Văn hóa cơ sở
Mạn đàm về việc cúng lễ đầu xuân

Dạo qua các cơ sở thờ tự, ta thấy người Việt mình hay đến cúng lễ các đền, đình, miếu nhiều nhất vào mỗi dịp đầu năm mới.

Có một thời, do lối tư duy giản đơn, ấu trĩ và thô sơ, chúng ta đã tiếp cận tôn giáo, tín ngưỡng một cách phiến diện, lệch lạc dẫn đến không ít sai lầm trong hành xử với tôn giáo, tín ngưỡng cả về mặt hành chính cũng như sinh hoạt tâm linh. Trong bối cảnh kinh tế thị trường, đất nước mở cửa, hội nhập với thế giới, cách tiếp cận của chúng ta với tôn giáo, tín ngưỡng có nhiều thay đổi theo hướng cởi mở hơn, nhưng dường như lại lệch  sang một thái cực khác, cũng rất cực đoan. Vậy là, tôn giáo, tín ngưỡng có lúc được đồng nhất với mê tín, dị đoan, xem như một hủ tục cần loại bỏ khỏi đời sống xã hội; có lúc lại được tiếp nhận một cách tự do, đến tùy tiện và vô căn cứ. Do những “đứt gãy” trong truyền thống tôn giáo, tín ngưỡng, nên trong đời sống tâm linh, chúng ta đã dung nạp trong đó cả giá trị lẫn hủ lậu, mê tín, dị đoan. Có lúc, có nơi không phân biệt nổi đâu là tín ngưỡng dân gian đâu là tôn giáo- mà ở đây xin nói cụ thể hơn là Phật giáo.

 
Lễ chùa đầu năm  

Dạo qua các cơ sở thờ tự, ta thấy người Việt mình hay đến cúng lễ các đền, đình, miếu nhiều nhất vào mỗi dịp đầu năm mới. Đình, đền, miếu là nơi thờ các bậc thánh, thần: có thể là những nhân thần - tức anh hùng dân tộc có công với đất nước chống giặc ngoại xâm, giữ gìn nền độc lập dân tộc, hoặc các Danh nhân văn hóa (như đền Kiếp Bạc thờ Đức thánh Trần, đền Hàn Giang thờ Võ tướng Đinh Văn Tả, đền Xưa thờ đại danh y Tuệ Tĩnh, đền thờ “vạn thế sư biểu” Chu Văn An trên núi Phượng Hoàng, đền thờ Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi ở Côn Sơn... và rất nhiều đình làng thờ người có công với nước, hoặc có công khai khẩn đất đai, lập trang ấp được phong là Thần hoàng). Những bậc thiên thần cũng được dân gian lập đền thờ (thần núi Tản Viên, Thần Nam Hải, Tứ thánh Mẫu, Tứ pháp...). Tại các nơi thờ tự này, đi theo nghi lễ thờ cúng thánh, thần có rất nhiều hoạt động tín ngưỡng dân gian, trong đó có trường hợp mang tính tiêu biểu cho tín ngưỡng người Việt nói chung, nhưng cũng có không ít những yếu tố mang bản sắc riêng của cộng đồng cư dân địa phương. Gạt đi những yếu tố mê tín, dị đoan (như cúng trừ ma quỷ, bói toán, rút thẻ...) thì các tín ngưỡng thờ cúng ở các đình, đền, miếu... đều mang ý nghĩa tích cực về mặt tâm linh, thể hiện tâm thức dân tộc, cộng đồng bày tỏ lòng biết ơn người có công và mong ước mưa thuận, gió hòa của cư dân vùng đất nhiệt đới, gió mùa, tuy sản vật phong phú nhưng cũng lắm thiên tai bất thường. Với quan niệm, trần sao âm vậy, lễ vật thờ cúng các nhân thần cũng có hoa, quả, xôi, thịt thậm chí cả trầu cau, thuốc lá nữa. Lễ vật thờ các thiên thần cũng không hề khác, bởi các thiên thần cũng được “nhân cách hóa”. Ở đây có điều cần bàn là tại sao trong lễ vật thờ cúng thiên thần cũng như nhân thần lại có những đồ giả? Chẳng hạn như quần áo, ngựa xe giả, nén vàng, bạc và cả tiền giả nữa. Với quan niệm càng cúng nhiều lễ vật (giả) càng được các thần, các thánh phù hộ độ trì, ban cho nhiều phước lộc. Từ đó, tạo nguồn cung rất lớn cho các cơ sở sản xuất hàng mã để đáp ứng cầu. Hệ lụy tất yếu xảy ra là cứ mùa lễ hội các đình, đền đầu xuân không chỉ gây lãng phí về tiền của mà còn gây ô nhiễm môi trường, thậm chí gây hỏa hoạn! Vả lại, xét về mặt tâm linh, nếu con người ta có lòng thành kính với thánh, thần thì có nên làm cái việc giả dối với thần, thánh được không? Thiết tưởng, tín ngưỡng, tâm linh cũng là một mặt của đời sống tinh thần của con người, nó cũng phải thuận lòng người, hợp tình, hợp lý. Nên chăng, đến với lễ hội đình, đền đầu xuân, ngoài lễ vật thờ cúng, chúng ta nên đặt tiền thật lên mâm lễ. Sau khi hạ lễ, có thể dành một phần đưa vào hòm công đức giúp ban quản lý lễ hội có kinh phí tu bổ cơ sở đình, đền, phần còn lại sử dụng vào việc mua sắm có ý nghĩa trong gia đình, như: mua sách vở cho con cháu để cầu mong con cháu học hành tiến bộ hoặc mua sắm dụng cụ sản xuất kinh doanh để cầu mong làm ăn phát đạt. Làm được điều đó, chúng ta mới gắn tín ngưỡng với đời sống hiện tại, việc tâm linh cũng phù hợp với tâm lý con người - nhất là con người thời hiện đại hôm nay. Nhân đây cũng xin được nói thêm: đồ mã được đưa vào thờ cúng không phải là sản phẩm văn hóa tâm linh của người Việt. Nó có nguồn gốc từ Trung Quốc thời Hán, được du nhập vào Việt Nam trong thời kỳ Bắc thuộc. Cho nên, việc từ bỏ tập quán thờ cúng hàng mã không có nghĩa là dứt bỏ một tập quán truyền thống mà chính là sự sàng lọc lại việc tiếp thu văn hóa nước ngoài vào bản địa. Đến đây, một câu hỏi đặt ra là, vậy thì người Việt hôm nay có nên nhất thiết cứ phải duy trì nghi lễ thờ cúng của người Hán cách đây hơn hai nghìn năm không?

Cùng với tín ngưỡng thờ thánh, thần, thì thờ cúng tổ tiên là một tín ngưỡng đẹp, có ý nghĩa rất nhân văn, thể hiện tâm thức của người Việt hướng về cội nguồn, biết ơn các bậc sinh thành ra mình. Những ngày Tết, nghi lễ thờ cúng tổ tiên ở mọi nhà được tổ chức ấm cúng và thiêng liêng, diễn ra từ 30 Tết (lễ tất niên), qua ba ngày tế tới lễ “hóa vàng” tiễn cụ. Lễ vật thờ cúng tổ tiên cũng như thờ thánh thần, có hoa, quả, rượu, chè, xôi, thịt... và cũng không thiếu đồ mã (nén vàng, bạc, ngựa, xe và tiền giả của “ngân hàng địa phủ”), tức là có cả lễ vật giả! Nó có gì gợn gợn về mặt tâm lý vì người dâng lễ thờ cúng biết rõ là không thật nhưng vẫn cứ làm theo thói quen. Nhưng đối với những người theo đạo Phật, xét theo hệ quy chiếu của giáo lý nhà Phật, thì vấn đề không dừng lại ở đó, mà còn  nghiêm trọng hơn nhiều. Bởi lẽ, mỗi người có tâm hướng Phật hay là Phật tử đã đến chùa quy y tu theo chánh pháp đều nhận thức rõ một điều thật đơn giản: con người ta cần phải tu tập theo lời Phật dạy theo “bát chánh đạo” để được từ, bi, hỉ, xả, rũ bỏ hết mọi tham, sân, si và ngã mạn, trong đó phải giữ đúng 5 giới (không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu) để đến khi rời “cõi tạm” mới đạt cảnh giới Niết bàn hay lên cõi Trời “Tây phương cực lạc”, tức là thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi. Vậy thì, Phật tử vẫn thờ cúng tổ tiên bằng hàng mã dành cho ma, quỷ ở cõi âm, tiêutiền của “Ngân hàng địa phủ” như thế có khác nào con cháu đã xác quyết tâm trong tâm linh rằng tổ tiên mình đang ở cõi ma quỷ, chứ đâu phải được ở “chốn bồng lai tiên cảnh” trên cõi Trời “Tây thiên”? Vậy nên, việc sắm hàng mã làm lễ vật thờ cúng ở đình, đền, am, miếu cũng như ở tư gia đã đến lúc cần phải xem là những hủ tục cần phải loại bỏ khỏi đời sống tín ngưỡng, tâm linh của người Việt thời hiện đại; coi đó cũng là sự “thoát Trung” về mặt  tín ngưỡng, tâm linh!

         Nếu như ở bàn thờ tư gia hay chốn đình, đền, vấn đề cần bàn là ở việc cúng thờ hàng mã, thì ở chùa (nơi thờ Phật) vấn đề nổi cộm hiện nay cần bàn lại là hai việc khác: một là cúng dâng sao giải hạn; hai là tâm thức cầu nguyện.

         Nhìn lại lịch sử Phật giáo thì thời Đức Thích Ca Mầu Ni còn tại thế, ở Ấn Độ chưa có một công trình kiến trúc dành để thờ Phật. Khi Đức Phật nhập diệt, các đệ tử của Ngài là Ala hán mới xây mộ tháp để đảnh lễ, bày tỏ lòng tôn kính tới người thầy của mình. Mãi sau này các công trình kiến trúc được dựng lên với chức năng chủ yếu là làm nơi để các tăng, ni hoằng dương thuyết pháp là chính, đồng thời kiêm thêm chức năng thờ Phật để hậu thế bày tỏ lòng ngưỡng mộ, thành kính tri ân Ngài. Khi Phật giáo trở thành một tôn giáo được phổ biến rộng rãi ở Việt Nam (Thời Lý, Trần coi Phật giáo là Quốc đạo), thì chùa chiền cũng mọc lên ở các nơi (hầu như làng nào cũng có chùa chiền). Chùa chiền gắn với nơi sinh sống của cư dân, tiện cho việc sinh hoạt tín ngưỡng của Phật tử và hoằng dương thuyết pháp của tăng ni. Qua biến động của lịch sử và giao thoa giữa Phật giáo với tín ngưỡng bản địa, ở một số nơi, chùa chiền vừa là nơi thờ Phật cũng vừa là nơi thờ thần, thánh (thờ vua và hậu, thờ Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu...). Nhưng nhìn chung, chùa chiền với chức năng chính, vẫn là nơi thờ Phật.

Tuy vậy, ở một số nơi, do không hiểu biết về Phật pháp, người dân lại đến chùa để cúng sao giải hạn. Cúng sao giải hạn là một nghi lễ của Đạo giáo, cũng có nguồn gốc từ Trung Quốc, quan niệm số mạng mỗi người do 28 ngôi sao chiếu mạng (có tốt, xấu) vận động theo chu kỳ thường niên quyết định, nên đầu năm phải cúng sao để giải hạn.Với quan niệm như vậy, Đạo giáo hoàn toàn đi ngược với triết học Phật giáo, cho rằng số phận mỗi người trong kiếp này cũng như tiền kiếp và muôn kiếp sau đều do luật nhân quả, luân hồi chi phối. Mỗi chúng sinh trong giờ phút hiện tại đều gặt hái quả báo từ quá khứ và mọi suy nghĩ và hành vi (tâm ý, lời nói hay việc làm thiện hay ác) trong hiện tại đều tạo nghiệp cho tương lai. Nên không ai khác mà mỗi người phải tự giác ngộ để quyết định số phận mình, mà Đức Phật cũng tự nhận mình chỉ là người thầy chỉ cho Phật tử con đường tu tập để sang bờ giải thoát, chứ Ngài không phải là bậc thánh, thần ban phát theo ý nguyện mà con người đến cầu. Thế thì không thể mang nghi lễ của Đạo giáo đến chùa chiền của Phật giáo hành lễ được. Hành vi tín ngưỡng diễn ra “nhầm địa chỉ” hay dâng lễ “nhầm thánh thần” chẳng phải là việc làm không chỉ của người thiếu hiểu biết văn hóa tâm linh mà trong trường hợp cúng sao giải hạn ở chùa còn là việc làm xúc phạm, báng bổ đức Phật đó sao! Rất tiếc, trong thời gian gần đây, lễ cúng sao giải hạn đã lan rộng trong cộng đồng, bị thương mại hóa, gây bức xúc trong công luận, làm ảnh hưởng đến phẩm giá từ bi, trí huệ của đạo Phật.Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có công văn chấn chỉnh việc này, mong sao Phật tử cũng cần ngộ ra để hoan hỉ đồng lòng hưởng ứng. Dưới góc nhìn Phật giáo, đó là việc làm cần thiết của mỗi Phật tử chân chính, góp phần bảo vệ chánh pháp và chân lý Phật.

 
Ảnh minh họa 

         Không chỉ không đến chùa làm lễ cúng sao giải hạn, mà mỗi Phật tử đến chùa lễ  Phật đầu năm cũng cần phải thấm nhuần giáo lý nhà Phật để thành kính tâm nguyện cho trí huệ giác ngộ. Ngoài việc không đặt những lễ vật không qua sát sinh (thịt, cá) hoặc lễ vật phạm giới hạnh (những thức gây nghiện, như: rượu, bia, thuốc lá) và hàng mã, Phật tử có thể dâng lễ bằng hương, hoa, quả và tiền thật cúng dường. Khi cầu nguyện, Phật tử không cầu nhằm thỏa mãn lòng tham, sân, si và dục lạc theo lối tư duy thực dụng, hình tượng hóa “hội đồng Phật” như những quan chức lạm quyền ban phát cho kẻ đến cầu cạnh, hối lộ được như ý. Đó là cầu xin chứ không phải là cầu nguyện; đó là trần tục hóa thế giới tâm linh chứ không phải là đến với thế giới tâm linh cao khiết. Phật tử tín Phật, thành tâm với Đức Phật và giáo lý Phật, đến chùa không để cầu xin mà để lễ Phật và cầu nguyện. Nguyện tin theo lời Phật dạy, nguyện học và đọc để thông tuệ chánh pháp, thông tuệ chân lý Phật. Và điều cuối cùng và cũng là quan trọng nhất là thông tuệ Phật pháp, thông tuệ chân lý Phật không phải để thỏa mãn lòng ham hiểu biết mà để thực hành đạo Pháp từng ngày từng giờ, ở mọi nơi mọi lúc, qua từng ứng xử với mỗi con người và vạn vạn chúng sinh. Đó cũng là con đường tự sửa mình, giúp người, giúp đời, nguyện thêm một hạt cát trong “Hằng hà sa số” góp phần nâng cao đạo đức xã hội, tốt đời đẹp đạo. Đó cũng là con đường chấn hưng đạo Phật, theo đạo Phật không phải chỉ có con đường xuất gia, quay lưng với đời, mà là gắn đạo Phật với đời sống, làm cho đạo Phật trở nên sống động, sinh sôi và cận nhân tình hơn. Đó cũng là truyền thống Phật giáo Việt Nam gắn với Thiền phái Trúc lâm Yên Tử mà Phật hoàng Trần Nhân Tông là người khởi xướng!

         Tâm linh, tín ngưỡng của người Việt là cả một vấn đề rộng lớn và vô cùng phức tạp, không lý giải bằng cái nhìn sơ lược và cứng nhắc, còn rất nhiều vấn đề cần bỏ ngỏ với những cách tiếp cận khác nhau. Nó không chỉ đơn thuần là tâm linh, tín ngưỡng, mà còn là lịch sử, văn hóa cùng với những xâm nhập đan xen và giao thoa giữa văn hóa bản địa với văn hóa ngoại nhập; giữa tín ngưỡng dân tộc với Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo cùng những tập tục của cộng đồng địa phương và sắc tộc.

            Đầu Xuân Tân Sửu, xin có đôi lời nhàn đàm xin được chia sẻ và mong được trao đổi cùng bạn đọc. Xin kính chúc quý độc giả một năm an khang, thịnh vượng, vạn sự cát tường!
 
 
Cảnh Thụy 
Các tin mới hơn
Thư viện tỉnh Hải Dương đạt giải Nhì Liên hoan Cán bộ Thư viện toàn quốc năm 2024(28/04/2024)
Nhiều chương trình hấp dẫn tại phố đi bộ, chợ đêm Bạch Đằng(28/04/2024)
Ôn lại những năm tháng hào hùng của chiến dịch Điện Biên Phủ(27/04/2024)
60 hạt nhân văn nghệ thị trấn Tứ Kỳ tham gia chương trình chỉ đạo điểm hoạt động văn hóa, văn nghệ cơ sở(26/04/2024)
Cụm thi đua số 1 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai công tác thi đua, khen thưởng năm 2024(26/04/2024)
Các tin cũ hơn
Tục đăng thọ tuổi 57 ở thôn Văn Thai(15/03/2021)
Cái tâm, cái tầm của người trưởng thôn(03/03/2021)
Từ văn hóa chào hỏi trong đời sống, đến nghi thức chào quốc kỳ và hát quốc ca- đôi điều cần trao đổi(02/03/2021)
Niềm tin dị đoan của dân ta(02/03/2021)
Cần tạc bia đá ở di tích văn hóa(02/03/2021)
Điểm du lịch
Khu trải nghiệm Côn Sơn: Điểm đến mới lạ, độc đáo, hấp dẫn du khách
Hướng đến Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2023, Khu trải nghiệm Côn Sơn (Côn Sơn Camping) chính thức khai trương đón chào du khách đến tham quan, trải nghiệm và tận hưởng không gian xanh mát tại Côn Sơn Camping.
Tìm kiếm
Liên kết website
na
na
na
na
na
http://dochoi.haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín