Côn Sơn - Kiếp Bạc
Lễ hội mùa Thu Côn Sơn – Kiếp Bạc 2022: Phát huy các giá trị văn hóa truyền thống

Diễn ra từ ngày 5 – 15 tháng 9 (10 - 20 tháng 8 ÂL) Lễ hội mùa Thu Côn Sơn – Kiếp Bạc năm 2022 được tổ chức trang trọng với quy mô lớn sau hai năm bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Đã có hàng chục vạn du khách thập phương tới chiêm bái, vãn cảnh và trải nghiệm các hoạt động được tổ chức tại lễ hội.

Sau hai năm dịch bệnh, năm nay Lễ hội mùa Thu Côn Sơn – Kiếp Bạc được tổ chức với quy mô lớn, các nghi lễ trang nghiêm, hoành tráng và nhiều hoạt động trải nghiệm hấp dẫn nhân dân địa phương và du khách thập phương. Ngày 5/9, Lễ dâng hương và Lễ cáo yết đã được tổ chức trang trọng tại đền Kiếp Bạc. Đây là nghi thức đầu tiên, được hiểu là xin phép mở hội mùa thu. Tiếp đó là các lễ: Tưởng niệm 580 năm Ngày mất của Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi; Khai và ban ấn đền Kiếp Bạc; Tưởng niệm 722 năm Ngày mất của Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo; Hội quân, cầu an và Hội hoa đăng trên sông Lục Đầu; Liên hoan diễn xướng hầu Thánh; cuối cùng là Lễ rước bộ và Lễ giỗ đức Thánh Trần. Ngoài các sự lệ cũ, nét mới trong lễ hội năm nay là Tuần Văn hóa - Du lịch hội Thu Côn Sơn – Kiếp Bạc trưng bày và giới thiệu các sản phẩm Ocop của Hải Dương và các tỉnh duyên hải Bắc Bộ. Tại đây du khách được thưởng thức các sản vật của Hải Dương, trải nghiệm pha và uống trà sen Kiếp Bạc, xem biểu diễn và giao lưu hát quan họ, hát chèo, hát văn; xem múa rối nước, múa lân rồng; chơi các trò chơi dân gian…

 

Lần đầu tiên tổ chức Tuần văn hóa du lịch tại lễ hội mùa Thu Côn Sơn – Kiếp Bạc.

Trong Tuần Văn hóa - Du lịch, khu di tích đã đón hàng vạn du khách tham quan 20 gian hàng trưng bày các sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của các địa phương trong tỉnh như: di sản văn hóa, di tích và lễ hội, ẩm thực, nghề thủ công truyền thống, gốm Chu Đậu, bánh gai Ninh Giang, bánh đậu xanh, vải thiều Thanh Hà, trà sen Kiếp Bạc, mật ong rừng Chí Linh, gạo nếp cái hoa vàng An Sinh (Kinh Môn), hành tỏi Nam Sách, Kinh Môn, cây cảnh nghệ thuật, đồ thủ công mỹ nghệ, các sản phẩm Ocop tỉnh Hải Dương... và đặc biệt trực tiếp tham gia các trò chơi vui nhộn do Bảo tàng tỉnh tổ chức như: làm gốm theo phương pháp cổ truyền, nhào đất (vò đất), chuốt gốm tạo hình sản phẩm trên bàn xoay và trang trí hoa văn; chơi trò chơi “bắt chạch trong chum”, “bịt mắt đập niêu”… đã tạo ra những tiếng cười cho du khách thập phương. Chị Hoàng Yến – du khách người Bắc Giang cho biết: rất vui mừng được đi lễ và tham quan danh thắng Côn Sơn và Kiếp Bạc, được trải nghiệm Tuần lễ Văn hóa - Du lịch của Hải Dương, tôi thấy các sản phẩm trưng bày ở đây, nhiều hàng hóa là những sản vật của địa phương phong phú, đa dạng đáp ứng nhu cầu của tôi và du khách. Cảnh quan, môi trường di tích phong quang, sạch sẽ thoáng mát, không còn cảnh bị chen lấn chèo kéo viết sớ, mua hàng, phần hội phong phú nhiều trò chơi trải nghiệm. Các trò chơi đã tái hiện các giá trị di sản văn hoá, truyền thống tốt đẹp và mang đến cho lễ hội một không khí mới, nét mới đậm chất văn hoá dân gian và lễ hội truyền thống.

Liên hoan diễn xướng hầu thánh tại đền Kiếp Bạc trong 3 đêm (16-18 tháng 8 ÂL) đã thu hút hàng nghìn du khách tập trung về sân đền Kiếp Bạc để thưởng thức các tiết mục đặc sắc, đậm chất văn hóa dân gian của các nghệ nhân đến từ Hà Nội, Bắc Ninh và Hải Dương. Giữa trung tâm tâm linh đền Kiếp Bạc các nghệ nhân đã trình diễn diễn xướng với vũ đạo, âm nhạc, lời ca, ngợi ca công đức của Đức Thánh Trần và các bậc tiền nhân đã có công trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong khuôn khổ các hoạt động của Lễ hội, sáng 12/9 (17 ÂL), hàng vạn du khách đã có mặt tại bến Lục Đầu để theo dõi gần 100 chiếc thuyền của ngư dân Văn Đức (Hải Dương), Đồ Sơn (Hải Phòng) và 500 võ sinh môn phái Võ Nhất Nam trình diễn tái hiện cuộc hội quân của Trần Hưng Đạo tại đại bản doanh Vạn Kiếp để chuẩn bị kháng chiến chống giặc Nguyên - Mông thế kỷ XIII. Nhân dân và du khách mãn nhãn với màn trình diễn lễ hội quân với 3 phần: phần thứ nhất “Hào khí Đông A” tái hiện không khí quân đội nhà Trần hăng say tập luyện hò reo theo nhịp trống liên hồi, thể hiện hào khí sẵn sàng giết giặc. Phần thứ hai, chủ đề “Hùng khí Lục Đầu”, tái hiện khí thế trận giao tranh quyết liệt giữa quân đội nhà Trần ba lần đánh thắng giặc Nguyên Mông. Phần thứ ba, chủ đề “Ca khúc khải hoàn”, tổng kết cuộc kháng chiến và ngợi ca công lao của Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo. Dưới sông, hai đội thuyền lướt sóng, phăng phăng tiến ra giao nhau tại đoạn sông khu vực trung tâm trước lễ đài. Trên bờ các đội múa võ, đội gậy và đội rồng, lân đồng loạt biểu diễn trong tiếng trống thôi thúc. Hòa chung tiếng trống hò reo cùng các chiến binh nhà Trần là những tiếng vỗ tay tán dương của nhân dân và du khách. Anh Nguyễn Văn Hiến, phường Phả Lại, TP Chí Linh cho biết: hai mùa lễ hội Xuân và Thu Côn Sơn – Kiếp Bạc hằng năm tôi đều cùng gia đình đi chiêm bái và vãng cảnh, chưa thấy năm nào du khách đổ về hai di tích đông như năm nay. Phần hội đã có nhiều hoạt động trải nghiệm níu chân du khách. Là người ở đây, nhưng Lễ hội quân trên sông Lục Đầu thì lần đầu tiên tôi tới xem, các màn biểu diễn võ thuật, múa cờ, lân, rồng, thuyền chiến kết hợp những tiếng trống giục quân vang dội một vùng, làm cho chúng tôi như được sống lại hào khí ngất trời của quân dân Đại Việt và cảm nhận được khí phách lẫm liệt của vị Anh hùng dân tộc kiệt xuất Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn.

 

Lễ hội quân trên sông Lục Đầu thu hút đông đảo nhân dân và du khách.

Đêm 13/9 (18/8 ÂL) tại bến Lục Đầu, hàng vạn người dân và du khách tham gia cầu siêu cho những linh hồn anh hùng liệt sĩ đã hy sinh ở các triều đại và cũng là cầu cho vong hồn kẻ bại trận trên sông Lục Đầu được siêu thoát. Qua đó cầu cho quốc thái, dân an, nhân khang vật thịnh, nhà nhà ấm no, gia đình hạnh phúc, toàn dân tộc đoàn kết, đồng lòng xây dựng và bảo vệ giang sơn, lãnh hải của Tổ quốc. Sông Lục Đầu là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử và những chiến công vang dội của quân dân Đại Việt trong sự nghiệp đấu tranh và bảo vệ Tổ quốc. Đây là nơi quân dân nhà Trần đã ba lần đánh thắng đế quốc Nguyên Mông, tiêu diệt hàng chục vạn quân giặc và cũng tại đây đã có hàng nghìn quân dân Đại Việt nằm lại. Đàn cầu an với 9 tầng tháp tượng trưng cho trục nối, giao thoa trời - đất, âm - dương và hơn 8.000 hoa đăng được thắp sáng lung linh bừng sáng cả góc trời Vạn Kiếp, được người dân, du khách chuyền tay thả xuôi theo dòng nước sông chở tình cảm tri ân của thế hệ hôm nay gửi gắm về cõi xa xăm. Trên tay cầm bông hoa đăng đang tỏa sáng, chị Nguyễn Thị Tươi (TP Hải Phòng) cho biết: nghe nói về lễ hội Xuân, Thu Côn Sơn – Kiếp Bạc đã lâu, nhưng do dịch bệnh nên chưa có dịp đến chiêm bái, tham quan, hôm nay có mặt tại đây, đặc biệt là được dự lễ cầu an và hội hoa đăng tôi rất xúc động. Giữa không gian linh thiêng với hàng nghìn bông hoa đăng sáng rực đang nổi trên sông, tôi cầu mong cho linh hồn các “tử sĩ” được siêu thoát, dịch bệnh qua đi, đất nước yên bình, người dân được ấm no, hạnh phúc, gia đình khỏe mạnh, công việc hanh thông. Tôi và gia đình sẽ còn quay lại đây nhiều lần nữa.

Theo Ban quản lý Di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc, trong thời gian diễn ra lễ hội đã có hơn sáu mươi vạn người dân và du khách trong và ngoài nước đã tới chiêm bái và vãn cảnh ở cả hai di tích Côn Sơn và Kiếp Bạc. Do công tác chuẩn bị được thực hiện chu đáo của Ban tổ chức và sự phối hợp nhịp nhàng giữa các sở, ban, ngành và địa phương nên mặc dù có thời điểm du khách đổ về đông nhưng vẫn không xảy ra tình trạng kẹt xe, ùn ứ cục bộ, chen lấn xô đẩy, công tácan ninh trật tự được bảo đảm. Đặc biệt là việc ngăn ngừa các hiện tượng mê tín dị đoan, xem bói, xóc thẻ, cờ bạc, đổi tiền mệnh giá nhỏ hưởng chênh lệch.. Cùng với đó là công tác tuyên truyền về tổ chức lễ hội đi trước 1 bước, đa dạng các loại hình tuyên truyền; lịch trình tổ chức các nghi lễ và trò diễn được các phương tiện thông tin đại chúng tăng cường quảng bá, giới thiệu... Nhiều tờ báo ở miền Nam xa xôi cũng đưa tin, bài về lễ hội.

Một mùa lễ hội với nhiều đổi mới, đã để lại trong lòng du khách nhiều cung bậc cảm xúc. Những hoạt động tại lễ hội không chỉ góp phần quảng bá sản vật Hải Dương, mà còn tạo không khí vui tươi và mang đậm nét văn hoá dân gian của lễ hội truyền thống.                                                                                                               

       BG
Các tin mới hơn
Lễ Cáo yết - Nghi lễ khai hội mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2024(20/02/2024)
Để suối Côn Sơn chảy mãi(06/10/2023)
Các tin cũ hơn
Nhiều chương trình đặc sắc tại Lễ hội mùa Thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2023(14/09/2023)
Triển khai công tác tổ chức Lễ hội mùa Thu Côn Sơn – Kiếp Bạc năm 2023(07/08/2023)
Tìm giải pháp duy trì dòng chảy suối Côn Sơn(10/10/2022)
Tưởng niệm 720 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn(03/10/2020)
Thêm một công trình văn hoá tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn(21/09/2020)
Điểm du lịch
Khu trải nghiệm Côn Sơn: Điểm đến mới lạ, độc đáo, hấp dẫn du khách
Hướng đến Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2023, Khu trải nghiệm Côn Sơn (Côn Sơn Camping) chính thức khai trương đón chào du khách đến tham quan, trải nghiệm và tận hưởng không gian xanh mát tại Côn Sơn Camping.
Tìm kiếm
Liên kết website
na
na
na
na
na
http://dochoi.haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín