Di sản
Lan toả tình yêu ca trù

Sau 10 năm duy trì tổ chức, lớp tập huấn ca trù do Trung tâm VHNT tỉnh tổ chức đã góp phần ươm mầm và lan toả tới công chúng tình yêu nghệ thuật ca trù, đóng góp không nhỏ trong việc bảo vệ di sản văn hoá này trên địa bàn tỉnh.

 

            Lớp học đặc biệt

Tại buổi lễ tổng kết lớp tập huấn ca trù do Trung tâm Văn hoá Nghệ thuật tỉnh tổ chức, trong không gian trang trọng trên sân khấu, các học viên từ già tới trẻ ngồi ngay ngắn, xếp thành hình vòng cung, lần lượt biểu diễn các tiết mục như những ca nương, kép đàn - trống - phách thực thụ. 

Ca nương An Nguyễn Thuỷ Tiên, 11 tuổi, ở Thanh Miện, được đánh giá là một tài năng trẻ hát ca trù ở lớp học này. Trên sân khấu, Thủy Tiên với thân hình nhỏ nhắn, hoá thân thành một ca nương tài năng, tự tin khoe chất giọng cao vút, luyến láy một cách điêu luyện. Tiết mục trình diễn của em thu hút sự quan tâm theo dõi và tán thưởng của đông đảo khán giả có mặt. Chia sẻ về cơ duyên với nghệ thuật ca trù, Thuỷ Tiên cho biết gia đình em không có ai theo môn nghệ thuật này. Bà nội em là người theo hát chèo nhưng lại rất thích nghệ thuật ca trù, nên khi biết có lớp tập huấn, bà nhờ người giới thiệu để em tham gia. Dù chỉ qua ba lớp tập huấn trong ba năm, Thuỷ Tiên đã nhanh chóng lĩnh hội được khá đầy đủ kiến thức về cách hát và biểu diễn của một ca nương. Cũng nhờ niềm đam mê và tài năng của mình, Thuỷ Tiên hai lần đại diện cho tỉnh nhà tham gia trình diễn và nhận được giải nhất tại Liên hoan ca trù toàn quốc năm 2018 ở Hà Tĩnh và Liên hoan trình diễn các Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại năm 2019 tại Nha Trang.

            Là một học viên cao tuổi của lớp, ông Đặng Hữu Tính – 70 tuổi, hiện đang là thành viên của câu lạc bộ (CLB) ca trù huyện Nam Sách cho biết: "Tôi tham gia sinh hoạt tại CLB ca trù huyện Nam Sách từ năm 2004 với vai trò kép đàn. Từ khi có lớp tập huấn ca trù do Trung tâm VHNT tổ chức, năm nào tôi cũng đăng ký tham gia để nâng cao kỹ năng trình diễn đàn đáy của mình, vì kiến thức của ca trù rất dày, càng học nhiều thì càng nắm chắc được kiến thức cơ bản cũng như mở mang thêm được nhiều kiến thức nâng cao". Cháu Trần Anh Tuấn, sinh năm 2009, là cháu ngoại của ông, từ nhỏ khi theo ông đi xem biểu diễn ở CLB ca trù của huyện đã yêu thích môn nghệ thuật này và cũng mong muốn học được cách chơi đàn đáy từ ông. Tuy nhiên, vì cháu còn nhỏ chưa phù hợp với việc học đàn, nên ông Tính đã hướng cho cháu chơi trống chầu. Đã ba năm nay, tranh thủ cháu được nghỉ hè, hai ông cháu lại cùng tham gia lớp tập huấn. Đến nay, Tuấn đã nắm được khá tốt nhịp trống phách, có thể tự tin biểu diễn trên sân khấu.

            Theo thông tin từ Trung tâm VHNT, số lượng các học viên của lớp tập huấn năm nay cao hơn so với những năm trước với hơn 40 học viên ở nhiều lứa tuổi khác nhau, chủ yếu tập trung ở các địa phương có sự phát triển của nghệ thuật ca trù và thành lập được CLB như: huyện Tứ Kỳ, Gia Lộc, Nam Sách, Thanh Hà, Thanh Miện, Cẩm Giàng, TP Hải Dương. Cũng theo Ban tổ chức lớp tập huấn, năm nay còn rất nhiều người muốn đăng ký tham gia khoá học nhưng do kinh phí hạn hẹp nên không thể nhận thêm học viên. Qua lớp tập huấn này, các học viên mới được tiếp cận những kiến thức cơ bản của ca trù, đồng thời bổ sung kiến thức nâng cao cho những học viên đã có tuổi nghề lâu năm. Không chỉ được truyền dạy kĩ năng bởi các nghệ nhân ca trù ưu tú như ông Phạm Hồng Hải (trống chầu), ca nương Đoàn Thị Chinh và kép đàn Phạm Ngọc Cuông (nguyên cán bộ Trung tâm Văn hoá, Nghệ thuật). Các học viên có tuổi nghề còn hỗ trợ giáo viên truyền đạt cho học viên mới, qua đó góp phần nâng cao chất lượng của lớp tập huấn tuy chỉ ngắn hạn này.

            Điều ghi nhận là qua mỗi năm, lớp trẻ đăng ký tham gia lớp học ngày càng tăng. Riêng trong năm nay có tới 20 em đang ở độ tuổi học sinh đăng ký tham gia lớp. Trong số đó, nhiều em cùng bố mẹ, ông bà tới tham dự lớp và cùng trở thành học viên.

            Ông Phạm Ngọc Cuông, cán bộ Trung tâm VHNT, người trực tiếp giảng dạy tỏ ra vui mừng: "Có thời gian dài, tôi nghĩ ca trù đã hết thời nhưng thật may mắn, nhờ sự quan tâm tạo điều kiện của các cấp, ngành, địa phương, sự gắn kết chung tay của nhiều người mà môn nghệ thuật này đang dần được hồi sinh. Thật tự hào vì là người trực tiếp truyền lửa ca trù tới những người đam mê, đặc biệt là tới lớp trẻ kế cận, giúp sức để giữ gìn di sản văn hoá quý giá này của dân tộc tồn tại và phát triển. Qua mỗi lớp tập huấn, các học viên cũ được gặp lại nhau, cùng trau dồi thêm kiến thức và chào đón những gương mặt mới đầy tài năng, triển vọng, tạo niềm vui, động lực để chúng tôi tiếp tục theo đuổi đam mê".

Lan toả tình yêu ca trù

Là loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo, vừa đậm tính dân gian, vừa uyên bác trong cả lời ca, điệu nhạc, do vậy, ca trù khá kén người nghe và cũng khó khăn trong việc tìm người theo học. Tuy vậy, ở một số địa phương có CLB ca trù phát triển, niềm đam mê và tâm huyết của các nghệ nhân đã góp phần thu hút nhiều lớp trẻ theo học. Dưới sự dẫn dắt của các nghệ nhân gạo cội, cùng với sự phát triển của các phương tiện truyền thông, internet đã giúp giới trẻ tiếp thu nhanh hơn bằng cách tự trau dồi thêm kiến thức tại nhà. Tuy nhiên để có thể thành tài trong ca trù bắt buộc phải có một quá trình khổ luyện trong nhiều năm. Vì thế, việc tổ chức các lớp tập huấn ca trù song song với việc duy trì sinh hoạt CLB ca trù ở các địa phương là điều kiện cần thiết để có thể ươm mầm, lan toả tình yêu ca trù tới thế hệ trẻ.

Ông Đặng Hữu Tính cũng hi vọng mang những kiến thức mà ông học được từ lớp tập huấn này để về truyền lại cho những thành viên của CLB ca trù Nam Sách, đặc biệt là giúp những thành viên trẻ tuổi tiếp cận nhiều hơn kiến thức về nghệ thuật ca trù. "Chừng nào còn khoẻ, tôi vẫn muốn tiếp tục tham gia học ca trù để nâng cao kiến thức. Đồng thời sẽ tiếp tục truyền lửa đam mê ca trù cho cháu tôi và lớp trẻ ở CLB. Hi vọng, cháu sẽ tiếp tục giữ được đam mê tới khi cháu đủ lớn, đủ khả năng học đàn đáy, tôi sẽ truyền nghề cho cháu như một món quà vô giá mà tôi dành tặng cho cháu mình".

Đây cũng là mong muốn của nhiều học viên của lớp tập huấn, họ đều muốn sau khoá học sẽ mang những kiến thức được tiếp thu để có thể gây dựng phong trào ca trù ở địa phương lớn mạnh hơn. Không chỉ ở các địa phương đã thành lập được CLB, một số địa phương như: Thanh Hà, Thanh Miện cũng đã đưa các hạt nhân văn nghệ quần chúng tham gia lớp tập huấn để làm tiền đề cho việc thành lập CLB ca trù tại địa phương.

Ông Nguyễn Văn Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hoá Nghệ thuật cho rằng: "Việc nhiều thành viên của các CLB ở các địa phương trong tỉnh cho con em mình tham gia học ca trù chứng tỏ họ rất yêu mến và muốn truyền lại cho thế hệ sau loại hình nghệ thuật đặc biệt này. Qua đây cũng thấy, nghệ thuật ca trù tại các địa phương đã có sự truyền thụ và tiếp nối giữa các thế hệ. Đây là tín hiệu đáng mừng cho việc giữ gìn và phát huy di sản ca trù trên địa bàn tỉnh".       

Chia sẻ về những khó khăn còn tồn tại của lớp tập huấn, ông Cường cho biết: hiện tại thời gian tổ chức lớp tập huấn còn quá ngắn, chỉ diễn ra trong 8 ngày, nên các giảng viên phải cố gắng hết sức, tận dụng toàn bộ thời gian để có thể truyền đạt kiến thức cho học viên. Bên cạnh đó thì kinh phí hỗ trợ cho các học viên còn thấp, trang thiết bị, cơ sở vật chất còn hạn chế nên một số địa phương còn phải vận động "vất vả" mới có người đăng ký học. Mỗi năm tỉnh chỉ tổ chức được một cuộc giao lưu ca trù và một lớp tập huấn nên việc tập luyện, biểu diễn sẽ bị bẵng đi một thời gian dài, nên khi mở lớp lại, nhiều học viên gần như phải đào tạo lại từ đầu.

Nói về vấn đề này, ông Phạm Ngọc Cuông cũng khẳng định, việc học ca trù tưởng dễ nhưng lại rất khó, chưa chắc một nhạc sĩ đã nắm được chuẩn về trường độ của ca trù, mặc dù là thể cách tự do nhưng vẫn phải nằm trong khuôn khổ 5 năm khổ đầu và 5 khổ phách, nên khó nhất vẫn là dạy học viên nắm được tiết tấu của nhịp phách. Mỗi học viên mới bắt đầu ít nhất phải qua ba lớp tập huấn mới có thể nắm được cơ bản kiến thức của ca trù. Nên họ đều mong muốn trong thời gian tới, các cấp, ngành sẽ tạo điều kiện để có thể tăng thêm thời gian, số đợt tổ chức lớp tập huấn, đồng thời bổ sung kinh phí động viên cho các học viên theo học. Bên cạnh đó ngoài việc tham gia liên hoan ca trù tỉnh, thì các CLB cũng nên thường xuyên tổ chức giao lưu để nâng cao chuyên môn cũng như tạo sân chơi thu hút thêm nhiều thành viên tham gia CLB.

Từ khi ca trù được UNESCO ghi danh, tỉnh đã ban hành chương trình hành động bảo tồn di sản ca trù giai đoạn 2010 - 2020. Trong đó, đề ra nhiều biện pháp nhằm giữ gìn và phát triển bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc như kiểm kê hệ thống tư liệu di sản ca trù, ban hành chính sách đãi ngộ đối với các tài năng có công bảo vệ và phát huy di sản này; phối hợp với các trường xây dựng chương trình giáo dục thích hợp để truyền dạy hát ca trù trong trường học… Các chương trình hành động nhằm bảo tồn, phát huy nghệ thuật ca trù đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên để nghệ thuật ca trù tiếp tục được giữ gìn và phát huy hiệu quả thì trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần quan tâm hơn nữa trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản này.

Nguyễn Trường 
Các tin mới hơn
Đền Tranh khai hội(20/03/2024)
Hải Dương có thêm 03 Bảo vật Quốc gia(18/01/2024)
Tổng kết chương trình giáo dục di sản văn hoá năm 2023(14/12/2023)
Tìm lại dòng gốm cổ Bá Thuỷ(07/12/2023)
Tu bổ, tôn tạo Di tích quốc gia đặc biệt Chùa Giám(23/11/2023)
Các tin cũ hơn
Bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật hát Tuồng ở Thạch Lỗi (18/09/2020)
Ngôi đình thờ ba vị Thành hoàng có công giúp Hai Bà Trưng đánh giặc(02/06/2020)
Hội thảo khoa học “Công thần khai quốc Bùi Quốc Hưng với Hải Dương”(24/01/2019)
Tọa đàm khoa học "Giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học chùa Ngũ Đài" (20/01/2019)
Chi đoàn Bảo tàng tỉnh: tọa đàm "Vai trò của đoàn viên Thanh niên Bảo tàng tỉnh với việc thu hút khách tham quan" (20/01/2019)
Điểm du lịch
Khu trải nghiệm Côn Sơn: Điểm đến mới lạ, độc đáo, hấp dẫn du khách
Hướng đến Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2023, Khu trải nghiệm Côn Sơn (Côn Sơn Camping) chính thức khai trương đón chào du khách đến tham quan, trải nghiệm và tận hưởng không gian xanh mát tại Côn Sơn Camping.
Tìm kiếm
Liên kết website
na
na
na
na
na
http://dochoi.haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín