Văn hóa cơ sở
Điểm sáng làng văn hóa Cẩm Lý

Với thành tích 20 năm duy trì và phát huy danh hiệu Làng văn hóa (LVH) của cán bộ và nhân dân thôn Cẩm Lý, xã An Lâm (Nam Sách) là bài học thực tiễn về vai trò lãnh đạo toàn diện của Chi bộ đảng cơ sở; là sự đồng thuận của cán bộ và nhân dân trong việc chung tay thực hiện các nội dung duy trì và phát huy danh hiệu LVH - xây dựng nông thôn mới. Đó là một cách làm hay cần được tuyên truyền, nhân rộng trong toàn tỉnh.

Đã hẹn trước, tôi về Cẩm Lý vào một ngày cuối tháng năm, trong không khí hân hoan, phấn khởi về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kì 2021 – 2026 của người dân nơi đây. Trong căn nhà hai tầng khang trang, với đầy đủ tiện nghi hiện đại nhưng vẫn toát lên vẻ ấm cúng, truyền thống, ông Nguyễn Văn Trung - Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Cẩm Lý vui vẻ tiếp chuyện và hồ hởi pha trà mời khách. Sau khi biết tôi có ý định tìm hiểu về LVH Cẩm Lý, ông đã say sưa kể những câu chuyện về lịch sử và thành tích của thôn mình. Qua đó, tôi biết được, Cẩm Lý là một trong 6 thôn của xã An Lâm, có lịch sử hình thành cách đây khoảng 700 năm, xưa kia gọi là Trại Lôi Khê. Hiện thôn có 21 dòng họ sinh sống với 332 hộ, 1.068 khẩu. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc. Số hộ giàu chiếm tỷ lệ 40%; tỷ lệ gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa là 97%; 20 năm liền Cẩm Lý giữ vững danh hiệu LVH. Có được kết quả đó, là do những năm qua thôn thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới.

 
Đường làng, ngõ xóm phong quang sạch sẽ

Dẫn chúng tôi đi trên con đường bê tông đạt chuẩn, ông Nguyễn Văn Trung hồ hởi chia sẻ: Năm 1999, khi Ủy ban mặt trận Tổ quốc xã phát động thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", Cẩm Lý gặp rất nhiều khó khăn trong việc vận động và tổ chức thực hiện do khi ấy điều kiện kinh tế của người dân còn thấp, trình độ nhận thức còn hạn chế. Nhưng dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, sự quyết tâm của ban mặt trận thôn và sự đồng thuận cao trong nhân dân nên thôn Cẩm Lý đã gặt hái được nhiều kết quả tích cực. Ngay sau khi phong trào được phát động, Chi bộ và cán bộ thôn đã thành lập Ban vận động phong trào, hướng tới mục tiêu xây dựng LVH, gắn việc phát triển kinh tế với việc nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân. Công tác tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện các nội dung tiêu chí của phong trào được chú trọng. Trong đó mỗi cán bộ, đảng viên, các ban ngành đoàn thể gương mẫu đi đầu thực hiện. Với quá trình phấn đấu không mệt mỏi của nhân dân và cán bộ, đảng viên thôn Cẩm Lý, năm 2001, thôn đã vinh dự được UBND huyện công nhận danh hiệu LVH. Xác định đạt được danh hiệu làng văn hóa đã khó, giữ vững danh hiệu còn khó hơn, nên từ đó đến nay, cán bộ và nhân dân luôn nỗ lực phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân, nỗ lực giữ vững danh hiệu văn hóa mà cốt lõi là ngày càng đem lại cuộc sống tươi đẹp cho xóm làng và mỗi gia đình. Luôn tự hào và biết khơi gợi, phát huy truyền thống cách mạng của quê hương chính là một trong những nguyên nhân thành công của Cẩm Lý.

Xác định kinh tế có phát triển thì mới tạo nền tảng văn hóa phát triển. Trong những năm gần đây, cán bộ thôn, người dân nơi đây đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, phát triển kinh tế trang trại, gia trại, sản xuất công nghiệp, dịch vụ hàng hóa, xuất khẩu lao động… nên đời sống vật chất của nhân dân trong thôn ngày càng được cải thiện rõ rệt, hộ giàu ngày một tăng, hộ nghèo giảm hàng năm từ 3% đến 5%. Nếu như vào thời điểm năm 2001 khi thôn được công nhận là LVH, thu nhập bình quân đầu người mới chỉ đạt 12 triệu/người/năm thì đến nay con số ấy đã tăng gấp gần 5 lần với thu nhập bình quân đạt 53 triệu/người/năm. Kinh tế ổn định, nhân dân tích cực đóng góp tiền của, công sức để xây dựng đường giao thông nông thôn và các công trình phúc lợi xã hội. Từ nhận thức được yếu tố nòng cốt trong xây dựng và giữ vững danh hiệu LVH là nâng cao chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hóa nên Chi bộ và lãnh đạo thôn đã chỉ đạo tổ chức lồng ghép phong trào với các cuộc vận động khác như "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", "Ngày Vì người nghèo"; thi đua đạt danh hiệu gia đình "Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con trung hiếu, cháu thảo hiền", phong trào "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc"… Nhờ đó, số hộ gia đình văn hóa luôn được nâng cao về số lượng, đảm bảo chất lượng, tỷ lệ ngày càng tăng từ hộ 86,6% năm 2001 lên 97% năm 2020. Việc cưới, tân gia, lễ hội và mừng thọ được tổ chức trang trọng, tiết kiệm với không khí vui tươi, lành mạnh. Trong việc tang không còn các hủ tục (khóc mướn, rải vàng mã, lăn đường, luồn cữu…) ngày càng nhiều gia đình chọn hình thức hỏa táng. Công tác dân số kế hoạch hóa gia đình được đảm bảo. Môi trường cảnh quan của làng luôn được giữ gìn xanh, sạch, đẹp; đường làng, ngõ xóm phong quang, sạch sẽ. Công tác phổ cập giáo dục Trung học cơ sở đạt 100%, 100% số cháu 5 tuổi được đến mẫu giáo. Phong trào khuyến học và xây dựng quỹ khuyến học được cán bộ và nhân dân quan tâm phát triển mạnh với số quỹ của các dòng họ ước đạt trên 100 triệu đồng. Các xóm, cụm liên gia tự quản hoạt động nề nếp, hiệu quả. Có 01 tổ hòa giải luôn được bồi dưỡng nâng cao kiến thức, nêu cao tinh thần đoàn kết trách nhiệm và kịp thời có mặt làm tốt công tác hòa giải khi có mâu thuẫn xảy ra. Mỗi một vấn đề, sự việc xảy ra trong làng đều được xử lý dứt điểm, kịp thời không để xẩy ra mâu thuẫn, tình hình an ninh trật tự được đảm bảo tốt. Chính vì vậy nhiều năm liền trong làng không có vụ đánh nhau, bạo lực gia đình, vi phạm hình sự, khiếu kiện tập thể, nghiện hút, mại dâm... và được công nhận là "làng an toàn" trong nhiều năm liền.

 
Sôi nổi các hoạt động thể thao trong thôn

Song song với phát triển kinh tế, cán bộ thôn Cẩm Lý vẫn luôn nhận thức được yếu tố không thể thiếu trong quá trình giữ vững danh hiệu LVH đó chính là nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân. Muốn làm được điều này thì một trong những điều kiện tiên quyết chính là xây dựng và đưa vào hoạt động có hiệu quả thiết chế nhà văn hóa thôn. Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", năm 2013 nhà văn hóa thôn đã được xây dựng mới khang trang với giá trị 900 triệu đồng có diện tích trên 200m2 trong khuôn viên hơn 1.000m2 bao gồm cả sân thể thao đáp ứng nhu cầu hội họp, học tập, sinh hoạt, vui chơi của nhân dân. Hoạt động văn hóa, văn nghệ được tổ chức thường xuyên, sôi nổi, đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung của các câu lạc bộ: phụ nữ, người cao tuổi, thanh niên, dưỡng sinh, bóng chuyền hơi, cầu lông, thơ, văn nghệ. Đến nay, thôn đã xây dựng được 1 đội bóng đá mini, 1 đội bóng chuyền thanh niên, 1 đội cầu lông của các cụ cao tuổi và 2 đội bơi thuyền nam - nữ, 1 đội văn nghệ với 30 thành viên… hàng năm đều tham gia thi đấu, giao lưu trong ngày hội của xã. Điểm nổi bật ở Cẩm Lý trong thời gian qua là việc “lấy sức dân lo cho dân” được phát huy đáng kể. Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, trong hai năm 2014 – 2015, người dân ở đây đã tự hiến trên 2.000m2 đất thổ cư và tháo dỡ các công trình phụ trợ để giải phóng mặt bằng làm mới các tuyến đường ngõ, xóm theo quy chuẩn có tổng giá trị trên 3 tỷ đồng, đồng thời bê tông hóa trên 1km đường nội đồng có giá trị gần 1 tỷ đồng. Năm 2017, người dân công đức, đóng góp trên 2,8 tỷ đồng vào việc xây dựng khu văn hóa tâm linh. Năm 2019, người dân lại tiếp tục tự nguyện hiến trên 200m2 và gần 1 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng làm đường liên xã và các công tình phụ trợ liên quan. Việc huy động vốn đóng góp của nhân dân được bàn bạc và thống nhất phân bổ theo thời vụ, theo nhân khẩu nhưng không quá 300.000đ/người để đảm bảo phù hợp với thu nhập của người dân.

Trước khi ra về, ông Nguyễn Văn Trung vẻ tâm đắc chia sẻ với tôi kinh nghiệm xây dựng và giữ vững danh hiệu LVH: đó là  trước khi triển khai bất cứ một công việc gì, từ nhỏ đến lớn, sau khi bàn bạc, thống nhất chủ trương từ chi bộ, các tổ chức đoàn thể sẽ được triển khai trong các cuộc họp dân để nhân dân được bàn bạc, tham gia, thực hiện và giám sát. Việc huy động các nguồn lực, căn cứ vào sự hỗ trợ của huyện, của xã, kêu gọi sự ủng hộ của con em xa quê, sau đó mới huy động đến sức dân, có thế thì dân mới "khỏe", mới có sức để đi tiếp chặng đường dựng xây và phát triển. Có thể khẳng định, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" ở Cẩm Lý đã làm thay đổi bộ mặt và diện mạo của quê hương. Kinh tế phát triển, đời sống văn hóa xã hội không ngừng được nâng cao, tình làng nghĩa xóm ngày càng được thắt chặt gắn bó.
 
P.T 
Các tin mới hơn
60 hạt nhân văn nghệ thị trấn Tứ Kỳ tham gia chương trình chỉ đạo điểm hoạt động văn hóa, văn nghệ cơ sở(26/04/2024)
Cụm thi đua số 1 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai công tác thi đua, khen thưởng năm 2024(26/04/2024)
Hấp dẫn chương trình văn hóa, văn nghệ kỷ niệm các ngày lễ của đất nước(26/04/2024)
Gần 1.000 đầu sách trưng bày khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc(16/04/2024)
Tiểu học Tân Kỳ hưởng ứng ngày sách và văn hóa đọc(16/04/2024)
Các tin cũ hơn
Ứng xử văn hóa, văn minh trong tình hình dịch bệnh(27/08/2021)
Tái hiện “Không gian bếp Việt xưa” và trải nghiệm xay thóc, giã gạo tại Bảo tàng tỉnh Hải Dương(27/08/2021)
Hoài niệm miền đất cổ(26/07/2021)
Lệ “nộp cheo”, một cổ tục của thôn làng truyền thống(16/07/2021)
Văn hóa mạng của người Việt đang ở mức độ nào ?(16/07/2021)
Điểm du lịch
Khu trải nghiệm Côn Sơn: Điểm đến mới lạ, độc đáo, hấp dẫn du khách
Hướng đến Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2023, Khu trải nghiệm Côn Sơn (Côn Sơn Camping) chính thức khai trương đón chào du khách đến tham quan, trải nghiệm và tận hưởng không gian xanh mát tại Côn Sơn Camping.
Tìm kiếm
Liên kết website
na
na
na
na
na
http://dochoi.haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín