sở VHTTDL cho biết.

Phát triển và nâng cao chất lượng cơ sở lưu trú du lịch đòi hỏi phải có nhiều giải pháp đồng bộ. Với chất lượng cuộc sống ngày càng được cải thiện, nhiều người đều có khả năng và nhu cầu đi du lịch nên số lượng du khách ngày càng nhiều, nhu cầu lưu trú ngày càng tăng. Để mang lại sự hài lòng cho khách du lịch thì các đơn vị kinh doanh cơ sở lưu trú phải thay đổi tư duy, nhận thức về việc đầu tư, xây dựng thương hiệu theo hướng phát triển lâu dài, bền vững. Cần chú trọng đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị thường xuyên, đồng thời tích cực quảng bá cho hình ảnh cơ sở của mình cũng như bổ sung và nâng cao các sản phẩm, dịch vụ, tạo phong cách riêng để tăng sức hút với khách lưu trú, góp phần làm tăng giá trị của doanh nghiệp. Với các cơ sở mới, cần phải nghiên cứu đủ các tiêu chí trước khi xây dựng để có thể đạt xếp hạng sao khi thẩm định. Cần tạo môi trường để khách hàng có trải nghiệm tốt nhất khi lưu trú tại cơ sở lưu trú. Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nhân lực đóng vai trò hết sức quan trọng trong các cơ sở lưu trú. Vì vậy, cần phải tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp...

Hàng năm, Sở VHTTDL đều mở các lớp tập huấn nghiệp vụ về quản lý và nghiệp vụ du lịch cho các cơ sở lưu trú du lịch trong tỉnh. Đồng thời thường xuyên phối hợp với các ban, ngành, địa phương tổ chức kiểm tra về việc chấp hành pháp luật, đảm bảo an ninh, an toàn, vệ sinh, chất lượng chuyên môn tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh…

Có thể khẳng định, hoạt động kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển du lịch, bởi đây là điều tạo ấn tượng tốt đẹp ban đầu đối với du khách, một trong những cơ sở quan trọng quyết định sự thành công của chuyến đi.

Do vậy, việc nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, chất lượng dịch vụ của các cơ sở lưu trú du lịch là điều kiện để góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế; tạo được tâm lý thoải mái trong việc ăn, nghỉ đối với du khách, góp phần quảng bá, giới thiệu những thắng cảnh nổi tiếng của mảnh đất và con người Hải Dương đến bạn bè trong nước và quốc tế, qua đó góp phần thúc đẩy ngành du lịch của tỉnh nhà ngày càng phát triển.

Nguyễn Trường 
Các tin mới hơn
Hiệp hội Du lịch tỉnh Hải Dương: Điểm tựa thúc đẩy ngành du lịch phát triển(27/12/2023)
Khai mạc Tuần Văn hoá, Du lịch và Xúc tiến thương mại Lễ hội mùa Thu Côn Sơn – Kiếp Bác năm 2023(30/09/2023)
Hoa gạo tháng Ba - điểm “check in” thú vị(20/03/2023)
Các tin cũ hơn
Đoàn TP Suwon Hàn Quốc thích thú với các sản vật của tỉnh Hải Dương(06/02/2023)
“Liên kết” – chìa khóa để phát triển du lịch(28/07/2022)
Hấp dẫn các tour trải nghiệm tại Hải Dương(16/05/2022)
Tổ chức các tour du lịch tham quan miễn phí cho các đoàn thể thao (14/05/2022)
Hợp tác phát triển du lịch (05/05/2022)
Điểm du lịch
Khu trải nghiệm Côn Sơn: Điểm đến mới lạ, độc đáo, hấp dẫn du khách
Hướng đến Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2023, Khu trải nghiệm Côn Sơn (Côn Sơn Camping) chính thức khai trương đón chào du khách đến tham quan, trải nghiệm và tận hưởng không gian xanh mát tại Côn Sơn Camping.
Tìm kiếm
Liên kết website
na
na
na
na
na
http://dochoi.haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín