Văn hóa cơ sở
Người chủ nhiệm tận tâm với phong trào văn nghệ

Năm 2019 câu lạc bộ (CLB) hát chèo, hát dân ca huyện Cẩm Giàng được thành lập với gần 30 thành viên, ban chủ nhiệm có 05 người, chủ nhiệm là ông Trần Xuân Hách đến nay đã qua tuổi “thất thập” người xã Tân Trường.

Được gặp ông nhiều lần tại các hội thi, hội diễn văn nghệ huyện Cẩm Giàng và các lớp hát chèo, hát dân ca do trường Trung cấp VHNT&DL tổ chức về cơ sở. Nhưng phải tới một sáng đầu Thu năm nay chúng tôi mới có dịp tới nhà ông, thôn Tràng Kỹ, xã Tân Trường. Mặc dù vừa trải qua đợt tai biến nhẹ, người chưa khỏe hẳn, nhưng ông vẫn niềm nở tiếp chúng tôi. Sau ấm trà thơm, ông bắt đầu kể về quá trình công tác và cái duyên với phong trào văn hóa, văn nghệ đã gắn với ông đến tận hôm nay.

Sinh ra trong thời kỳ đất nước còn chiến tranh, như bao thanh niên khác, năm 18 tuổi ông nhập ngũ đi bộ đội ở Trung đoàn 8 thuộc Tỉnh đội Hải Hưng, được huấn luyện tân binh tại Chí Linh. Tháng 12 năm 1967 chuẩn bị đi Bê, thì bị bệnh nên phải ở lại điều trị, sau đó ông chuyển về trường Hạ sĩ quan, trợ giúp hậu cần. Lúc này Trung đoàn 8 sáp nhập với Trung đoàn 2 (Kinh Môn) gọi là Trung đoàn 2, có chủ trương thành lập Đội văn nghệ xung kích, do ông biết thổi sáo, nên là người đầu tiên được chọn. Một thời gian sau Đội đã tuyển được 30 người cả nam lẫn nữ. Trong quá trình hoạt động, Đội được đi tập huấn ở Quân khu Tả ngạn và trường Trung cấp VHNT&DL, lúc này trường đóng tại Đồng Niên (TP Hải Dương), Đội được các thầy, cô dạy nhạc, dạy hát, múa và dựng vở, dạy biểu diễn trong 2 tuần. Chương trình thử sức đầu tiên của Đội là đợt tham gia Hội diễn Quân khu ở trường Đại học TDTT (Từ Sơn, Bắc Ninh)… Cũng từ các lớp tập huấn, ngoài biểu diễn độc tấu sáo điêu luyện ông còn chơi được một số nhạc cụ như: nhị 1, đàn violon, đàn ắc-coóc-đê-ông, đàn ghi ta; diễn kịch nói, múa tập thể và hát tốp ca. Do thời điểm bấy giờ giặc Mỹ tăng cường bắn phá miền Bắc, năm 1973 ông trở lại Tỉnh đội tham gia công binh, chỉ huy phá bom ở Nam Sách và các địa phương trong tỉnh…

 

Ông Hách (bìa trái) nhận hoa chúc mừng tại lễ ra mắt CLB hát chèo, hát dân ca huyện Cẩm Giàng năm 2019.

 

Sau khi đất nước thống nhất, ông xin chuyển ngành về Công ty ăn uống Hải Hưng. Trước khi về công ty, có đồng chí Ngọc Phan - Ban ca nhạc của Đài tiếng nói Việt Nam dẫn đoàn về huyện Gia Lộc biểu diễn và tuyển người. Anh Đỗ Xuân, chị Như Hoa cho ông biểu diễn nhị 1 để kiểm tra, nghe xong mọi người đều đánh giá cao và đề nghị ông làm hồ sơ cầm trực tiếp lên Đài (sơ tán ở 126 phố Đại La, Hà Nội). Lúc đó toàn miền Bắc có 3 người được tuyển vào Ban ca nhạc - Đài tiếng nói Việt Nam, ông là người đầu tiên có mặt ở nhà Đài, nhưng do mới lập gia đình, có con nhỏ và thấy không thích hợp với hoàn cảnh sống xa nhà nên ông quay về làm tại Công ty ăn uống. Thời điểm này, phong trào văn nghệ của công ty rất sôi nổi, vốn có kinh nghiệm nhiều năm ở Đội văn nghệ xung kích - Trung đoàn 8, ông bắt nhịp nhanh chóng và là thành viên tích cực, tham các hội diễn trong và ngoài tỉnh như: Lạng Sơn, Hưng Yên… Thời gian sau, do tình hình kinh tế dịch chuyển từ bao cấp sang nền kinh tế thị trường, công ty dừng hoạt động và giải thể, ông chuyển sang làm nghề điện lạnh tại Phố Nối (Hưng Yên), đây cũng là quãng thời gian vất vả lo sinh kế. Ông đi khắp các tỉnh phía Bắc trải đủ nghề, từ lắp máy làm kem, làm đá, máy xay xát và vào TP Hồ Chí Minh làm điện lạnh. Đây cũng là thời gian ông tạm rời xa phong trào văn nghệ cho đến ngày nghỉ hưu.

Khi nghỉ hưu, vốn kinh nghiệm nhiều năm làm phong trào và là tay đánh nhịp một rất tốt, nên được anh Tân – nguyên nhạc trưởng dàn nhạc Nhà hát Chèo Hải Hưng, thầy dạy nhạc trường Trung cấp VHNT&DL mời tham gia cùng đội của anh. Đội có 5 người, sử dụng điêu luyện các nhạc cụ như Nhị, Sáo, Trống, đàn Tam, đàn Tam thập lục, hình thành nên một ban nhạc có tính chuyên nghiệp giúp cho hoạt động các CLB văn nghệ ở Chí Linh, Nam Sách… phát triển. Ngoài làm phong trào, đội còn thường xuyên làm cộng tác viên cho trường Trung cấp VHNT&DL phục vụ các lớp học ở trường và các lớp mở về cơ sở. Các ông giúp nhà trường khớp nhạc cho học sinh diễn các bài mẫu như: Thị Mầu lên chùa, Súy Vân giả dại, Quán Vinh Hương… và làm cả lễ tốt nghiệp cho các em. Trong nhiều năm cộng tác, ban nhạc được các thầy cô của trường nhận xét: các bác có tuổi nhưng rất nhiệt tình giúp nhà trường, nửa buổi cũng đến bất kể sáng hay chiều, ngày mưa hay nắng. - Với chúng tôi, nghề cũng là cái nghiệp, nhưng giúp chúng tôi có một sân chơi vui vẻ, sức khỏe, vô tư không nghĩ đến bệnh tật, tuổi tác… như sống lại những ngày tuổi trẻ, chỉ mấy hôm nay ốm đau mới cảm thấy là già, nhìn lại thì mình đã ngoài 70 tuổi rồi – ông Hách chia sẻ.

Đối với CLB hát chèo, hát dân ca huyện Cẩm Giàng, ông thường xuyên tổ chức cho các thành viên gặp gỡ ở di tích Văn miếu Mao Điền để giao lưu, luyện lại các bài cũ và tập các tiết mục mới tham gia hội thi hội diễn của huyện và tỉnh. Mặc dù năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 CLB ít sinh hoạt, nhưng mỗi khi được gặp mặt là khí thế các thành viên lại háo hức được hát, được diễn. Trong hơn một năm hoạt động, mặc dù luôn có sự biến đổi của các thành viên nhưng CLB vẫn duy trì 30 thành viên (người cao tuổi nhất 71 trẻ nhất 45). Tham gia hội diễn không chuyên huyện, CLB mời đạo diễn, tác giả Công Bằng diễn vở “Nước cờ quân tử”. Vở diễn tái hiện Hội cờ Văn miếu Mao Điền, huyện Cẩm Giàng. “Ban đầu tác giả Công Bằng nghĩ rằng sẽ không làm được vì diễn viên còn kém, tuy nhiên tôi đã sắp xếp từng vai và mời thêm một số người để đủ vai diễn, rồi cho dàn dựng, vở diễn thành công tốt đẹp và đạt giải cao” – ông Hách phấn khởi cho biết.

Gần như trọn cuộc đời ông gắn với duyên nghiệp trong phong trào văn nghệ. Từ khi còn trong quân ngũ cho đến sau khi nghỉ hưu về với đời thường ông vẫn tận tâm với với phong trào, mong rằng thời gian tới ông sẽ tiếp tục cống hiến cho phong trào văn hóa văn nghệ ở địa phương, để lan toả và góp phần gìn giữ các môn nghệ thuật truyền thống của quê hương.                                                                                                                      

Bá Giang
Các tin mới hơn
Hấp dẫn chương trình văn hóa, văn nghệ kỷ niệm các ngày lễ của đất nước(26/04/2024)
Gần 1.000 đầu sách trưng bày khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc(16/04/2024)
Tiểu học Tân Kỳ hưởng ứng ngày sách và văn hóa đọc(16/04/2024)
Lễ hội truyền thống chùa Nhẫm Dương năm 2024(13/04/2024)
Gặp mặt tuyên dương các “Nghệ sỹ Nhân dân”, “Nghệ sỹ Ưu tú” lần thứ 10 (12/04/2024)
Các tin cũ hơn
Tổ chức các hoạt động trọng tâm tại Trung tâm Văn hóa Xứ Đông tuyên truyền chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII(14/01/2021)
Tăng cường đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19 trong dịp Tết Nguyên đán – Tân Sửu 2021(14/01/2021)
Rộn ràng chương trình nghệ thuật Chào năm mới 2021(02/01/2021)
Nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, văn nghệ tại Nhà văn hóa(02/01/2021)
Tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao mừng năm mới 2021(31/12/2020)
Điểm du lịch
Khu trải nghiệm Côn Sơn: Điểm đến mới lạ, độc đáo, hấp dẫn du khách
Hướng đến Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2023, Khu trải nghiệm Côn Sơn (Côn Sơn Camping) chính thức khai trương đón chào du khách đến tham quan, trải nghiệm và tận hưởng không gian xanh mát tại Côn Sơn Camping.
Tìm kiếm
Liên kết website
na
na
na
na
na
http://dochoi.haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín